Thích nghi với sự thay đổi của thị trường

Chủ nhật, ngày 29 tháng 9 năm 2024 | 8:13

Hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, các hợp tác xã tại Ninh Thuận đã chú trọng thực hiện liên kết sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học-công nghệ theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm bảo đảm chất lượng để nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia sàn thương mại điện tử, thích nghi với sự thay đổi của thị trường, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế, gia tăng nguồn thu ngân sách địa phương.

Nông dân xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) chăm sóc nho theo tiêu chuẩn VietGAP.
Nông dân xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) chăm sóc nho theo tiêu chuẩn VietGAP.

Với doanh thu bình quân hơn 2,35 tỷ đồng/hợp tác xã/năm và thu nhập lao động ổn định khoảng 61 triệu đồng/người/năm cho thấy, kinh tế tập thể tại Ninh Thuận đã và đang phát huy tốt vai trò khi hoạt động theo mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Đẩy mạnh liên kết sản xuất

Ninh Thuận hiện có 126 hợp tác xã với 19.168 thành viên, vốn điều lệ hơn 252 tỷ đồng.

Tháng 6/2016, Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước thành lập và cũng là đơn vị đầu tiên của tỉnh Ninh Thuận hoạt động theo mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Ông Hùng Ky, Giám đốc hợp tác xã cho biết: Ban đầu chỉ có 13 thành viên với vốn góp chỉ hơn 100 triệu đồng; đến nay, hợp tác xã đã phát triển hơn 85 thành viên. Thời gian qua, hợp tác xã chủ động đổi mới mô hình sản xuất bằng cách liên kết với các thành viên đẩy mạnh canh tác các loại cây trồng cạn phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Doanh thu của hợp tác xã đạt hơn ba tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho gần 250 lao động là người dân tộc Chăm với thu nhập từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.

Ninh Thuận hiện có 126 hợp tác xã với 19.168 thành viên, vốn điều lệ hơn 252 tỷ đồng.

Theo đó, năm 2017, hợp tác xã triển khai mô hình cánh đồng lớn, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, sử dụng phân bón hữu cơ để sản xuất cây măng tây xanh, đạt năng suất cao gấp 1,5 lần so với canh tác truyền thống.

Xã viên Lộ Trung Tài cho biết: Từ ngày vào hợp tác xã, nông dân rất phấn khởi vì được hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc theo mô hình mới, được bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định. Gia đình ông trồng 5 sào (5.000 m2) măng tây xanh, mỗi ngày thu hoạch 50 kg sản phẩm, hợp tác xã bao tiêu với giá 50.000 đồng/kg, mỗi tháng, gia đình thu lãi 50 triệu đồng, đời sống được cải thiện nhiều.

Những năm qua, Hợp tác xã Nho Evergreen Ninh Thuận, phường Văn Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm cũng đã thực hiện thành công việc liên kết giữa hợp tác xã với nông dân canh tác nho trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và Công ty TNHH sản xuất thương mại Mộc Thành Quả (Thành phố Hồ Chí Minh) đưa sản phẩm vào các siêu thị để tiêu thụ.

Đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm phục vụ người tiêu dùng, hợp tác xã phối hợp với Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) áp dụng kỹ thuật bao chùm quả với quy mô 5 ha, thực hiện các quy trình canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói, bảo quản bảo đảm các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đến nay, đã nâng tổng diện tích liên kết sản xuất với nông dân lên hơn 24 ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 100 tấn quả nho, doanh thu đạt 5 tỷ đồng/năm.

Còn tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An liên kết với nông dân sản xuất hơn 100 ha nho theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với hoạt động tham quan du lịch sinh thái vườn nho. Đến nay, hợp tác xã có bảy sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao, một sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao.

 

Hiện tại, tỉnh Ninh Thuận có 37 hợp tác xã, ba tổ hợp tác với 16.594 hộ nông dân và 20 doanh nghiệp tham gia các dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản và hướng đến xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ dịch vụ đầu vào đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm đầu ra để gia tăng giá trị sản phẩm.

Điển hình như mô hình sản xuất điều hữu cơ (Organic) của Hợp tác xã Điều hữu cơ Truecoop liên kết với 1.898 hộ dân trồng điều tại các huyện Ninh Sơn, Thuận Bắc, Bác Ái. Từ năm 2018 đến nay, sản phẩm của hợp tác xã được cấp Giấy chứng nhận hạt điều hữu cơ theo tiêu chuẩn EU, USDA&JAS.

Hợp tác xã thu mua hơn 4.000 tấn hạt điều/năm với giá bình quân 32.000 đồng/kg (cao hơn sản phẩm điều không canh tác hữu cơ là 1.000 đồng/kg), giúp nâng cao thu nhập cho thành viên tham gia. Năm 2023, doanh thu của đơn vị đạt hơn 100 tỷ đồng.

Thời gian tới, hợp tác xã sẽ phát triển diện tích lên 6.000 ha vườn điều đạt chứng nhận hữu cơ; đồng thời, phát triển thêm sản phẩm dứa và Hibicus (bụp giấm) trồng xen canh dưới tán điều và các vườn điều trồng thưa trong tự nhiên.

Phấn đấu đến năm 2028 đạt một triệu cây điều và cây ăn quả, ba triệu cây dứa mật với sản lượng thu hoạch đạt 4.000 tấn, 10 triệu cây Atiso với 1.000 tấn nguyên liệu để chế biến và xuất khẩu cho khách hàng Đức, doanh thu ước đạt hơn 500 tỷ đồng/năm…

Cần vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh

Thích nghi với sự thay đổi của thị trường ảnh 1

Nghề trồng nho ở Ninh Thuận.

Thực tế cho thấy, hiện nay các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã dần thích nghi với sự thay đổi của thị trường, hoạt động ngày càng hiệu quả, mở hướng sản xuất an toàn, lợi nhuận cao cho xã viên và nông dân; đồng thời, cũng bộc lộ những bất cập, thách thức cần được tháo gỡ.

Đó là, các cơ quan ở địa phương chưa bố trí được cán bộ chuyên trách để theo dõi, tham mưu, tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho các hợp tác xã; nguồn ngân sách hỗ trợ từ Trung ương cho việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh còn hạn chế; phần lớn các hợp tác xã có số vốn ít, không có tài sản để thế chấp, cho nên việc tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thương mại để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh chưa đạt như mong muốn. Trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã chưa đáp ứng được yêu cầu của cơ chế quản lý mới, nhiều hợp tác xã chưa xây dựng được chuỗi liên kết hiệu quả, chưa phát huy tốt tiềm năng, lợi thế; khả năng tích lũy vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh còn hạn chế…

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Ninh Thuận Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Đơn vị đã tổ chức khảo sát tình hình, nguyên nhân khó tiếp cận tín dụng của các hợp tác xã chủ yếu là do hiệu quả hoạt động, khả năng đáp ứng điều kiện vay rất thấp, nhất là hồ sơ pháp lý, hồ sơ kinh tế không đầy đủ, phương án sản xuất, kinh doanh không khả thi, nợ xấu các món vay trước đây khó xử lý do không có nguồn thu... Chi nhánh đã báo cáo cụ thể tình hình cùng với các đề xuất, kiến nghị của từng hợp tác xã lên Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành liên quan để tìm biện pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng cho biết: Với quyết tâm đưa kinh tế tập thể thoát khỏi những yếu kém hiện nay, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn trong GRDP của nền kinh tế địa phương, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 thành lập mới từ 10 đến 12 hợp tác xã, thành lập một liên hiệp hợp tác xã, từ 20 đến 25 tổ hợp tác; mỗi xã có ít nhất một hợp tác xã hoạt động hiệu quả, gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Có từ 10 đến 15% số hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, có khoảng 48-50% số hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, doanh thu bình quân đạt khoảng từ 2,3 đến 2,4 tỷ đồng/hợp tác xã/năm, doanh thu bình quân của tổ hợp tác đạt khoảng từ 250 đến 300 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của hợp tác xã khoảng từ 240 đến 250 triệu đồng/năm, tổ hợp tác đạt khoảng từ 65 đến 70 triệu đồng/năm. Ưu tiên đào tạo lực lượng cán bộ trẻ, cán bộ nữ tham gia quản lý, điều hành hợp tác xã nông nghiệp với khoảng 30% số cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp được đào tạo nghề giám đốc hợp tác xã nông nghiệp ■