Thực hiện tốt phương châm "vì việc tìm người
Đổi mới công tác tổ chức cán bộ không chỉ là yêu cầu cấp bách, mà còn là chiến lược quan trọng để xây dựng một hệ thống chính trị "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả" và phù hợp với xu thế phát triển. Trong đó, đổi mới công tác tổ chức cán bộ theo phương châm "vì việc tìm người" là một đòi hỏi cấp thiết.
1. Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2024 mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhắc tới cụm từ “vì việc tìm người”. Đồng thời, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý: “Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất "vì việc tìm người", trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được; có cơ chế hữu hiệu, sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; sử dụng đối với người có năng lực nổi trội”.
Trên thực tế, khi bàn về công tác tổ chức cán bộ, lâu nay, nhiều đồng chí lãnh đạo trung ương, địa phương, chuyên gia đều nhấn mạnh yêu cầu phải phân công “đúng người, đúng việc”. Ngay cả với cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang được tiến hành, nếu không gắn với việc phân công sao cho đúng người, đúng việc thì bộ máy sau khi tinh gọn cũng khó có thể hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả như mong muốn.
Hiện nay, còn tồn tại tình trạng lựa chọn cán bộ chưa theo đúng tinh thần “vì việc tìm người”. Tình trạng phân công chưa “đúng người, đúng việc” dẫn đến công việc bê trễ, sai, hỏng còn khá phổ biến. Thực tế đã cho thấy hệ quả nặng nề khi cán bộ ở sai vị trí. Đơn cử như Dự án đầu tư đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (dài 139km) với tổng vốn lên tới 34.516 tỷ đồng xảy ra nhiều sai phạm, khiến nhiều người vướng vòng lao lý. Theo kết quả điều tra và đưa ra xét xử vụ án vào cuối năm 2024, bên cạnh yếu tố tiêu cực, nhiều cán bộ, bao gồm cả lãnh đạo không có đủ năng lực chuyên môn trong quản lý và giám sát dự án.
Trên thực tế, hệ lụy của tình trạng nêu trên rất nhức nhối. Đó không chỉ là một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, mà còn làm cho hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức, thậm chí cả một hệ thống giảm sút. Các nhiệm vụ quan trọng bị trì hoãn hoặc thực hiện kém chất lượng, ảnh hưởng đến sự phát triển chung. Điều đáng lo hơn là vì điều này dẫn đến tình trạng người dân thì mất niềm tin, còn những cán bộ có năng lực, có khát khao cống hiến cũng mất đi động lực để phấn đấu.
Tình trạng phân công cán bộ chưa đúng phương châm “vì việc tìm người” xuất phát từ việc đánh giá cán bộ chưa thực sự khách quan, minh bạch hoặc thiếu cơ sở khoa học. Nhiều trường hợp cán bộ được bổ nhiệm hoặc giao nhiệm vụ không dựa trên năng lực chuyên môn hay phẩm chất phù hợp, mà dựa trên các yếu tố như thân quen, cánh hẩu, cục bộ địa phương, nhóm lợi ích... Một số cán bộ dù không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhưng vẫn không bị thay thế hoặc luân chuyển. Ngoài yếu tố chủ quan nêu trên, thực trạng này tồn tại còn là vì quy trình đánh giá không hiệu quả. Trong phát biểu vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã chỉ ra: “... công tác đánh giá cán bộ còn rất nhiều tồn tại, bất cập”.
Nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng là chúng ta còn thiếu cơ chế xử lý trách nhiệm và tồn tại tâm lý né tránh, e ngại tạo ra xáo trộn hoặc lo ngại các tác động tiêu cực khi thay thế cán bộ.
2. Để thực hiện tốt phương châm "vì việc tìm người" từ đó đổi mới hơn nữa công tác tổ chức cán bộ, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mang tính căn cơ, vừa khắc phục các bất cập hiện tại, vừa tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của hệ thống chính trị. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành và sự quan tâm, chú ý của mỗi cơ quan, đơn vị, nhất là phát huy vai trò của các cấp ủy Đảng và người đứng đầu. Mấu chốt là phải cải cách sâu rộng trong công tác tổ chức, đánh giá và sử dụng cán bộ, dựa trên năng lực thực sự.
Trong đó, các cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn rõ ràng, minh bạch cho từng vị trí việc làm; xác định rõ yêu cầu về trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm và phẩm chất đối với từng vị trí theo phương châm “vì việc tìm người”, gắn với việc tiếp tục chuẩn hóa quy trình bổ nhiệm, tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch. Các cấp ủy Đảng, cơ quan cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh và phát hiện nhân tài như áp dụng cơ chế thi tuyển hoặc xét tuyển công khai cho các vị trí lãnh đạo, quản lý. Sử dụng các công cụ đánh giá trực tuyến, hệ thống quản lý hồ sơ cán bộ được số hóa để giảm thiểu sai sót và tăng tính minh bạch trong quá trình tuyển chọn; chú trọng nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ bằng cách đánh giá đa chiều, thay vì chỉ dựa vào cấp trên trực tiếp thì cần lấy ý kiến từ nhiều nguồn, bao gồm đồng nghiệp, cấp dưới... “Thước đo” chủ yếu để đánh giá cán bộ phải là kết quả, sản phẩm công việc.
Đồng thời, các cấp ủy Đảng, cơ quan cần tăng cường thực hiện luân chuyển và đào tạo cán bộ hợp lý. Đơn cử như cách làm tại Hà Nội, đó là không chỉ luân chuyển cán bộ qua các vị trí khác nhau, mà còn đến các địa bàn khó khăn để rèn luyện và kiểm chứng năng lực thực tế. Thành ủy Hà Nội cũng đã triển khai tích cực, hiệu quả việc đào tạo cán bộ theo chức danh, tập trung đào tạo kỹ năng xử lý tình huống, cập nhật kiến thức, từ đó nâng cao trình độ cán bộ cho chính vị trí công tác đang đảm nhiệm hoặc được quy hoạch. Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, cơ quan cần quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ những giải pháp quan trọng khác như: Tăng cường giám sát và xử lý trách nhiệm; xây dựng văn hóa đề cao năng lực và trách nhiệm; huy động sự tham gia của nhân dân trong vai trò giám sát đối với cán bộ...
Việc thực hiện tốt phương châm "vì việc tìm người" đòi hỏi một sự đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ và lâu dài, từ nhận thức đến hành động. Khi mỗi vị trí được đảm nhận bởi người phù hợp nhất, bộ máy tổ chức sẽ vận hành hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, tạo động lực cho sự phát triển bền vững và củng cố niềm tin của nhân dân vào hệ thống chính trị.
- Giám sát thường xuyên phải hiệu quả
- Để giám sát, phản biện xã hội trở thành thương hiệu của Mặt trận
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Hà Nội nhận diện 18 biểu hiện vi phạm dân chủ trong công tác quy hoạch; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
- Củng cố sức mạnh của Đảng từ mỗi "tế bào"
- Kỷ nguyên mới, cách làm mới
- Giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng trong Quân đội
- Tự tin bước vào kỷ nguyên mới
- Nhận diện chính xác để đấu tranh hiệu quả