Tiềm ẩn rủi ro khi dùng dịch vụ chứng thực chữ ký số của đơn vị không phép
Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ TT&TT) khuyến nghị các cá nhân, tổ chức tránh dùng dịch vụ chứng thực chữ ký số của các doanh nghiệp chưa được cấp phép để hạn chế nguy cơ, rủi ro có thể gặp phải.
Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia - NEAC, đơn vị trực thuộc Bộ TT&TT vừa khuyến cáo người dùng về việc sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số của tổ chức không được cấp phép.
Cơ quan này cho hay, thời gian gần đây, đã nhận được nhiều phản ánh từ một số doanh nghiệp về việc sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của Công ty cổ phần công nghệ số VINCA.
Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia khẳng định, Công ty VINCA hoạt động kinh doanh dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng mà không được Bộ TT&TT cấp phép, quản lý và giám sát theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng là loại hình dịch vụ kinh doanh có điều kiện. Để được kinh doanh, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện tại Điều 13 của Nghị định 130 năm 2018 và phải được Bộ TT&TT thẩm định, cấp phép.
Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ TT&TT) cho biết, Công ty cổ phần công nghệ số VINCA hiện chưa được cấp phép để cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Ảnh minh họa: legalzoom.com
Đến thời điểm hiện tại, đã có 25 tổ chức, doanh nghiệp được Bộ TT&TT cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Danh sách các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng được Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia công bố trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị tại địa chỉ neac.gov.vn. Theo danh sách này, Công ty cổ phần công nghệ số VINCA hiện chưa được cấp phép để cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.
Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia nhấn mạnh: Việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp chưa được cấp phép tiềm ẩn nhiều rủi ro thiệt hại về vật chất và pháp lý. Do đó, Trung tâm khuyến nghị các cá nhân, tổ chức cần thận trọng khi lựa chọn sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, tránh sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp chưa được cấp phép để hạn chế tối đa những nguy cơ, rủi ro mà người dùng có thể gặp phải.
Thống kê của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia cho thấy, tính đến cuối năm ngoái, trên toàn quốc, tổng số chứng thư số đã được các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng cấp cho các cá nhân, tổ chức đạt gần 7,9 triệu. Trong đó, chứng thư số đang hoạt động là gần 2,9 triệu, tăng 98,53% so với cùng kỳ năm 2022. Các lĩnh vực ứng dụng chính dịch vụ chứng thực chữ ký số hiện nay gồm có thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội…
Thị phần dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của các nhà cung cấp dịch vụ này trong năm 2023. Ảnh: NEAC
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng triển khai kinh doanh qua hệ thống đại lý và bán hàng trực tiếp. VNPT-CA và Viettel-CA là 2 nhà cung cấp có mạng lưới bán hàng trên toàn quốc.
Cũng theo số liệu thống kê của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia đến cuối năm 2023, VNPT-CA và Viettel-CA tiếp tục phát triển và duy trì thị phần lớn nhất, chiếm hơn 64,18% thị trường; 4 đơn vị khác là BkavCA, FastCA, LCS-CA, MISA-CA có thị phần khoảng 16,1 %; 3 nhà cung cấp gồm EasyCA, FPT-CA, CA2 chiếm 8,03%, còn 16 CA công cộng đạt 11,69% thị phần.
Năm 2023, Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia đã lần đầu tiên công bố kết quả khảo sát, đánh giá chất lượng dịch vụ các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Theo đó, VNPT-CA, Viettel-CA, CA2, FPT-CA và MISA-CA là 5 doanh nghiệp được trao danh hiệu ‘Top 5 CA có chất lượng dịch vụ tốt nhất năm 2023’.
- Indonesia: Apple đã rót hơn 15 tỷ USD vào sản xuất tại Việt Nam
- Chuyển đổi số để phát triển quận Bắc Từ Liêm xứng tầm
- OpenAI nhắm đến hai địa hạt thống trị của Google
- OpenAI chi bao nhiêu để mua nội dung đào tạo ChatGPT?
- OpenAI nhắm đến hai địa hạt thống trị của Google
- Doanh nghiệp Việt loay hoay tăng thu giảm chi bằng chuyển đổi số
- Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số
- Điện thoại Trung Quốc thách thức Samsung, Apple tại châu Âu
- Khóa tài khoản, xóa nội dung vi phạm trên Internet là kịp thời, cần thiết