Thiếu nước sạch nghiêm trọng ở Sóc Sơn- Hà Nội, người dân phải tiết kiệm cả nước bẩn!
Chỉ các sân bay Quốc tế Nội Bài vài cây số, thế nhưng từ trước đến nay, những người dân sinh sống tại xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) luôn trong tình cảnh thiếu nước sạch và phải dùng nước giếng khoan, giếng khơi để sinh hoạt.
Chật vật tìm nguồn nước
Hiện tại, xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội có khoảng hơn 4000 hộ gia đình. Thế nhưng với hầu hết những người dân tại đây, có nước để sử dụng đã là điều đáng mừng chưa kể đến chất lượng nguồn nước cũng không được đảm bảo.
Cát trong bể lọc nước của người dân luôn trong tình trạng có màu ngả vàng.
Nguồn nước sinh hoạt chính của người dân chủ yếu dựa vào nguồn nước ngầm từ giếng khơi, nước mưa. Tuy nhiên, có những địa phương, người dân khoan giếng, nhưng không tìm được mạch nước ngầm, hoặc phụ thuộc nước mưa, dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt thường xuyên xảy ra.
Sống chung với cảnh thiếu nước sạch từ khi chuyển tới đây, bà Nguyễn Thị Thông (Thôn Chợ Nga, xã Thanh Xuân, Sóc Sơn) cho biết, dù đã khoan rất sâu nhưng vẫn không thể tìm thấy nguồn nước ngầm.
“Từ khi tôi chuyển đến đây từ năm 1992 đến giờ, trên đất gò sỏi này không thể khoan giếng, có khi khoan hơn 120m vẫn không thấy mạch nước mà chỉ thấy những đá màu đất đen, nên gia đình tôi phải dùng giếng khơi, dùng nước mưa, nước ngấm để sinh hoạt”, bà Thông cho biết.
Hơn nữa, chi phí bỏ ra để khoan giếng cũng không hề rẻ. Bà Thông nói: “Sẽ mất khoảng 60 triệu để khoan giếng. Tuy nhiên, cũng có nhà khoan được, có nhà không. Nhiều nhà khoan tới 2 lần vẫn không được, khoan tới mấy trăm mét cũng không thấy nước”.
Ngoài ra, chất lượng nguồn nước mà người dân đang sử dụng cũng không được đảm bảo. Theo phản ánh từ người dân ở đây, nguồn nước duy nhất của nhiều hộ dân tại thôn đã bị nhiễm sắt nặng. Chỉ cần để nước ngoài trời khoảng 3-4 tiếng là nước sẽ chuyển sang màu vàng, có mùi hôi tanh.
Lớp cát tại bể lọc luôn có màu vàng khè, các vật dụng khác có tiếp xúc với nước đều bị hoen ố, ngả màu như nghệ.
Hơn nữa, lớp cát tại bể lọc luôn có màu vàng khè, các vật dụng khác có tiếp xúc với nước đều bị hoen ố, ngả màu như nghệ.
Ông Lê Quang Chiến (Thôn Chợ Nga, xã Thanh Xuân, Sóc Sơn) cho biết, dù đã lọc qua nhiều lớp cát nhưng mỗi gia đình vẫn phải mua thêm bình lọc và quả lọc để phục vụ cho việc ăn uống hàng ngày.
“Bình lọc gia đình tôi sẽ dùng cho ăn uống, còn giặt giũ, tắm rửa sẽ dùng lọc bằng cát. Nhưng bình thường lọc bằng cát để giặt giũ, nước sẽ bị vàng khè bởi nước bị nhiễm sắt, giặt áo trắng sẽ bị ngả vàng ngay” - ông Chiến nói.
Ông Chiến cho biết thêm: “Máy lọc nhà tôi có quả lọc, nước ô nhiễm nên quả lọc rất nhanh bẩn, khoảng 2-3 tháng sẽ phải thay quả lọc 1 lần, mỗi lần thay hết khoảng 60.000-300.000 đồng”.
Trong nhà người dân lúc nào cũng phải có sẵn quả lọc.
Phải tiết kiệm cả nước bẩn
Thiếu nước sạch, người dân tại xã Thanh Xuân phải chắt chiu từng giọt. Nhất là vào mùa khô, nhiều hộ gia đình phải đi mua nước, chở xe nước về tích trữ dùng dần.
Nhà nào cũng phải làm ít nhất 1 bể tích trữ nước.
Bà Thông (Thôn Chợ Nga, xã Thanh Xuân, Sóc Sơn) không khỏi bức xúc: “Khu vực dân cư chúng tôi nguồn nước sinh hoạt rất ít. Phải quá hà tiện về nước, cả làng này chứ không riêng nhà tôi. Nước rửa rau sạch sẽ để rửa bát hoặc rửa chân tay, phải tận dụng đến nước rửa rau cuối cùng, tiết kiệm nước lắm”.
“Nước bẩn tôi cũng phải tiết kiệm, giữ lại để rửa chân tay, tưới rau, tưới cây, không dám đổ nước đi, lúc nào nhà tôi cũng có xô để đựng nước”, bà Thông nói.
Thiếu nước, người dân phải tiết kiệm cả nước bẩn.
Thiếu nước sinh hoạt không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà các hoạt động chăn nuôi, sản xuất cũng bị tác động. Nhiều hộ gia đình từ lâu đã không thể chăn nuôi vì thiếu nước trầm trọng.
“Nước còn chả đủ ăn thì chăn nuôi gì! Nếu như nhà tôi không làm bể trữ nước thì cứ đến tháng 10 là sẽ hết nước ăn và đến tận tháng 4 sang năm mới có nước. Mỗi năm thiếu nước mất mấy tháng như vậy” - bà Thông cho biết.
Mong ước có nước sạch
Theo tìm hiểu, năm 2017, huyện Sóc Sơn được thành phố quan tâm đầu tư cấp nước sạch cho 18 xã của huyện, trong đó có xã Thanh Xuân. Theo tiến độ, năm 2020 dự án hoàn thiện, nhưng hiện đã quá hạn 2 năm, không hiểu sao kế hoạch vẫn mãi “nằm trên giấy”, công trình vẫn chưa được thi công.
“Trưởng thôn, phó thôn cũng đi xin ý kiến người dân, toàn bộ người dân cũng đều đồng ý, ký giấy nhưng bao nhiêu năm nay cũng không thấy gì. Biết là có dự án, cũng đi từng nhà ký giấy lấy ký kiến người dân, cả 10 nhà thì cả 10 nhà nhất trí dẫn nước sạch về nhưng cũng chả thấy đâu” - bà Thông cho hay.
Có nước sạch là mong muốn duy nhất của nhiều hộ dân tại đây, bà Thông cũng chia sẻ: “Nhà nước thực hiện nông thôn đổi mới, đường xá đã rộng rãi rồi mà còn mỗi nước sạch là chưa thấy giải quyết được. Giờ đã ô nhiễm quá nhiều, lại thêm cái nước ăn hằng ngày cũng ô nhiễm nữa. Chúng tôi mong sao có thể kiến nghị lên cấp trên để sớm có nước sạch để đảm bảo sức khỏe”.
Việc sử dụng nước sạch luôn được người dân ủng hộ. Mong muốn có nước sạch để đảm bảo sức khỏe. Ông Chiến nói: “Chỉ mong nước sạch càng sớm càng tốt. Cơ thể con người thì rất cần nước, nếu nước không sạch thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, gây hệ lụy. Nếu được nước sạch thì còn gì bằng”.
Nguồn https://congluan.vn/thieu-nuoc-sach-nghiem-trong-o-soc-son-ha-noi-nguoi-dan-phai-tiet-kiem-ca-nuoc-ban-post195726.html
- Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư
- Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư
- Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi
- Siêu thị 0 đồng phục vụ bệnh nhân ung thư tại thành phố Hồ Chí Minh
- Cảnh báo mạo danh cơ quan BHXH yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân cập nhật thẻ BHYT trên ứng dụng VssID
- Cấp đổi thẻ căn cước trực tuyến được giảm 50% lệ phí
- Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
- Phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành 3 nhiệm vụ về hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Tổ chức xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước như chiến dịch, ngày hội của toàn dân