Thoát nghèo trên cao nguyên đá Đồng Văn

Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024 | 8:14

Đồng Văn là một huyện vùng cao núi đá biên giới của tỉnh Hà Giang, nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc.

Người dân làng văn hóa du lịch cộng đồng Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn) phát triển du lịch dựa vào bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. (Ảnh MỸ HÀ)
Người dân làng văn hóa du lịch cộng đồng Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn) phát triển du lịch dựa vào bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. (Ảnh MỸ HÀ)

Thời gian qua, nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và các tổ chức hội, đoàn thể,… các chính sách về tín dụng chính sách xã hội đã được triển khai, tổ chức thực hiện bài bản, hiệu quả và được nhân dân đồng thuận, qua đó góp phần làm cho diện mạo nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi rõ rệt.

Theo số liệu từ NHCSXH huyện Đồng Văn, tính đến ngày 31/10, tổng dư nợ của các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt 427,9 tỷ đồng, với hơn 9.000 khách hàng đang có dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện và được đầu tư đúng đối tượng, kịp thời, công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận một cách thuận lợi.

Mở cánh cửa phát triển du lịch

Cũng như bao người phụ nữ dân tộc thiểu số, chị Thào Thị Dính (thôn Lao Xa, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn) trước đây cũng chỉ biết bám vào núi đá, làm mọi công việc từ chăn nuôi, trồng trọt, sang Trung Quốc làm thuê,… nhưng cuộc sống vẫn không bớt đi vất vả.

“Nghĩ lại những năm gần đây, khách du lịch đến nhiều cho nên vợ chồng tôi quyết tâm thay đổi cuộc sống, mạnh dạn thử làm du lịch. Khi bắt đầu làm homestay, tôi cũng lo lắng vì cái gì cũng thiếu, thiếu kiến thức kỹ năng, thiếu kinh nghiệm, nhất là thiếu vốn. May mắn và được sự động viên, tư vấn từ các chị trong Hội Phụ nữ xã và cán bộ ngân hàng, tôi đã mạnh dạn vay tiền để mở homestay mang tên Đời Đá”, chị Dính tâm sự.

Với quyết tâm như vậy, chị Dính đã ra tận trung tâm huyện để tìm hiểu cách hoạt động của các homestay, rồi tự học cách thiết kế, cách làm các dịch vụ đón khách, nấu nướng, giao lưu với khách,… Đồng thời, thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Sủng Là, vợ chồng chị Dính được vay vốn tín dụng chính sách với tổng trị giá 150 triệu đồng thông qua hai chương trình cho vay hộ nghèo và cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Số tiền vay cùng với vốn tự có của gia đình đã được chị đầu tư mua sắm đồ dùng, vật dụng, trang thiết bị cho homestay. “Bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2023 đến nay, homestay chưa cho nhiều thu nhập nhưng cũng giúp gia đình có thêm chút cải thiện về kinh tế. Bên cạnh đó, tôi cũng có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu với du khách trong nước và quốc tế, biết thêm được nhiều điều mới mẻ”, chị Dính chia sẻ.

Tương tự, anh Sùng Mí Phìn ở thôn Lũng Hòa B (xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn) cũng rất hào hứng khi nói về công việc kinh doanh homestay của mình. “Trước đây cũng giống như ông bà, bố mẹ, tôi cũng chỉ biết trồng lúa và chăn nuôi, nhưng thấy mãi vẫn không ăn thua. Thế là tôi quyết tâm gây dựng homestay “Chai To” với mong muốn đưa tới những trải nghiệm mới mẻ cho khách du lịch.

Chính thức đón khách từ năm 2019, tôi đưa vào dịch vụ của homestay các hoạt động như: Đi nương rẫy, khám phá cách làm nông nghiệp trên đá, đi chặt củi, săn mây; giao lưu, thưởng thức tiếng khèn của người H’Mông trắng, thưởng thức ẩm thực vùng cao,… Những thứ này được du khách đam mê khám phá, trải nghiệm cuộc sống người bản địa rất ưa thích”, anh Phìn cho hay.

Và đồng hành cùng vợ chồng anh Sùng Mí Phìn tiếp tục có sự tiếp sức từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH. “Được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách, những người trẻ như vợ chồng tôi có thêm động lực, sự tự tin để phát triển homestay. Thời gian tới, vợ chồng tôi có ý định mở rộng homestay và làm khu du lịch kết hợp với trang trại (farmstay) để phục vụ khách du lịch trong nước và rất mong được tiếp cận thêm nguồn vốn vay từ NHCSXH để biến ước mơ thành hiện thực”, anh Phìn chia sẻ thêm.

 

Thêm trợ lực từ chính sách

Theo Chủ tịch UBND xã Sà Phìn Hầu Mí Say, trước đây, nguồn sinh kế của người dân trong xã chỉ trông vào làm nông, chăn nuôi. Sau này khi xác định, muốn làm giàu, phát triển kinh tế cần phát triển du lịch, xã Sà Phìn được định hướng là một trong những khu du lịch của huyện Đồng Văn. Thực hiện chủ trương này, huyện cũng đã ban hành các chương trình quy hoạch, bảo tồn các kiến trúc nhà ở truyền thống của người dân tộc H’Mông và các địa điểm du lịch trong xã như khu nhà họ Vương, Bãi đá mặt trăng,…

Trên tinh thần đó, nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách để phát triển du lịch, xã đã hướng dẫn hơn 20 hộ tiếp cận nguồn vốn vay để làm du lịch với tổng dư nợ hơn một tỷ đồng. Cùng với các nguồn lực khác, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, hộ nghèo trên địa bàn, tạo sinh kế, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Trên thực tế, những năm qua, dưới sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc cùng với sự giúp đỡ của các sở, ngành của tỉnh Hà Giang và NHCSXH, các chính sách về tín dụng xã hội đã được triển khai rộng khắp, tạo bước đột phá để người dân cùng nhau đoàn kết, khắc phục khó khăn, tích cực lao động sản xuất phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh phát triển du lịch, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Riêng tại Đồng Văn, dù còn là huyện nghèo, nguồn ngân sách rất hạn hẹp, song ngoài nguồn vốn chính sách, hằng năm huyện cũng quan tâm dành nguồn lực từ nguồn ngân sách huyện để cân đối, bố trí bổ sung nguồn vốn cho vay, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất cho Phòng giao dịch NHCSXH huyện thực hiện nhiệm vụ. Đến nay huyện Đồng Văn đã chuyển NHCSXH huyện số tiền gần 6,5 tỷ đồng để cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn.

Tất cả những điều này đã khẳng định Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” sau 10 năm triển khai thực hiện đã thật sự đi vào cuộc sống tại địa phương. Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Đỗ Quốc Hương nêu rõ, “Việc ban hành và triển khai tổ chức thực hiện Chỉ thị số 40 là chủ trương đúng đắn, có tính nhân văn sâu sắc, đặc biệt phù hợp với các huyện nghèo, các huyện ở khu vực đặc biệt khó khăn như huyện Đồng Văn”.

Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đồng Văn Nguyễn Văn Huyên cũng cho biết, hiện nay, NHCSXH huyện đang thực hiện cho vay, thu nợ, thu lãi, nhận tiền gửi tại tất cả 19 điểm giao dịch xã theo lịch cố định hằng tháng (kể cả ngày nghỉ cuối tuần).

Điều này đã giúp đưa vốn tín dụng chính sách đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách, đồng thời tiết giảm được chi phí đi lại cho người dân, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận và làm quen với dịch vụ ngân hàng. Việc công khai các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, quy trình, thủ tục cho vay, dư nợ của người vay ngay tại xã đã tạo điều kiện cho chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội và người dân biết để cùng thực hiện; đồng thời, kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách.

Một trợ lực nữa để chính sách càng thêm vững chắc khi Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới. Quy định mới này sẽ giúp nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, khẳng định quyết tâm đạt mục tiêu trở thành nước xã hội chủ nghĩa có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.