Thực hiện quy định về tuổi nghỉ hưu: Mong cơ chế mở với lao động trực tiếp
Thực hiện Bộ luật Lao động 2019, từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động thực hiện theo lộ trình mỗi năm tăng thêm 4 tháng để từ năm 2028 trở đi tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 62 tuổi; từ năm 2035 trở đi tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là 60 tuổi.
Trên bình diện chung, việc điều chỉnh này là phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay, những người lao động trực tiếp trong doanh nghiệp mong muốn có một cơ chế mở, giảm độ tuổi nghỉ hưu phù hợp với công việc họ đang đảm nhận.
Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Channel Well Technology Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh). Ảnh: Quang Thái
Đề xuất độ tuổi nghỉ hưu phù hợp
Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Giầy Thượng Đình (quận Thanh Xuân) Nguyễn Bích Thủy thông tin, vấn đề được nhiều nữ công nhân ngành da giầy quan tâm hiện nay là tuổi nghỉ hưu bởi công việc của họ khá nặng nhọc, tuổi càng cao càng ảnh hưởng đến năng suất lao động. Vì thế, các nữ công nhân mong muốn tuổi nghỉ hưu là 55 tuổi như trước để tránh phải rút bảo hiểm xã hội một lần.
Theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, người lao động để được hưởng lương hưu hằng tháng phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Về vấn đề này, theo bà Nguyễn Bích Thủy, nhiều lao động đi làm từ 18 tuổi có số năm đóng bảo hiểm xã hội thừa so với quy định (số năm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định để nghỉ hưu theo quy định của nữ là 30 năm và nam là 35 năm) nhưng lại chưa đủ tuổi về hưu. Do đó, chỉ khi xem xét cho chuyển số năm thừa đóng bảo hiểm bù vào số tuổi còn thiếu theo quy định về tuổi nghỉ hưu thì mới bảo đảm được quyền lợi người lao động.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội Nguyễn Văn Hòa cũng đề xuất nhóm làm công việc trực tiếp cần có tuổi nghỉ hưu phù hợp hơn. Theo đó, chỉ nên áp dụng tuổi nghỉ hưu 62 đối với nam và 60 đối với nữ cho đối tượng người lao động làm công việc gián tiếp...
Trong khi đó, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Đồ chơi Chee Wah Việt Nam (huyện Chương Mỹ) Ngô Thị Hồng Hà cho rằng, lao động trực tiếp bị áp chung quy định độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay là quá dài bởi thực tế, nhiều trường hợp người lao động chỉ đi làm được trong 15 năm.
Ở góc độ người lao động, anh Nguyễn Đan Đích (40 tuổi, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Nội Bài, huyện Sóc Sơn) cho hay, sau 15 năm làm ở xưởng sản xuất linh kiện xe máy, đến nay sức khỏe của anh đã có dấu hiệu đi xuống, khó bảo đảm công việc về lâu dài. Vì vậy, anh Đích kiến nghị một số nhóm lao động nặng nhọc nên được nghỉ hưu ở độ tuổi phù hợp.
Bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc
Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội) Tạ Văn Dưỡng cho biết, quá trình góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều công nhân sản xuất trực tiếp ở các doanh nghiệp mong muốn được giảm tuổi nghỉ hưu so với quy định hiện hành. Ở góc độ doanh nghiệp, nhiều đơn vị cũng mong muốn cho người lao động được nghỉ hưu sớm hơn, bởi những người lớn tuổi khó đáp ứng được yêu cầu công việc trong một số công đoạn.
“Quy định về cắt giảm lao động hiện nay khá đơn giản, chỉ cần một đề án sắp xếp lại sản xuất là doanh nghiệp có thể cắt giảm hàng nghìn công nhân và nhóm đầu tiên họ nhắm đến luôn là người lớn tuổi”, ông Tạ Văn Dưỡng nêu thực tế.
Đại diện Công đoàn Hà Nội cũng cho rằng, bên cạnh việc quản lý nhà nước chặt chẽ, tránh việc doanh nghiệp lách luật, cũng nên phân loại nhóm lao động trực tiếp và một số khu vực sản xuất được nghỉ hưu sớm, đáp ứng mong muốn của công nhân. Bởi đây là nhóm có nguy cơ mất việc, song lại chưa đủ tuổi nghỉ hưu theo luật định. Trong khi đó, nếu bị sa thải hay trong một thời gian không có việc làm, người lao động thường lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần để trang trải cuộc sống.
Liên quan đến vấn đề này, trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua, cử tri nhiều tỉnh trong cả nước đã gửi kiến nghị đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét giảm tuổi nghỉ hưu xuống 55 đối với nữ và 60 đối với nam cho công nhân lao động trực tiếp tại các khu công nghiệp làm việc nặng nhọc, độc hại hoặc một số ngành nghề đặc thù khác.
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, trong quá trình xây dựng Bộ luật Lao động 2019, vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được đánh giá một cách kỹ lưỡng, tổng thể các mặt có liên quan. Trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nhằm bảo đảm thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho người lao động.
- Hướng dẫn đăng ký cư trú cho người chưa thành niên
- Cần quy định bắt buộc trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
- Hướng dẫn xác định giá dịch vụ ngày giường bệnh
- Hướng dẫn xác định giá dịch vụ ngày giường bệnh
- Hướng dẫn chế độ báo cáo về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp
- Bảo đảm an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ Online Banking
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu
- "Điểm danh" 56 đơn vị hành chính cấp xã mới của Hà Nội
- Đề xuất nhiều chính sách trợ cấp với cán bộ không đủ tuổi tái cử tự nguyện nghỉ hưu sớm