Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh hơn

Thứ năm, ngày 30 tháng 5 năm 2024 | 9:37

Theo số liệu thống kê, các chỉ số liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt như lượng giao dịch, giá trị thanh toán, cơ sở hạ tầng… đang có sự tăng trưởng mạnh. Hiện tại, phương thức thanh toán này đang được Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng các ban, ngành chức năng thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn.

Thanh toán chuyển dịch sang phương thức không tiền mặt

Liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian qua ngành ngân hàng đã tập trung nỗ lực lớn cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp lý và tổ chức triển khai thực hiện; cụ thể như đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 52/2024/NĐ-CP (Nghị định 52) ngày 15/5/2024 thay thế cho Nghị định số 101/2012/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 tới.

Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán - NHNN Lê Anh Dũng thông tin tích cực về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Đỗ Doãn
Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước Lê Anh Dũng thông tin tích cực về giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Đỗ Doãn

Trong khi đó, hạ tầng phục vụ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt như hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử liên tục được quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng tiện ích, nâng cao năng lực xử lý, phục vụ tốt nhu cầu của các thành viên hệ thống và qua đó đáp ứng tốt nhu cầu và kỳ vọng ngày càng cao của các người dùng cuối là người dân, doanh nghiệp.

Nghị định số 52 được Chính phủ ban hành nhằm mục đích tạo lập khuôn khổ pháp lý cơ bản, vững chắc cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy hoạt động này cũng như tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, cung ứng nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích, an toàn với chi phí hợp lý.

Số liệu thống kê từ Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước cho thấy, các chỉ số liên quan đến hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó, số lượng giao dịch thanh toán qua kênh Internet và Mobile bình quân giai đoạn 2021 - 2023 tăng lần lượt 52% và 103,3%; số lượng và giá trị thanh toán qua phương thức QR Code tăng hơn 170%.

Tính đến hết 2023, Việt Nam có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân và có 87,08% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán. Còn về mở tài khoản qua phương thức eKYC (định danh điện tử), 40 ngân hàng báo cáo đã triển khai chính thức với gần 35 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động…

Còn về số liệu 4 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, các chỉ số liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt có mức tăng trưởng khá, với tỷ lệ tăng 57% về số lượng và 39,49% về giá trị; qua kênh Internet tăng gần 48% về số lượng và hơn 30% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 59,3% về số lượng và 35,9% về giá trị. Trong khi đó, giao dịch qua kênh ATM tiếp tục giảm 14,15% về số lượng và 7,84% về giá trị so. Điều này cho thấy đang có xu hướng dịch chuyển mạnh từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt.

5 nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt

Chia sẻ tại buổi họp báo khởi động Ngày không tiền mặt năm 2024 vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước cho biết, phát huy những kết quả đã đạt được trong thanh toán không dùng tiền mặt thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục áp dụng một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy phương thức này này phát triển toàn diện, mạnh mẽ hơn.

Hình ảnh khách hàng thanh toán bằng QR Code đã trở nên bình thường tại các quán cà phên ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đỗ Doãn
Việc thanh toán bằng hình thức QR Code đã trở nên bình thường tại các quán cà phê ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đỗ Doãn

Nhóm giải pháp thứ nhất là sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đảm bảo an ninh, an toàn, phòng ngừa gian lận, lừa đảo, trước mắt tập trung vào việc ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024, nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 tới.

Kế đến là tiếp tục triển khai hiệu quả các đề án của Chính phủ, chiến lược, kế hoạch của ngành ngân hàng về thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số, phối hợp thực hiện Đề án 06; Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để nghiên cứu, thiết lập hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thống nhất nhằm tạo thuận lợi và thúc đẩy kết nối dịch vụ thanh toán, dịch vụ ngân hàng liên thông, liền mạch với các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế.

Kế nữa là tăng cường chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tiếp tục phát triển, cung ứng đa dạng sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn tiện lợi giá cá dịch vụ hợp lý cả kênh trực tiếp lẫn trên kênh số, đặc biệt hướng đến đối tượng khách hàng ở khu vực nông thôn bằng những hình thức phù hợp; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực chính phủ, dịch vụ hành chính công.

Nhóm giải pháp thứ tư là tăng cường phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong quá trình nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách và thực hiện công tác bảo đảm an toàn, an ninh, phòng chống lừa đảo, gian lận, ngăn ngừa kịp thời các đối tượng tấn công có chủ đích vào hệ thống ngân hàng.

''Nhóm giải pháp cuối là tiếp tục chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện các hoạt động thông tin tuyên truyền và giáo dục tài chính đến người dân, doanh nghiệp có đầy đủ kiến thức, kỹ năng giao dịch cần thiết và yên tâm trải nghiệm, sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt an toàn, hợp lý...'' - ông Dũng nhấn mạnh.

Ngân hàng Nhà nước hiện đang khẩn trương hoàn thiện các dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định số 52 để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, vững chắc về thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt gắn với đảm bảo an ninh, an toàn và bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ.