Thương hiệu quốc gia: Tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt
Thương hiệu quốc gia ở những đất nước phát triển thường được đầu tư có chiến lược và khi đã lớn mạnh, chính thương hiệu quốc gia này phản chiếu, làm nổi bật ngược lại cho chính quốc gia mình.
Kinh tế, xã hội, uy tín và vị thế Việt Nam ngày càng cao
Tại tuần lễ "Thương hiệu quốc gia Việt Nam" diễn ra mới đây, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về giá trị thương hiệu quốc gia đi cùng những kết quả về kinh tế - xã hội đã đạt được, uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Trong bối cảnh này, việc xây dựng thương hiệu quốc gia là một bệ phóng quan trọng để tăng hạng cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới.
Thương hiệu chính là những gì đọng lại trong tâm trí và trái tim con người về một sản phẩm, về một tổ chức, một con người hay về một quốc gia nào đó.
Thương hiệu quốc gia là một lời hứa mà quốc gia đó đưa tới người dân của mình và cộng đồng quốc tế dựa trên những điểm mạnh và lợi thế của đất nước. Quan trọng hơn không chỉ là lời hứa mà là những chương trình hành động xuyên suốt và mạnh mẽ, giúp mọi người cảm nhận được thấu đáo về sự tồn tại và giá trị của lời hứa đó.
Chính vì vậy, nếu một sản phẩm, một công ty, một con người hay một quốc gia không chủ động đưa ra thông điệp riêng cho mình thì thương hiệu đó sẽ bị méo mó và không đem lại được giá trị, tạo lợi thế cạnh tranh.
Đo lường sức khỏe thương hiệu quốc gia
Câu hỏi được đặt ra là làm sao để đánh giá sức khỏe của các thương hiệu quốc gia? Có rất nhiều cách đánh giá của các tổ chức trên thế giới và mỗi khảo sát đều có điểm mạnh, điểm yếu khác nhau, nhưng đều xoay quanh đánh giá thương hiệu dựa trên hai mấu chốt là kinh tế và xã hội.
Điển hình đầu tiên là Nhật Bản về sự thân thiện với môi trường và biện pháp đối phó Covid-19. Nhật Bản từng được biết đến với phát triển công nghệ vượt bậc, nhưng đi đôi với đó là vấn đề khí thải. Được biết, Nhật Bản hiện đứng thứ 5 trên thế giới về việc xả khí thải ra môi trường với 1,237 triệu m3 khí CO2 mỗi năm (theo Global Carbon Project).
Thấu hiểu tình hình quốc gia, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra chiến lược phát triển bền vững, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường mang tên Tokyo 2020. Chiến lược này đã thành công và giúp Nhật Bản cải thiện chỉ số thân thiện với môi trường và có mức độ tăng trưởng cao nhất về chỉ số này trong năm 2019 (theo FutureBrand Country Index).
Tại Olympic Tokyo 2020, Nhật Bản từng nêu rõ mục tiêu về chỉ số đo lường cho chiến lược giảm thiểu chất thải bằng cách kêu gọi cộng đồng Hydrogen, thực hiện chiến lược 3R (Reduce - giảm rác, Reuse - tái sử dụng, Recycle - tái chế), sử dụng huy chương làm bằng vật liệu tái tạo... đã giúp Nhật Bản tạo được ấn tượng tốt với thế giới và góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia.
Bà Trần Tuệ Tri chia sẻ tại diễn đàn
Ngoài ra, các tập đoàn lớn của Nhật Bản cũng hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ trong việc hạn chế chất thải.
Bên cạnh câu chuyện về việc cải thiện sự thân thiện với môi trường, Nhật Bản còn khiến thế giới phải bất ngờ về khả năng kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của họ. Trong những ngày dịch bệnh bùng phát tại đây, giới chức của Nhật Bản cũng loay hoay tìm cách phản ứng với dịch bệnh như các nước khác. Tuy nhiên, họ đã nhanh chóng tập trung vào giãn cách xã hội, bao phủ vaccine và xét nghiệm trên toàn dân. Đặc biệt, ý thức chấp hành quy định và tự giác bảo vệ bản thân của người dân Nhật Bản đã góp phần không nhỏ trong sự thành công của nước này.
Thứ hai là Israel, hay còn được biết đến với cái tên "quốc gia khởi nghiệp" đã trở thành nước có chỉ số phát triển sản phẩm dịch vụ tăng trưởng cao nhất thế giới trong năm 2019 (theo FutureBrand Country Index). Thành công này đến từ một chiến lược phát triển dài hạn của Israel. Quốc gia này đã thành lập ủy ban xây dựng quốc gia từ 20 năm trước, đồng thời mời gọi những chuyên gia hàng đầu về thương hiệu đến hỗ trợ.
Trong nhiều năm nghiên cứu, Israel nhận ra thế mạnh của họ nằm ở trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học và sáng tạo, từ đó họ tạo dựng một quốc gia có bằng sáng chế trên đầu người cao nhất thế giới. Song song với xây dựng hệ thống giáo dục và y tế tân tiến, Israel tập trung nguồn lực vào nghiên cứu và phát triển khoa học. Họ đầu tư 4,95% GDP cho nghiên cứu và phát triển, tỷ lệ cao nhất thế giới và xây dựng cộng đồng khởi nghiệp. Điều này đã giúp Israel được nhiều "ông lớn" công nghệ để mắt tới. Các công ty như Microsoft, Apple, Amazon, Google, Facebook, Alibaba, Intel, Oracle, Samsung và Baidu đều đã và đang tiến hành các công việc phát triển quan trọng tại Israel.
Kế đến là Singapore về việc nâng cao chất lượng cuộc sống và phục hồi du lịch. Hầu hết thương hiệu quốc gia hàng đầu đều đang ở các thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng về chất lượng cuộc sống. Điển hình như Singapore - quốc gia có chỉ số vốn con người (Human Capital Index - HCI) cao nhất thế giới 0,88. Điều này xuất phát từ việc Singapore tập trung xây dựng tài sản nguồn nhân lực ngay từ khi nền kinh tế nước này ở trong giai đoạn đang phát triển.
Còn nhớ quốc gia này từng rơi vào khủng hoảng trong giai đoạn lập nước vì họ chỉ tập trung vào việc đào tạo phát triển kỹ năng của lao động thấp để phục vụ cho sản xuất. Nhanh chóng nhận thấy được sự cần thiết trong chuyển đổi phát triển kỹ thuật cao, Singapore đã tập trung vào phát triển giáo dục, công nghệ, chất lượng y tế... giúp họ gia tăng chỉ số HCI, đồng thời biến nó thành thế mạnh, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển kinh tế. Có thể nhận thấy, Singapore đã có những bước tiến dài nhờ vào việc phát triển tài sản con người.
Gần đây, Singapore còn gây ấn tượng cho thế giới với chiến dịch Singapoliday với tổng vốn đầu tư lên đến 45 triệu đô la Singapore. Chiến dịch này khuyến khích người dân Singapore khám phá quê hương của họ nhằm thúc đẩy du lịch trong nước. Cả chính phủ và các công ty trong nước đều chung tay hỗ trợ cho chiến dịch này bằng phiếu giảm giá, gói du lịch cho người dân khi đến tham quan các điểm du lịch nổi tiếng trong nước như Garden By The Bay, Universal, cáp treo Sky Pass...
Và Dubai được xem là thành phố dẫn đầu trong công cuộc thúc đẩy du lịch sau khi có kế hoạch kiểm soát Covid-19 hiệu quả. Họ đã thực hiện chiến lược phục hồi với sự phối hợp vô cùng chặt chẽ của chính phủ và các bên liên quan. Họ ưu tiên phục hồi thị trường trong nước vào bước đầu nhằm tạo cơ sở cho việc đón tiếp du khách quốc tế vào tháng 7/2020. Dubai tập trung vào việc mang lại trải nghiệm du lịch đặc biệt cho du khách quốc tế, đồng thời ưu tiên sự an toàn của khách du lịch ở mọi giai đoạn và điểm tiếp xúc của hành trình du lịch của họ, từ khi bắt đầu cho đến kết thúc.
Những chiến lược sáng tạo của Dubai đã đem đến sự phục hồi thần kỳ cho nền du lịch tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), số lượng phòng lưu trú qua đêm của các khách sạn ở mức 16,34 triệu trong 7 tháng đầu năm 2021, so với 10,74 triệu của giai đoạn tương ứng vào năm 2020. Trong giai đoạn này, Dubai đứng thứ hai trên toàn cầu về công suất phòng sau Singapore, trước London và Paris. Tính đến thời điểm hiện tại, Dubai đang giữ vị trí cao nhất trong số 4 điểm đến, tiếp theo là Singapore, Paris và London (theo công ty phân tích quản lý khách sạn STR).
Việt Nam có thể học hỏi một số điểm như nâng cao chất lượng cuộc sống, cụ thể là y tế và giáo dục; đẩy mạnh phát triển bền vững; phục hồi và phát triển du lịch; xây dựng thương hiệu Việt có tầm ảnh hưởng quốc tế. Đây chính là cơ hội vàng cho Việt Nam trong việc phát triển thương hiệu quốc gia để trở thành bệ phóng vững chắc cho doanh nghiệp Việt trong tương lai.
() Giám đốc Thương hiệu AVSE Global
https://doanhnhansaigon.vn/thoi-su-trong-nuoc/thuong-hieu-quoc-gia-tang-suc-canh-tranh-cho-doanh-nghiep-viet-1110799.html
- Vụ rơi trực thăng: Lần du lịch cuối và chuyến bay định mệnh
- Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các cơ quan báo chí tại TP. HCM
- Chủ tịch nước chủ trì hội nghị góp ý vào Dự thảo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền
- Bộ GTVT trình Quốc hội 3 dự án cao tốc hơn 84.000 tỷ đồng
- Buộc thôi việc Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc
- Chủ tịch Quốc hội: Không được “đụng” nguồn cải cách tiền lương để làm đường
- Xem xét kỷ luật các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long liên quan vụ Việt Á
- Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thăm Việt Nam