"Tiền quả thực khó kiếm!"
Ngày hôm qua, một người bạn đã nhắn tin với tôi như vậy khi đang bị "kẹp hàng" vì đầu tư vào cổ phiếu nhưng trong chuỗi giảm sàn triền miên không thể bán ra.
Vào khoảng 2 tháng trước đó, cũng người bạn đó nói với tôi: "Việc kiếm tiền trên thị trường chứng khoán thật dễ dàng, kênh chứng khoán là kênh ăn nên làm ra nhất hiện nay". Bạn tôi khoe đã kiếm "ngon ơ" gần 100 triệu đồng chỉ từ số vốn 130 triệu trong 3 tháng.
Quả đúng là với khả năng sinh lợi tốt, chứng khoán đã giúp nhiều nhà đầu tư tăng mạnh tài sản thời gian qua. Thậm chí, đây còn là kênh thu nhập thêm để các ông chủ doanh nghiệp để chi trả lương, thưởng cho nhân viên trong điều kiện cơ sở kinh doanh hoạt động khó khăn vì Covid-19.
Tương tự, bất động sản cũng là "cửa sáng" để nhiều người làm giàu. Bất động sản thường cần nhiều vốn hơn các kênh đầu tư khác cũng như cần dành nhiều thời gian để đi khảo sát, tìm hiểu tận nơi. Tuy nhiên, ngay cả khi không có nhiều vốn thì cũng không hẳn không có cách.
Tôi thấy rất nhiều người quen của mình góp tiền cùng mua đất, huy động nguồn từ bà con, bạn bè. Đầu tư cổ phiếu thì vay ký quỹ từ công ty chứng khoán với tỷ lệ tối đa (full margin). Nhờ đó, lãi kiếm được rất nhanh, tạo nên thứ gọi là "lãi kép", lãi ngay trên tiền đi vay.
Chính vì tiền kiếm có vẻ nhanh và dễ dàng nên nhiều người mải miết chạy theo "cổ phiếu nóng" hoặc nghe nơi nào có đất là đặt cọc, "bắt lướt".
Vậy nhưng, cuộc sống vốn chẳng bao giờ đi theo một đường thẳng. Sự thuận lợi của thị trường không kéo dài mãi.
Hiệu ứng "fomo" (chạy theo đám đông vì sợ mất phần) đã khiến nhiều nhà đầu tư phải trả giá. Hàng loạt tin xấu dồn dập xảy đến trong thời gian vừa qua, từ vụ việc ông chủ Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc cho đến việc đại gia Trịnh Văn Quyết bị xử lý vì bán cổ phiếu mà không công bố thông tin (bán chui cổ phiếu). Theo đó, thị trường cổ phiếu thì bị bán tháo ồ ạt.
Nhà đầu tư như "đàn ong vỡ tổ", bán tống bán tháo bất kể cổ phiếu nào để trả tiền vay cho công ty chứng khoán. Cơn ác mộng "call margin chéo" do có nhiều cổ phiếu rơi vào tình trạng giảm sàn và mất thanh khoản, công ty chứng khoán phải bán sang các cổ phiếu khác để thu tiền nợ về. Điều này càng khiến thị trường lao đao.
Còn trên thị trường đất nền, có những khu vực giá vẫn cao chót vót nhưng không có người mua. Người ôm đất bằng tiền đi vay mượn giờ lòng như lửa đốt.
Từ chỗ lãi lớn, nhiều người lo mất tết vì sự biến động trên thị trường tài sản. Đa số phải thừa nhận rằng, đầu tư trong thị trường "uptrend" (thị trường tăng giá) có vẻ rất dễ, có khi mua bất kỳ một cổ phiếu, một mảnh đất nào cũng đều bán được với giá hời và lãi cao, nhưng khi thị trường điều chỉnh thì mới thấy việc quản trị rủi ro vô cùng quan trọng. Điều đó cần kiến thức và cả kỹ năng.
Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp, một người đã gắn bó với thị trường hàng chục năm, đã nói với người viết rằng: Có thể sau đợt sóng gió này, sẽ những người lựa chọn rời bỏ, có người ở lại, nhưng sau tất cả thì chúng ta đều rút ra được bài học lớn cho bản thân mình, rằng: "Để thắng được thị trường không dễ, phải tìm hiểu thị trường và cần chuẩn bị rất nhiều kiến thức".
Thực tế, đầu tư chứng khoán là bộ môn khó, cần học hỏi và rút kinh nghiệm rất nhiều trong cuộc sống. Ngay cả những nhà đầu tư kinh nghiệm cũng không phải không có lúc thất bại.
Còn với những nhà đầu cơ, dù ở thị trường nào (cổ phiếu hay bất động sản), có lẽ rằng, đến lúc này chúng ta đều thấm thía câu nói của huyền thoại Warren Buffett: "Hãy biết sợ hãi khi người khác tham lam".
Quan trọng hơn cả việc kiếm được tiền từ thị trường chính là đừng để thua lỗ, nếu thua lỗ cũng không cho phép lỗ quá lớn mà ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân cũng như gia đình.
Đương nhiên, thành bại của một nhà đầu tư còn phụ thuộc vào cả sự minh bạch trên thị trường, và đó là điều mà các cơ quan quản lý cần và buộc phải làm được nếu muốn giữ chân nhà đầu tư cũng như muốn thị trường chứng khoán chúng ta sớm được nâng hạng.
Nguồn Dân Trí
https://dantri.com.vn/blog/tien-qua-thuc-kho-kiem-20220119060130791.htm
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm