Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính rà soát bất động sản, chứng khoán

Thứ sáu, ngày 7 tháng 1 năm 2022 | 10:10

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát lại vấn đề liên quan tới phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, chứng khoán... để điều chỉnh, phòng ngừa rủi ro.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tài chính-ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021, triển khai nhiệm vụ tài chính-NSNN năm 2022 do Bộ Tài chính chủ trì sáng ngày 6/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian phân tích thêm về những điểm chung so với mọi năm, điểm khác và điểm mới nổi bật của năm 2021.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính rà soát bất động sản, chứng khoán
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Thủ tướng nhấn mạnh, điểm mới trong năm 2021 là dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, nước ta trải qua 2 đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 kéo dài với biến chủng Delta lây lan nhanh hơn chủng cũ nhiều lần và hết sức nguy hiểm.

Khi chưa có đủ vắc xin, thuốc chữa bệnh, chưa hiểu hết về biến chủng mới, chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó, năng lực y tế còn hạn chế, nhất là y tế dự phòng và y tế cơ sở, chúng ta bắt buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân với tinh thần coi tính mạng, sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết. Điều này đã ảnh hưởng nặng nề tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng cho rằng, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, chúng ta đúc kết được các công thức, phương châm phòng chống dịch, cộng với độ bao phủ vắc xin, năng lực y tế được nâng lên, Chính phủ đã điều chỉnh sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP; tạo điều kiện khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội theo tinh thần Kết luận của Trung ương.

Thủ tướng nhắc lại câu chuyện: “Đêm hôm trước gọi điện cho đồng chí Bộ trưởng Tài chính, sáng hôm sau các đồng chí đã có tờ trình về Quỹ vắc xin, tôi đánh giá rất cao việc này”. Quỹ vắc xin không chỉ giúp huy động nguồn lực cho phòng chống dịch mà còn có ý nghĩa rất quan trọng về củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhờ chuyển hướng chiến lược kịp thời, GDP quý IV tăng mạnh, đạt 5,22% sau khi giảm 6,02% trong quý III, đưa GDP cả năm tăng 2,58%, cao hơn năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh rất phức tạp. Lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất giảm, tỷ giá ổn định, đồng Việt Nam tăng giá, dự trữ ngoại hối tăng 10%, bội chi ngân sách thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao.

Các cân đối lớn được bảo đảm, “thu đủ chi, xuất đủ nhập, làm đủ ăn, các chỉ tiêu này đều có dư, năng lượng được bảo đảm, thị trường lao động phục hồi rất nhanh sau khi bị đứt gãy”. Trong đó, thu ngân sách cao hơn năm 2020 và tăng gần 180.000 tỷ đồng so với dự toán. Đặc biệt, chúng ta đã dành gần 71.500 tỷ đồng hỗ trợ 742.000 lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu người lao động; xuất cấp trên 158.000 tấn gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn.

Việt Nam có nhiều tiến bộ về chuyển đổi số, trong đó có lĩnh vực tài chính. Kinh tế internet Việt Nam ước đạt 21 tỷ USD năm 2021 (khoảng 5,8% GDP năm 2021), tăng 31% so với năm 2020. Giải ngân vốn FDI cả năm 2021 đạt gần 20 tỷ USD.

Thắt lưng buộc bụng

Theo Thủ tướng, thu ngân sách tăng so với năm 2020 nhưng chưa cao, nhiều khoản thu chưa bền vững như tăng thu từ chứng khoán, bất động sản, dầu thô..., việc xây dựng dự toán đã sát tình hình chưa là vấn đề phải suy nghĩ và có giải pháp hạn chế rủi ro, đa dạng hóa nguồn thu. Áp lực thâm hụt ngân sách gia tăng. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng 18% so với năm trước, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Nợ thuế, trốn thuế có xu hướng tăng.

Ngoài ra, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, nhất là những lĩnh vực ưu tiên, trong đó có các lĩnh vực có liên quan hoặc thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính như cổ phần hóa doanh nghiệp, đầu tư công, xử lý các doanh nghiệp, dự án yếu kém. Phát hành trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán, tiền tệ chứa đựng nhiều rủi ro.

Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát lại vấn đề liên quan tới phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, chứng khoán... để điều chỉnh, phòng ngừa rủi ro vĩ mô.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh: “Phải có chính sách khuyến khích thu, phải có tiêu chí phân bổ ngân sách công bằng, hạn chế tiêu cực, chạy chọt. Phải đầu tư công sức nghiên cứu để khắc phục hạn chế, bất cập”. Thủ tướng lưu ý, phải tránh tình trạng địa phương có thể thu nhiều hơn nhưng lại không muốn thu để tránh bị áp dự toán thu năm sau cao hơn.

Năm 2022, Thủ tướng giao nhiệm vụ phải tìm biện pháp tăng thu, tiết kiệm chi, “trong lúc này phải thắt lưng buộc bụng”, rà soát kỹ, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, kiểm soát bội chi, quản lý nợ công theo hướng có thể tăng bội chi để phục hồi và phát triển kinh tế nhưng bảo đảm cân đối phù hợp tình hình, không vung tay quá trán cũng không quá thận trọng.

“Làm sao dòng vốn tín dụng, dòng tiền ngân sách phải đi vào đúng chỗ, kích thích, tạo động lực mới cho nền kinh tế. Muốn đạt được điều này phải làm trên cơ sở khoa học, dữ liệu thống kê thật tốt”, Thủ tướng nêu rõ.

Nguồn Vietnamnet.vn

https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/thu-tuong-yeu-cau-bo-tai-chinh-luu-y-thi-truong-bat-dong-san-chung-khoan-806932.html