Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị của Hoa Kỳ

Thứ năm, ngày 1 tháng 8 năm 2024 | 11:26

- Nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, chiều 31/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công thương) tổ chức tọa đàm với chủ đề “Phát triển hệ thống các nhà cung ứng tham gia sâu vào chuỗi giá trị của Hoa Kỳ”.

Các diễn giả, chuyên gia kinh tế giải đáp các câu hỏi của doanh nghiệp về thị trường Hoa Kỳ tại tọa đàm.
Các diễn giả, chuyên gia kinh tế giải đáp các câu hỏi của doanh nghiệp về thị trường Hoa Kỳ tại tọa đàm.

Dự tọa đàm, có đại diện của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), các tập đoàn, công ty lớn của Hoa Kỳ (Deloitte, UPS, Target Sourcing…) cùng các hiệp hội ngành hàng của Việt Nam (Hiệp hội Dệt May Việt Nam-VITAS, Hiệp hội Gỗ Bình Dương-BIFA, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam-VASEP, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam-VECOM…), các chuyên gia và đông đảo các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu của Việt Nam và Hoa Kỳ.

Đây là chương trình tọa đàm đầu tiên trong chuỗi 3 tọa đàm được Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ dự kiến tổ chức trong năm 2024 tại 3 vùng kinh tế trọng điểm nhằm chia sẻ và lắng nghe thông tin từ cộng đồng doanh nghiệp, cập nhật tình hình thương mại song phương, đánh giá xu hướng chính sách của thị trường Hoa Kỳ trong thời gian tới, nhận định về triển vọng hợp tác và khuyến nghị các giải pháp thiết thực, kịp thời phục vụ cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan tham mưu chính sách của Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa cũng như tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị của Hoa Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục phát triển sản phẩm xuất khẩu theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa; cải thiện cơ cấu sản phẩm, tập trung phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao sức cạnh tranh của ngành; thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên-phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh quá trình nội địa hóa để gia tăng giá trị của sản phẩm hàng hóa Việt Nam.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm phù hợp; tăng cường giới thiệu sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trên các phương tiện thông tin-truyền thông lớn của Hoa Kỳ cũng như liên kết với doanh nghiệp Việt Nam ở nước sở tại nhằm hỗ trợ, mở rộng phương thức tiếp cận kênh phân phối sản phẩm để từ đó tạo tính lan tỏa, kết nối giữa các bang, vùng và địa phương ở Hoa Kỳ.

Ông Nguyễn Hồng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ cho biết, từ nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu quan trọng số một của Việt Nam, nhưng đồng thời cũng là thị trường có tiêu chuẩn cao và áp dụng ngày càng nhiều các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang Hoa Kỳ sụt giảm mạnh do tác động từ suy giảm kinh tế, lạm phát, người dân thắt chặt chi tiêu, lãi suất cao…

 

Nửa đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã cơ bản phục hồi và dần lấy lại đà tăng trưởng ổn định.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên.

Tin liên quan

Hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ thêm nhiều hành lang rộng mở

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ đạt khoảng 62,2 tỷ USD (tăng 21,4% so với cùng kỳ 2023).

Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 55,1 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ 2023, chiếm tỷ trọng 28,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Việt Nam nhập khẩu từ Hoa Kỳ lượng hàng hóa trị giá khoảng 7,1 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ 2023, chiếm tỷ trọng 3,97% tổng nhập khẩu. Thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam là 48,03 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ 2023.