‘Thông lệ đặc biệt’ và chuyện doanh nghiệp ‘khéo đưa tiền’ trong vụ AIC Bắc Ninh
Tại tòa, cựu lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh khai về “thông lệ đặc biệt” và chuyện doanh nghiệp ''khéo đưa tiền'' khiến họ không biết được đó là tiền từ các gói thầu.
Chiều 1/11, TAND tỉnh Bắc Ninh sẽ tuyên án 13 bị cáo trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, Công ty AIC và các đơn vị liên quan.
Theo cáo buộc, trong quá trình thực hiện kế hoạch đấu thầu 6 gói thầu mua sắm trang thiết bị tại 6 dự án đầu tư xây dựng bệnh viện đa khoa (BVĐK) tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, các bị cáo thuộc chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định giá đã thực hiện các hành vi: Đưa hối lộ, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong khi đó, các bị cáo thuộc cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện các hành vi: Nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để Công ty AIC và công ty thuộc hệ sinh thái AIC, các công ty thuộc nhóm Công ty Sông Hồng trúng thầu 6 gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 48 tỷ đồng.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: CTV
Khoảng giữa năm 2013, trước khi thực hiện 6 gói thầu mua sắm thiết bị y tế tại Bắc Ninh, ông Lã Tuấn Hưng (TGĐ Tổng công ty Sông Hồng) đến gặp ông Trần Văn Tuynh (khi đó là Giám đốc Ban quản lý dự án công trình xây dựng y tế tỉnh Bắc Ninh), đề nghị được hỗ trợ tỉnh xin vốn trái phiếu chính phủ bổ sung để tiếp tục triển khai các dự án dở dang, trong đó có 6 dự án BVĐK tuyến huyện. Đổi lại, nhóm Công ty Sông Hồng được trúng các gói thầu mua sắm thiết bị y tế của 6 BVĐK tuyến huyện.
Sau đó, Công ty AIC có đề nghị tương tự với ông Tuynh. Kết quả, cả Công ty Sông Hồng và Công ty AIC đều trúng thầu.
''Thông lệ đặc biệt'' ngoài văn bản?
Trả lời thẩm vấn tại tòa, ông Nguyễn Tử Quỳnh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khai, thời điểm năm 2013 - 2015, ở Bắc Ninh, cứ đơn vị nào xin được vốn cho tỉnh là được trúng thầu. Việc này đã trở thành ''thông lệ'' của Bắc Ninh, dù không có văn bản chính thức nào quy định.
Ông Quỳnh bị cáo buộc đã nhận 1 tỷ đồng của cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn và nhận 1 tỷ đồng của ông Tuynh (tiền này do Đặng Tiên Phong, Lã Tuấn Hưng thuộc nhóm Công ty Sông Hồng đưa cho ông Tuynh).
Ngoài ra, từ năm 2013 - 2019, bà Nhàn đưa quà lễ, Tết cho ông Quỳnh, tổng số 8,1 tỷ đồng.
Theo luật sư của ông Quỳnh, những lần cựu Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh nhận tiền từ doanh nghiệp đều vào các dịp lễ, Tết, sinh nhật, khiến bị cáo bị lẫn lộn giữa quà tình cảm và hành vi phạm tội.
Luật sư phân tích, quá trình xét hỏi tại tòa cho thấy có sự không rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn giữa việc tri ân theo truyền thống giữa cấp trên và cấp dưới, giữa quan hệ tình cảm đồng hương, đồng nghiệp vào mỗi dịp lễ, Tết hàng năm với cái gọi là “cảm ơn” liên quan đến vụ việc.
Về việc nhận tiền doanh nghiệp, theo lời khai của cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến tại tòa, bà Nhàn thường lấy các lí do chúc mừng sinh nhật, chúc thăng chức, về hưu… để biếu tiền. Bị cáo không biết là tiền từ các gói thầu.
Ông Nguyễn Nhân Chiến tại tòa. Ảnh: CTV
Luật sư của ông Chiến cho rằng, khi đưa tiền, bà Nhàn đã sắp đặt cẩn thận, khéo léo khiến người nhận khó từ chối và không thể nghĩ đó là chuyện đưa hối lộ.
Luật sư diễn giải, giai đoạn từ 2006 -2008, tỉnh Bắc Ninh xây dựng mới 6 BVĐK tuyến huyện, tổng mức đầu tư hơn 497 tỷ đồng, nhưng cả 6 BVĐK hoạt động thiếu hiệu quả vì chưa có trang thiết bị y tế.
Nguồn vốn đầu tư thiếu vì ngân sách địa phương không có, ngân sách trung ương khó khăn. Đúng lúc đó lại xuất hiện 2 doanh nghiệp đến đặt vấn đề, khẳng định xin được vốn từ trung ương để hoàn thiện dự án cho các bệnh viện vận hành.
Trong bối cảnh đó, cả hệ thống lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và ông Nguyễn Nhân Chiến đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp được trúng các gói thầu.
Câu kết, thông đồng với doanh nghiệp
Đại diện VKS thực hành quyền công tố tại tòa. Ảnh: CTV
Tại phiên tòa, phía đại diện VKS đưa ra quan điểm luận tội cho rằng, quá trình triển khai thực hiện chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước nói chung và hoạt động mua sắm trang thiết bị y tế nói riêng, ở một số nơi, một số cá nhân, doanh nghiệp, đặc biệt trong đó có cả những người là đảng viên, công chức giữ vai trò quản lý đã không giữ được bản lĩnh trước những cám dỗ vật chất.
Họ lợi dụng việc mua sắm thiết bị y tế, câu kết thông đồng với doanh nghiệp, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật để hưởng lợi và gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản nhà nước.
Rất nhiều các vụ án kinh tế, tham nhũng được dư luận quan tâm, trong đó đặc biệt phải kể đến các vụ án xảy ra ở lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị y tế được các cơ quan tố tụng khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thể hiện tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật và tạo được niềm tin trong nhân dân.
- Nộp thêm 3.000 tỷ đồng, bị cáo Trương Mỹ Lan tha thiết xin được thoát án tử hình
- Bị cáo Trương Mỹ Lan nói về quan hệ với ‘chúa đảo’ Tuần Châu
- Bị cáo Trương Mỹ Lan nói về quan hệ với ‘chúa đảo’ Tuần Châu
- Bà chủ Xuyên Việt Oil mang cả ‘chai nước tương và đôi dép’ đi tặn
- Truy tố bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong vụ án mới
- Loạt quan chức nhận hối lộ trong vụ Xuyên Việt Oil hầu tòa
- Bắt hung thủ giết người sau 1 giờ gây án ở Đồng Nai
- Quá trình phá đường dây mua bán hơn 16kg ma túy của cặp vợ chồng hờ ở Hà Nội
- Điên cuồng ném bom xăng vào nhà ‘con nợ’