Thu phí xét nghiệm Covid-19: Chỉ rõ nhiều khoản tiền vô lý dân phải chịu

Thứ sáu, ngày 10 tháng 6 năm 2022 | 0:49

Việc thu phí xét nghiệm SARS-CoV-2 có nhiều nội dung chưa rõ ràng, bất hợp lý, khiến người xét nghiệm phải trả chi phí cao hơn.

Kiểm toán nhà nước vừa có báo cáo kiểm toán chuyên đề việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Việc thu dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 có nhiều nội dung bất hợp lý, khiến người xét nghiệm phải trả chi phí cao hơn.

Theo Kiểm toán Nhà nước, Bộ Y tế chưa ban hành hướng dẫn về lấy mẫu gộp với test nhanh virus SARS-CoV-2 phù hợp với điều kiện thực tế trong tình hình mới, nhằm tiết kiệm chi phí mà các địa phương đang thực hiện.

Giá dịch vụ test covid-19 còn nhiều khoảng mờ, khiến dân phải chịu giá cao. Ảnh minh họa

Việc quản lý thực hiện xét nghiệm, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ: Bộ Y tế chưa hướng dẫn các cơ sở y tế trực thuộc thực hiện đúng chỉ đạo tại Công văn Khẩn số 1983/CV-BCĐ ngày 9/4/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 về “không thực hiện xét nghiệm dịch vụ theo yêu cầu”. Hiện Bộ Y tế chưa cung cấp được số liệu chi tiết về số lượng đơn vị, số tiền thu được từ việc thực hiện xét nghiệm không đúng yêu cầu của Ban Chỉ đạo.

Nhiều địa phương chưa xây dựng giá dịch vụ xét nghiệm SAR-COV-2; thực hiện xây dựng nhưng cơ cấu giá xét nghiệm chưa phù hợp hoặc ban hành không đúng thẩm quyền, không đúng quy định của Bộ Y tế, dẫn tới chưa có cơ sở để xác định mức giá đặt hàng từ ngân sách nhà nước đối với giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định tại khoản 2, Nghị quyết 118/NQ-CP ngày 10/8/2020 của Chính phủ, thu vượt hoặc thu không đúng đối tượng.

Một số cơ sở y tế thuộc địa phương và Bộ Y tế chưa xây dựng cơ cấu giá cho các dịch vụ xét nghiệm trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật Bộ Y tế đã ban hành mà áp dụng mức thu theo đơn giá tối đa Bộ Y tế hướng dẫn hoặc giá của HĐND tỉnh hướng dẫn.

Cụ thể, đó là các cơ sở thuộc Bộ Y tế: Bệnh viện Phổi TƯ, Bệnh viện Đa khoa TƯ Cần Thơ, BV E; TP.HCM: UBND TP chưa ban hành giá test nhanh, test PCR để áp dụng trên địa bàn; Tỉnh Ninh Bình (Bệnh viện Đa Khoa tỉnh; Bệnh viện Sản nhi tỉnh).

Một số đơn vị xây dựng cơ cấu giá xét nghiệm RT-PCR còn đưa vào một số nội dung chi không phù hợp, không có trong quy định hoặc cao hơn định mức Bộ Y tế đã ban hành; xây dựng, ban hành giá dịch vụ xét nghiệm nhanh chưa phù hợp với chi phí tiêu hao thực tế; thực hiện phụ thu dịch vụ xét nghiệm khi làm dịch vụ xét nghiệm Covid-19 dẫn đến giá dịch vụ xét nghiệm tăng thêm.

Đối với mức thu dịch vụ xét nghiệm, Kiểm toán Nhà nước cho biết: Đơn giá thu dịch vụ xét nghiệm của một số cơ sở y tế cao hơn mức quy định của Bộ Y tế số tiền hơn 58,7 tỷ đồng. Cụ thể, Bệnh viện Đại học y dược TP.HCM 543,4 triệu đồng; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ 139,6 triệu đồng; Trung tâm Y tế TP.  Phan Thiết 856,9 triệu đồng; CDC Đà Nẵng hơn 1 tỷ đồng; CDC Tây Ninh 6,2 tỷ đồng; TP.HCM 2,4 tỷ đồng… Trong đó đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, nộp vào NSNN hoặc trả lại người xét nghiệm 925,2 triệu đồng.

Đáng chú ý, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ tỉnh Thanh Hóa có 9 cơ sở y tế chưa đạt yêu cầu phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 nhưng vẫn thực hiện xét nghiệm sàng lọc và xét nghiệm dịch vụ.

Kiểm toán Nhà nước cũng lưu ý việc Bệnh viện đa khoa TP. Cần Thơ thực hiện xét nghiệm toàn bộ các đối tượng đến khám tại bệnh viện mà không thực hiện sàng lọc để xét nghiệm chỉ các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Bệnh viện II Lâm Đồng thực hiện quyết toán với NSNN chi phí sử dụng một số hóa chất, sinh phẩm, vật tư tiêu hao… cho các đối tượng sử dụng dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV2 tự chi trả 696 triệu đồng.

Một số đơn vị không thực hiện quyết toán với NSNN chi phí liên quan đến việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm (vật tư tiêu hao, điện nước, nhân công) từ nguồn kinh phí phòng, chống dịch mà thu từ người bệnh “là chưa đúng với quy định của Bộ Y tế 3,01 tỷ đồng”, theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Ngoài ra, việc áp dụng mức thu không thống nhất, tiềm ẩn nguy cơ chỉ định sử dụng dịch vụ tùy tiện, có mức thu cao cho bệnh viện và chi phí cao hơn cho người được xét nghiệm.

Đến thời điểm kiểm toán, Bệnh viện Sản nhi Ninh Bình chưa cung cấp được sổ theo dõi tổng hợp, sổ chi tiết doanh thu các đối tượng xét nghiệm test nhanh, test PCR được NSNN chi trả; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình và Bệnh viện Sản nhi Ninh Bình không theo dõi và tách riêng được các chi phí chung để cấu thành doanh thu từ dịch vụ xét nghiệm cho người dân có nhu cầu phải trả tiền và doanh thu từ đối tượng được NSNN chi trả; CDC Thái Nguyên phân bổ chi phí tiền lương lao động hợp đồng (không phục vụ hoạt động xét nghiệm) vào nguồn thu dịch vụ xét nghiệm 1,1 tỷ đồng.

Bệnh viện Thống nhất chưa tổng hợp số thu dịch vụ xét nghiệm trên sổ kế toán của 2 hợp đồng xét nghiệm cho Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM năm 2021 (đã có Biên bản nghiệm thu thực hiện 1.352 xét nghiệm), số tiền 1,5 tỷ đồng; chưa sử dụng nguồn thu dịch vụ để mua các sinh phẩm, vật tư, hóa chất phục vụ cho dịch vụ xét nghiệm PCR, các sinh phẩm, vật tư, hóa chất phục vụ cho hoạt động dịch vụ xét nghiệm PCR được mượn từ kho phục vụ cho công tác phòng, chống dịch của đơn vị với tổng giá trị hàng mượn theo báo cáo là 2,5 tỷ đồng.

Tại CDC tỉnh Tiền Giang xác định số phải trả chi phí xét nghiệm 1,25 tỷ đồng chưa chính xác.

Về tình hình thực hiện xét nghiệm, Kiểm toán Nhà nước cho rằng một số đơn vị tổ chức xét nghiệm tầm soát cộng đồng bằng PCR có tần suất, số mẫu cao hơn mức hướng dẫn của Bộ Y tế như Bà Rịa - Vũng Tàu; Bình Thuận (huyện Hàm Thuận Bắc, Thị xã Lagi); chưa thực hiện gộp mẫu đúng theo kế hoạch xét nghiệm sàng lọc cộng đồng của tỉnh và Bộ Y tế.

Sở Y tế một số tỉnh Hậu Giang, Bắc Giang, Ninh Bình chậm trễ hoặc chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá thu phí xét nghiệm đối với các cơ sở y tế trên địa bàn.

 

 

Nguồn https://vietnamnet.vn/thu-phi-xet-nghiem-covid-19-chi-ro-nhieu-khoan-tien-vo-ly-dan-phai-chiu-2028324.html