Thúc đẩy sản xuất sạch, nông nghiệp xanh
Để giảm chi phí sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho thị trường, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên cả nước đã và đang đẩy mạnh việc sử dụng các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón hữu cơ cho cây trồng, vật nuôi. Những mô hình nông nghiệp xanh đang từng bước khắc phục điểm yếu cố hữu của sản xuất nông nghiệp như mất an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường; đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) là một điển hình về ứng dụng công nghệ số vào mô hình sản xuất rau quả sạch bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng.
Hướng tới nền nông nghiệp bền vững
Theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín, Hà Nội) Bùi Thị Thanh Hà, trên diện tích 1,15ha, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sản phẩm rau an toàn, hợp tác xã sử dụng các loại phân bón hữu cơ cho cây trồng. Sử dụng phân, thuốc hữu cơ mang lại hiệu quả, không ảnh hưởng đến môi trường và tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Nhờ đó, mỗi ngày hợp tác xã cung ứng gần 1 tấn rau, củ, quả cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố Hà Nội…
Còn Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm (tỉnh Vĩnh Phúc) Nguyễn Hồng Lam cho biết, Tập đoàn đã xây dựng được 13 công ty thành viên, 8 nhà máy sản xuất phân bón, mỗi năm đưa ra thị trường hơn 1 triệu tấn phân bón các loại và hàng trăm tấn chế phẩm sinh học. Tập đoàn Quế Lâm tập trung phát triển hệ sinh thái Quế Lâm từ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, chăn nuôi an toàn sinh học đến trồng trọt hữu cơ. Khi liên kết với các đơn vị, nhân viên Tập đoàn Quế Lâm luôn theo sát quá trình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, trực tiếp ra đồng cùng người nông dân để bảo đảm quy trình được thực hiện chặt chẽ nhằm tạo ra chuỗi giá trị nông sản hữu cơ bền vững, an toàn.
Khẳng định hiệu quả các mô hình sản xuất hướng tới nền nông nghiệp xanh, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, hiện thành phố đã có 5.044ha sản xuất rau an toàn, hơn 50ha sản xuất rau hữu cơ... cùng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình này không chỉ tạo nguồn thực phẩm sạch mà còn cho hiệu quả kinh tế cao hơn 15-20% so với phương thức sản xuất truyền thống; đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, hướng tới nền nông nghiệp bền vững, Bộ đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phát triển nông nghiệp xanh giai đoạn 2018-2030 với mục tiêu: Xây dựng một hệ thống công nghệ hiệu quả, an toàn, giảm phát thải, tuần hoàn, thông minh và tích hợp để phát triển nông nghiệp xanh, thúc đẩy đổi mới khoa học - công nghệ. Việc này không chỉ hạn chế tình trạng mất an toàn thực phẩm mà còn nâng cao giá trị cũng như vị thế mặt hàng nông sản Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và đưa Việt Nam vào tốp 15 cường quốc xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới...
Trồng rau mầm tại Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín.
Cần một tầm nhìn để chuyển đổi hệ thống
Thực tế cho thấy, sản xuất thân thiện với môi trường rất có ích, không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, an toàn mà còn góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, việc mở rộng các mô hình nông nghiệp xanh đòi hỏi nhiều giải pháp phải được thực hiện đồng bộ. Bởi hiện nay, quy mô sản xuất nhỏ lẻ đang là “rào cản” cho việc áp dụng hình thức sản xuất khép kín, tập trung với diện tích canh tác lớn. Trong khi đó, trình độ, năng lực tiếp cận khoa học, công nghệ còn nhiều hạn chế, nông dân vẫn sản xuất theo thói quen, sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nguy hại...
Để duy trì và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NN&PTNT) Lê Quốc Thanh cho biết, Trung tâm đã phối hợp với nhiều đơn vị, địa phương hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón hữu cơ bằng việc tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp kết hợp chế phẩm sinh học thay thế phân bón vô cơ. Điều này giúp giảm chi phí sản xuất, tạo ra nhiều loại nông sản sạch có giá trị cao.
Cũng về vấn đề này, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, thời gian tới, Hà Nội sẽ đầu tư chuyên sâu cho các vùng nông nghiệp hàng hóa theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu... Cụ thể, với cây ăn quả sẽ tập trung vào các vùng chuyên canh theo nhóm cây trồng chủ lực (bưởi, chuối, nhãn…) quy mô hơn 20.000ha; rau màu hơn 5.000ha; hoa, cây cảnh hơn 9.000ha…, qua đó, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất xanh, thân thiện môi trường...
Nhận thức rõ việc hội nhập trong kinh tế nông nghiệp Việt Nam cần những bước đi mạnh mẽ, có tầm nhìn để chuyển đổi sang hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, ít phát thải và bền vững, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Bộ đang xây dựng các chính sách quản lý, sử dụng tài nguyên theo hướng thân thiện môi trường, tập trung vào 2 ngành có lượng thải các bon lớn là chăn nuôi và trồng lúa. Việt Nam sẽ phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái thông qua áp dụng đồng bộ các quy trình công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào trong sản xuất; sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, không ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người...
Nguồn http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Nong-nghiep/1032058/thuc-day-san-xuat-sach-nong-nghiep-xanh
- Đích nhắm đầu tư: Việt Nam là điểm đến số 1
- Doanh nghiệp Thủ đô giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng xứ Nghệ
- Hơn 90% DN Đức dự kiến mở rộng đầu tư tại Việt Nam
- Cánh điện gió bất động, chục nghìn tỷ phơi nắng mưa chờ cơ chế
- Bán giấy thu tiền: Soi kỹ dòng tiền chục nghìn tỷ đi đâu, làm gì, mua bán ra sao
- Mỹ miễn thuế pin năng lượng mặt trời nhập khẩu của Việt Nam
- Không để cá nhân, doanh nghiệp né nghĩa vụ kinh doanh
- Bất động suốt 2 năm, doanh nghiệp gần như vô danh Vạn Trường Phát bất ngờ vay tới 10.000 tỷ đồng trái phiếu
- Thương mại Tự do Năng lượng đặt dấu chấm hết do xung đột Nga – Ukraine