"Thông đường"- nông sản Việt tăng tốc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc

Thứ tư, ngày 8 tháng 2 năm 2023 | 15:2

Sau khi Trung Quốc mở cửa biên giới và dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly phòng dịch Covid-19, nông sản Việt tăng tốc xuất khẩu sang thị trường này.

Nông sản được mùa được giá

Nông sản Việt liên tục đón các tin vui khi giá nhiều loại trái cây được mùa được giá từ đầu năm đến nay. Trong đó, giá sầu riêng tăng ‘chóng mặt’ với mức thu mua tại các nhà vườn đứng ở mức 150.000 - 190.000 đồng/kg, cao gấp ba lần cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức kỷ lục từ trước tới nay.

Nông sản Việt ‘thông đường’ sang thị trường Trung Quốc
Nông sản Việt ‘thông đường’ sang thị trường Trung Quốc

Nhiều thương lái cho biết, giá sầu riêng tăng ‘sốc’ là do nhu cầu phía Trung Quốc tăng gấp nhiều lần so với những năm trước. Bên cạnh nhu cầu tăng, nông sản Việt đang có nhiều thông tin thuận lợi khi số lượng các lô hàng chính ngạch được xuất gia tăng. Mặt khác, các lô hàng xuất khẩu bằng đường bộ thông suốt hơn khi Trung Quốc không còn siết chính sách ‘Zero Covid’.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, với trái sầu riêng, hàng năm, Trung Quốc chi khoảng 4,5 tỷ USD để nhập khẩu từ các nước. Việt Nam có lợi thế nhất định về địa lý gần, việc vận chuyển nhanh hơn nhiều nước nên loại quả này được kỳ vọng sẽ mang về lợi nhuận, doanh số cao cho ngành nông nghiệp. ‘Nếu tiếp cận tốt vào thị trường này, tận dụng lợi thế trồng quanh năm so với sầu riêng Thái Lan chỉ một vụ và đảm bảo chất lượng xuất khẩu thì giá trị sầu riêng mang về có thể đạt hơn 1 tỷ USD’, ông Nguyễn Đình Tùng nhận định.

Cùng với sầu riêng, mặt hàng tiếp theo phải kể đến là trái thanh long. Thị trường Trung Quốc ‘hút hàng’ khiến giá thanh long tăng và giữ giá từ trước Tết đến sau Tết.

Ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An - cho biết, nếu thời điểm trước Tết, giá thanh long ruột đỏ đứng mức cao nhất là 45.000 đồng/kg, loại 2 là 40.000 đồng/kg, loại 3 là 35.000 đồng/kg sau đó hạ xuống với giá mua xô tại vườn khoảng 30.000 đồng/kg.

Sau Tết, giá thanh long ruột đỏ có giảm đôi chút do lượng hàng nhập để xuất khẩu đi Trung Quốc có giảm. Dù không thể tăng cao như thời điểm Tết Nguyên đán, tuy nhiên, thanh long được dự báo sẽ vẫn giữ giá ở mức từ trên 20.000 - 30.000 đồng/kg. Với mức giá thanh long như hiện nay, bà con trồng thanh long có mức thu nhập khá ổn. Cùng với thanh long đỏ, thanh long ruột trắng giá cũng dao động trên mức 20.000 đồng/kg.

‘Nhu cầu thanh long tại thời điểm Tết Nguyên đán và Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng) của thị trường Trung Quốc tăng cao, đẩy giá thanh long tăng mạnh. Đến thời điểm này đang bắt đầu chững lại, tuy nhiên, dự báo, giá thanh long vẫn giữ ở mức trên mức 20.000 đồng/kg’, ông Nguyễn Quốc Trịnh chia sẻ.

Xuất khẩu tăng cao, bên cạnh yếu tố nhu cầu từ thị trường nhập khẩu, ông Nguyễn Quốc Trịnh cũng nhận định là do các cửa khẩu thông quan hàng hóa nhanh và các chợ bên phía Trung Quốc buôn bán bình thường, trái cây tiêu thụ ổn đinh như lúc chưa có dịch. Mặt khác, thời gian trước do dịch bệnh Covid-19, xuất khẩu thanh long không được, nhiều nhà vườn đã chặt bỏ các vườn thanh long già. Cùng với đó, với những vườn mới trồng cũng không được đầu tư chăm sóc, bón phân, khiến sản lượng thanh long tụt giảm khoảng 50%. Nguồn cung giảm đẩy giá thanh long tăng lên.

Tại huyện M'Đrắk, tỉnh Đắk Lắk, ngày 31/1, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, 10 container chuối, trị giá trên 5 tỷ đồng đã được Công ty Cổ phần Banana Brothers Farm (Công ty BBF) xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, đây là đơn hàng ‘mở hàng’ đầu năm của chúng tôi với hy vọng đem lại nhiều may mắn, hanh thông trong năm 2023.

Đa dạng giải pháp, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu

"Thông đường" xuất khẩu, tuy nhiên các chuyên gia nhấn mạnh, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền - Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) lưu ý, các cơ quan quản lý của Trung Quốc yêu cầu đối với các sản phẩm nông sản xuất khẩu vào thị trường này phải có mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, để phục vụ truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Còn theo ông Lê Thanh Hòa - Giám đốc Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), các cơ sở sản xuất của Việt Nam cần nắm rõ quy định về việc xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc và thực hiện nghiêm chỉnh, để tránh việc phía Trung Quốc ‘tuýt còi’ sẽ ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.

Theo đánh giá từ Bộ Công Thương, thị trường Trung Quốc mở cửa từ ngày 8/1/2023 sau một thời gian dài phong tỏa chống dịch Covid-19 đã và đang mở ra nhiều cơ hội thuận lợi hơn cho xuất khẩu nông sản, thủy sản của Việt Nam, cũng như nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ hoạt động sản xuất.

Nhằm tranh thủ các cơ hội khi thị trường mở cửa trở lại, hiện, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu tập trung vào những sản phẩm có thế mạnh như nông sản, thủy sản; hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang xây dựng kế hoạch phối hợp với các bộ, ngành Việt Nam và các cơ quan liên quan của Trung Quốc để tổ chức Diễn đàn thương mại Việt Nam - Thượng Hải lần thứ nhất về xuất khẩu chính ngạch nông sản, hải sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc qua cảng Thượng Hải. Dự kiến, Diễn đàn sẽ được tổ chức trong tháng 4 tới tại Hà Nội.

Thị trường khơi thông, cùng với sự nỗ lực của các Bộ, ngành, chức năng và doanh nghiệp, xuất khẩu nông sản, trái cây được kỳ vọng sẽ có nhưng đột phá trong năm 2023 tại thị trường 1,4 tỷ dân này.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đang có 13 sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, gồm: thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây, sầu riêng, khoai lang và yến sào.

Nguồn: https://congthuong.vn/