Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội: Xây dựng thế trận lòng dân vững chắc

Thứ ba, ngày 12 tháng 3 năm 2024 | 9:9

Nỗ lực thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã và đang góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở địa phương, tô thắm thêm truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, tạo động lực xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc.

hau-phuong.jpg

Bác sĩ của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội khám bệnh miễn phí cho đối tượng chính sách tại xã Phú Sơn (huyện Ba Vì).

Nguồn động viên ý nghĩa

Trên địa bàn huyện Mê Linh hiện có gần 3.000 gia đình liệt sĩ, hơn 1.700 thương, bệnh binh; gần 600 nạn nhân chất độc da cam. Để giải đáp thắc mắc của người có công về chế độ, chính sách, Ban Chỉ huy quân sự huyện Mê Linh đã bố trí cán bộ chuyên môn trực vào ngày thứ hai và thứ sáu hằng tuần.

Trong năm 2023, đơn vị đã tiếp gần 300 lượt công dân đến hỏi về các thủ tục liên quan đến chính sách quân đội và hậu phương quân đội. Ngoài ra, đơn vị đã xét duyệt 252 hồ sơ chính sách theo quy định; đề nghị cấp trên tổ chức chi trả trợ cấp 1 lần cho 205 đối tượng chính sách...

Ông Lê Đình Hưng (ở thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh) cho biết: “Tôi tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và phục viên, xuất ngũ về địa phương. Nhờ sự giúp đỡ của cán bộ Ban Chỉ huy quân sự huyện, tôi đã hoàn thiện thủ tục để hưởng chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước. Đây là sự động viên lớn đối với tôi và gia đình”.

Tại quận Tây Hồ, Ban Chỉ huy quân sự quận đã tham mưu với Quận ủy, UBND quận đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết tốt các chế độ, chính sách đối với người có công, gia đình chính sách. Năm 2023, Ban Chỉ huy quân sự quận phối hợp với một số cơ sở y tế tổ chức khám, cấp thuốc cho 1.075 đối tượng chính sách; thực hiện tốt chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất đối với cán bộ, chiến sĩ theo Thông tư số 09/2012/TT-BQP của Bộ Quốc phòng...

Là một trong 250 đối tượng chính sách của xã Phú Sơn (huyện Ba Vì) được cán bộ, bác sĩ của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội về khám bệnh, tư vấn, cấp thuốc miễn phí trong dịp đón xuân mới Giáp Thìn vừa qua, ông Chu Văn Quý, thương binh 4/4 (ở thôn Đông Hữu, xã Phú Sơn), chia sẻ: “Sự quan tâm kịp thời và ý nghĩa này đã tiếp thêm động lực cho chúng tôi tiếp tục động viên con cháu phát huy truyền thống gia đình trong lao động, học tập, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Phối hợp làm tốt hơn nữa

Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội luôn là những người tiên phong trong triển khai, thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, làm tốt nhiệm vụ chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.

Chỉ tính trong năm 2023, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức thăm, động viên đối tượng chính sách trong các dịp lễ, Tết với tổng số tiền gần 6 tỷ đồng; phối hợp với các bệnh viện trong và ngoài quân đội khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 11.159 đối tượng tại 62 điểm, với tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng. Lực lượng vũ trang Thủ đô đã xây dựng 5 nhà tình nghĩa trị giá 400 triệu đồng; cấp giấy chứng nhận thương binh cho 2 đồng chí; giải quyết thủ tục hưởng trợ cấp theo quy định cho 1.300 người có công với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng... Đáng chú ý, thời gian qua, đã có nhiều nhà tình nghĩa được xây tặng đối tượng chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi căn nhà có chi phí từ 80 triệu đồng trở lên.

Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu với Thành ủy, UBND thành phố tổ chức thăm, tặng quà cho người có công, gia đình chính sách trên địa bàn.

Riêng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức thăm, tặng quà Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng (tỉnh Hà Nam); chúc Tết Làng hữu nghị Việt Nam (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức); Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh); Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội...

“Khắc phục khó khăn, chủ động tham mưu với Cục Chính trị (Bộ Tổng Tham mưu - Bộ Quốc phòng), Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thẩm định, xét duyệt, lập hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh, giải quyết chế độ chính sách cho các đối tượng đủ điều kiện một cách chu đáo, tận tình, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, đúng luật. Qua đó góp phần làm nên kết quả chung trong công tác hậu phương quân đội”, Đại tá Đoàn Chí Thắng, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chia sẻ.

Những việc làm thiết thực trong thực hiện chính sách hậu phương quân đội của lực lượng vũ trang Thủ đô đã và đang thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ của những người đang sống đối với lớp cha anh đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Điều này cũng góp phần xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc; đồng thời bồi đắp, tiếp lửa truyền thống cách mạng cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ noi theo.