Thượng đỉnh bất thường EU bàn về khủng hoảng Ukraine và năng lượng
Hội nghị thượng đỉnh bất thường của Liên minh châu Âu (EU) sẽ diễn ra từ ngày 30-31/5 nhằm đánh giá và thảo luận cuộc xung đột ở Ukraine, hợp tác quốc phòng, chi phí năng lượng và an ninh lương thực.
Thượng đỉnh bất thường EU bàn về khủng hoảng Ukraine và năng lượng. Ảnh: AP
Trong thư mời các nguyên thủ quốc gia và chính phủ châu Âu tham dự hội nghị thượng đỉnh bất thường này, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh rằng EU sẽ tiếp tục gây áp lực lên Nga liên quan đến chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine.
EU đã áp đặt 5 gói trừng phạt đối với Nga sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự quy mô lớn ở Ukraine hồi cuối tháng 2. Tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới, các nước EU sẽ tìm kiếm sự đồng thuận về các biện pháp trừng phạt mới, bao gồm đề xuất cấm Nga xuất khẩu dầu mỏ vào châu Âu, trong bối cảnh nhiều nước thành viên bày tỏ lo ngại rằng động thái này sẽ trở nên nguy hiểm đối với nền kinh tế của họ.
Hungary - quốc gia phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung nhiên liệu của Moscow, là nước phản đối mạnh nhất đề xuất lệnh cấm vận dầu mỏ Nga khi cho rằng tác động tiềm tàng của biện pháp trừng phạt như “bom nguyên tử” đối với nền kinh tế nước này. Hungary cho biết chỉ chấp thuận lệnh cấm vận nếu nhận được hàng tỷ euro viện trợ của EU hoặc có các quy định đặc biệt. Những quan ngại tương tự về lệnh cấm vận cũng đã được các quốc gia không giáp biển khác, như Czech và Slovakia, lên tiếng.
Sau rất nhiều tranh cãi, ngày 29/5, Ủy ban châu Âu đã đạt được một đề xuất mang tính thỏa hiệp để có thể hướng tới một lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga bằng đường biển, nhưng vẫn cho phép nhập khẩu vận chuyển qua hệ thống đường ống Druzhba khổng lồ. Đề xuất này được cho là nhằm có được sự ủng hộ của Hungary khi giúp Budapest có thêm thời gian để tìm kiếm nguồn thay thế cho đường ống dẫn dầu của Nga.
Tuy nhiên, theo các nguồn thạo tin, EU vẫn chưa thể đạt được đồng thuận về lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga và đại diện thường trực các nước EU tại Brussels (Bỉ) đang tiếp tục thảo luận về vấn đề này trước thềm khai mạc hội nghị thượng đỉnh.
Bên cạnh đó, hội nghị thượng đỉnh bất thường của EU cũng sẽ thảo luận về cách thức tốt nhất để tổ chức sự hỗ trợ của khối nhằm tái thiết Ukraine. Cuộc thảo luận này sẽ diễn ra với sự tham gia của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky qua cầu truyền hình.
Trước sức ép về đà leo dốc chóng mặt của giá năng lượng và nguy cơ gián đoạn nguồn cung nhiên liệu do xung đột Nga-Ukraine, Hội đồng châu Âu sẽ thảo luận các giải pháp nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu hóa thạch, dầu mỏ và than của Nga “càng sớm càng tốt”.
Các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ xem xét khả năng thông qua kế hoạch REPowerEU do EC trình bày vào ngày 18/5. Kế hoạch này nhằm đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng, tăng cường tiết kiệm năng lượng và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Kế hoạch REPowerEU sẽ cho phép các nước thành viên EU giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Xung đột Nga-Ukraine cũng ảnh hưởng đến giá lương thực, vốn đã tăng theo cấp số nhân ở Ukraine và các nước khác trên thế giới phụ thuộc vào nguồn cung các sản phẩm của Ukraine. Tại hội nghị thượng đỉnh trong tuần này, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ thảo luận về những cách thức cụ thể để giúp Ukraine xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của mình, sử dụng cơ sở hạ tầng của EU.
Theo ông Michel, tại hội nghị thượng đỉnh này, Chủ tịch Liên minh châu Phi Macky Sall sẽ thảo luận trực tuyến với lãnh đạo EU về vấn đề đảm bảo an ninh lương thực.
Cuối cùng, 27 lãnh đạo các quốc gia thành viên EU sẽ tranh luận về các khoản đầu tư cần thiết cho quốc phòng để củng cố nền tảng công nghiệp và công nghệ của quốc phòng châu Âu.
Nguồn https://kinhtedothi.vn/thuong-dinh-bat-thuong-eu-ban-ve-khung-hoang-ukraine-va-nang-luong.html
- Serbia kiên quyết từ chối trừng phạt Nga bất chấp sức ép từ Đức
- Nga tự tin trụ vững trước áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây
- Cai dầu, châu Âu vẫn nhận khí đốt từ Nga?
- Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc
- Dự báo có 4 tỷ hành khách đi lại bằng đường hàng không vào năm 2024
- Phương Tây chia rẽ về việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine
- Đại sứ Nga bỏ họp LHQ giữa chừng vì phát biểu của châu Âu
- Tổng thống Biden xem xét nới lỏng thuế quan với Trung Quốc
- Chủ tịch Liên minh châu Phi kêu gọi giải phóng ngũ cốc khi gặp ông Putin