Thủ đoạn lôi kéo, thành lập hội nhóm chống phá đất nước

Thứ năm, ngày 5 tháng 12 năm 2024 | 7:11

Sự gia tăng những hoạt động chống phá trên không gian mạng của các thế lực thù địch trong giai đoạn hiện nay đang đòi hỏi mỗi cá nhân, người sử dụng, nhất là người trẻ khi tham gia mạng xã hội cần đề cao cảnh giác, có bản lĩnh, quan điểm, chính kiến vững vàng. Nếu không, đây sẽ là “lỗ hổng” tạo cơ hội cho kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ, dẫn đến những hoạt động vi phạm pháp luật để rồi chính bản thân phải bị trả giá.

Cơ quan An ninh điều tra (Công an Thành phố Hồ Chí Minh) lấy lời khai đối tượng Trần Khắc Ðức.
Cơ quan An ninh điều tra (Công an Thành phố Hồ Chí Minh) lấy lời khai đối tượng Trần Khắc Ðức.

Ngày 9/11 Công an Thành phố Hồ Chí Minh thông tin về việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Khắc Ðức, sinh năm 1995, ngụ tại Quận 7 về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Ðiều 117, Bộ luật Hình sự). Trước đó, Công an Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện Trần Khắc Ðức tham gia tổ chức phản động lưu vong “Tập hợp dân chủ đa nguyên” nên đã làm việc, khuyến cáo, răn đe nhiều lần.

Tuy nhiên, Trần Khắc Ðức vẫn tiếp tục liên lạc, nhận sự chỉ đạo từ một số đối tượng cầm đầu tổ chức này và tiến hành nhiều hoạt động như quản trị các trang mạng phản động; soạn thảo, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết có nội dung chống phá, xúc phạm lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc; đưa thông tin sai sự thật, bịa đặt, xâm phạm danh dự, uy tín của Ðảng Cộng sản Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc…

Bên cạnh đó, Trần Khắc Ðức còn tìm kiếm, móc nối, phát triển lực lượng trong nước cho tổ chức “Tập hợp dân chủ đa nguyên”. Hiện Công an Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của Trần Khắc Ðức và các cá nhân, tổ chức khác có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Khắc Ðức được thực hiện đúng chức năng, quyền hạn của cơ quan công an, tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Thế nhưng kể từ khi Trần Khắc Ðức bị khởi tố và bắt giam, cái gọi là “Tập hợp dân chủ đa nguyên” đã lợi dụng mạng xã hội để chỉ trích cơ quan chức năng, lên án chế độ.

Ðồng thời lợi dụng cơ hội này “Tập hợp dân chủ đa nguyên” tranh thủ đánh bóng tên tuổi, phô trương thanh thế. Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết “Tập hợp dân chủ đa nguyên” thực chất là một tổ chức phản động lưu vong, được thành lập từ năm 1982 do Nguyễn Gia Kiểng (cựu quan chức chế độ cũ, hiện đang sống ở Pháp) cầm đầu.

Mục đích hoạt động của “Tập hợp dân chủ đa nguyên” là nhằm chống phá Ðảng, Nhà nước Việt Nam qua hình thức đấu tranh bất bạo động. Thời gian gần đây, thông qua mạng xã hội, các thành viên của tổ chức này tìm mọi thủ đoạn hòng móc nối, lôi kéo người tham gia tổ chức, thành lập các hội nhóm để hoạt động chống phá Ðảng, Nhà nước Việt Nam.

Các đối tượng của “Tập hợp dân chủ đa nguyên” đòi sửa đổi Hiến pháp, xóa bỏ Ðiều 4 hiến định về vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Bất chấp những thành tựu không thể phủ nhận của Việt Nam đã đạt được trong gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhất là giai đoạn hiện nay, khi đất nước tăng tốc, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên vươn mình, các thành viên của “Tập hợp dân chủ đa nguyên” vẫn cố tình tìm mọi cách xuyên tạc, chống phá.

Chẳng hạn trước kết quả đáng ghi nhận của tình hình kinh tế-xã hội đất nước trong giai đoạn đầy khó khăn vừa qua, thể hiện sự nỗ lực của toàn Ðảng, toàn dân, thì thay vì ghi nhận, ủng hộ, các đối tượng lại lớn tiếng phủ nhận, cho rằng sự phát triển với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hơn 7%/năm của Việt Nam là chưa tương xứng, thậm chí cho đây là sự yếu kém khi thực hiện kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.

Thậm chí hàng loạt những ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam, như đánh giá của chuyên gia tại HSBC: “Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ hơn kỳ vọng trong quý III năm 2024 với GDP tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước”, và “sau năm 2023 và quý I năm 2024 đầy vất vả, rõ ràng Việt Nam đã trở lại là ngôi sao tăng trưởng của ASEAN”; năm 2024 Việt Nam tiếp tục thu hút các dòng vốn ngoại khi các khía cạnh nền tảng duy trì tích cực; Báo cáo chỉ số Ðổi mới sáng tạo toàn cầu - GII 2024 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam là một trong 8 quốc gia thu nhập trung bình cải thiện thứ hạng nhiều nhất về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu; năm 2024, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là chỉ số về nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo... cũng bị cố tình phớt lờ, trong khi những thông tin về một số yếu kém, bất cập lại ngay lập tức được thổi phồng, lớn tiếng lu loa, đổ lỗi cho chính quyền, chế độ.

Quay trở lại với vụ việc của Trần Khắc Ðức mà “Tập hợp dân chủ đa nguyên” cố tình đánh tráo khái niệm, đổi trắng thay đen nhằm thổi phồng, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, thậm chí ra thông cáo xuyên tạc việc bắt giam Trần Khắc Ðức là “đàn áp những tiếng nói đối lập, coi những hoạt động chính trị ôn hòa là mối đe dọa”, “một hành động chà đạp lên hiến pháp của chính chế độ cộng sản”.

Ở đây cần minh định rằng thượng tôn pháp luật là đòi hỏi, là tiêu chí của một chế độ dân chủ, văn minh. Do đó như nhiều quốc gia trên thế giới, tại Việt Nam mọi công dân đều phải tuân thủ hiến pháp và pháp luật. Ðiều 3, Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam quy định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.

Ðồng thời Hiến pháp cũng nêu rõ: “Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị” (khoản 2, Ðiều 11), “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác” (khoản 4, Ðiều 15).

 

Do đó với việc tham gia một tổ chức phản động, chống phá Ðảng, Nhà nước, chính Trần Khắc Ðức mới là người chà đạp lên hiến pháp và pháp luật, đi ngược lợi ích chung của dân tộc, do đó cần phải bị xử lý nghiêm để bảo vệ kỷ cương phép nước và sự phát triển lành mạnh của một xã hội văn minh.

Ðáng quan ngại là hiện nay “Tập hợp dân chủ đa nguyên” tìm mọi cách để tập hợp, xây dựng lực lượng, nhất là lôi kéo tầng lớp thanh thiếu niên thông qua việc kết nối trên nền tảng mạng xã hội để thực hiện mưu đồ thâm độc mà như chính tổ chức này tuyên bố: “Ðội ngũ nhân sự của Tập hợp sẵn sàng đảm nhận các công việc thích hợp để thực thi những đề nghị trong giải pháp chính trị (nhằm để thay thế cho “giải pháp cộng sản”)”.

Trường hợp của Trần Khắc Ðức đề cập trên là một thí dụ tiêu biểu. Mục tiêu của “Tập hợp dân chủ đa nguyên” là “chuẩn bị sẵn cho Việt Nam một tổ chức chính trị đúng nghĩa”. Ðể dễ bề tuyên truyền cho các luận điệu sai trái của mình, “Tập hợp dân chủ đa nguyên” vẽ ra cái gọi là “Nguyệt san Thông luận”, nội dung chủ yếu của ấn phẩm này chỉ tập trung vào việc đả kích, xuyên tạc Ðảng Cộng sản Việt Nam, kêu gọi chuyển đổi thể chế chính trị; coi đa nguyên đa đảng là giải pháp duy nhất giúp đất nước nhanh chóng thoát khỏi đói nghèo...

Thực tế, nếu nhìn lại quá trình hình thành và tồn tại của “Tập hợp dân chủ đa nguyên” từ năm 1982 đến nay thì không khó để nhận ra chân tướng và mưu đồ của tổ chức này. Với lực lượng nòng cốt là một số viên chức và sĩ quan chính quyền Sài Gòn trước năm 1975 nên dù thời gian đã lùi xa gần nửa thế kỷ từ sau thắng lợi của Ðại thắng mùa Xuân 1975, tổ chức phản động lưu vong này vẫn thường xuyên xuyên tạc lịch sử, nuôi mộng “phục quốc”, kêu gào tập hợp lực lượng chống phá Ðảng, Nhà nước Việt Nam.

Mạo danh là “kẻ sỹ yêu nước”, “trí thức thương nòi”, “chiến sĩ dân chủ”, các đối tượng này thường xuyên sử dụng các chiêu trò giả mạo, cắt xén, ngụy tạo bằng chứng để vu cáo, tạo thật-giả lẫn lộn rồi lợi dụng các trang mạng xã hội, kênh “truyền thông để móc nối, lôi kéo người tham gia, thành lập các hội nhóm trong nước, để tiến hành hoạt động chống lại Nhà nước Việt Nam.

Trong khi đáng lẽ ra, với thực tiễn đất nước hiện nay, nếu thật sự yêu nước, vì đất nước, những người này phải cùng chung tay với người dân Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài, giữ gìn sự đoàn kết, đóng góp mọi nguồn lực cho sự phát triển của đất nước chứ không phải tổ chức thành hội nhóm chống phá, lôi kéo kích động người dân quay lưng lại với đất nước, chia rẽ khối đại đoàn kết, kêu gọi lật đổ chế độ, hạ thấp uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Và nếu nhận thức tỉnh táo, các đối tượng cũng sẽ hiểu được rằng việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản là lựa chọn đúng đắn của dân tộc Việt Nam, là sự giao phó của lịch sử Cách mạng Việt Nam thông qua quá trình sàng lọc, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và chứng minh.

Nhờ vậy đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, đây là cơ sở vững chắc để chúng ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Sự việc xảy ra đối với Trần Khắc Ðức là lời cảnh tỉnh với những người nhẹ dạ, tin và nghe theo các đối tượng xấu, dẫn đến những hoạt động vi phạm pháp luật, đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, và chính bản thân cũng phải gánh chịu hậu quả.

Trong bối cảnh các thế lực phản động đang không ngừng gia tăng các hoạt động chống phá, nhất là trên không gian mạng, mỗi cá nhân cần hết sức tỉnh táo, thận trọng, tìm đến những thông tin có tính xác thực, không ngừng nâng cao nhận thức, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Chính sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của người dân Việt Nam sẽ làm thất bại mọi mưu đồ chống phá của các thế lực thù địch.