Tiền sử dụng đất của người dân tăng 'sốc', TPHCM chưa thẩm định giá đất mới
Nếu TPHCM áp dụng bảng giá đất mới, với một số trường hợp, tiền sử dụng đất của người dân phải nộp tăng cả chục lần so với giá đất hiện hành. Hiện dự thảo quyết định điều chỉnh bảng giá đất vẫn chưa được thẩm định.
Tiền sử dụng đất phải nộp tăng chục lần
Liên quan đến dự thảo quyết định điều chỉnh bảng giá đất năm 2020 được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM soạn thảo và lấy ý kiến, Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị chưa nên ban hành và áp dụng từ ngày 1/8.
Theo HoREA, cơ quan soạn thảo nên tập trung xây dựng bảng giá đất để áp dụng từ ngày 1/1/2026, bởi khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai năm 2024 có quy định bảng giá đất ban hành theo luật cũ được tiếp tục áp dụng đến ngày 31/12/2025.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA, cho rằng cơ quan soạn thảo dự thảo nên “đặt mình vào hoàn cảnh của người dân để thấy rõ vì sao tại thời điểm này chưa nên điều chỉnh bảng giá đất".
Chủ tịch HoREA lấy ví dụ về một số trường hợp người dân có nhu cầu xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (giấy chứng nhận) chịu ảnh hưởng khi áp dụng bảng giá đất mới.
Theo bảng giá đất sắp điều chỉnh, đất ở trên đường Nguyễn Huệ có giá 810 triệu đồng/m2. Ảnh: Ngọc Thanh
Như ông A. tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận cho căn nhà đã xây trên thửa đất 100m2 tiếp giáp đường Nguyễn Văn Linh. Thửa đất này có nguồn gốc là đất nông nghiệp, xét theo vị trí 1 là 200.000 đồng/m2 và đơn giá 6,8 triệu đồng/m2 theo bảng giá đất năm 2020.
Nếu tính theo giá đất hiện hành, ông A. phải nộp 660 triệu đồng. Trong khi đó, nếu tính theo bảng giá đất sắp điều chỉnh, số tiền sử dụng đất ông A. phải nộp lên đến 6,18 tỷ đồng, gấp gần chục lần so với giá cũ.
Về chuyển mục đích sử dụng đất, ông Châu lấy ví dụ bà B. có quyền sử dụng thửa đất 200m2 tiếp giáp đường Nguyễn Văn Linh, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Do trước đây không có khả năng nên bà B. chỉ xin cấp giấy chứng nhận cho diện tích 100m2 đất ở đã xây dựng nhà, còn 100m2 đất còn lại là đất trồng cây nông nghiệp ngắn ngày.
Nay bà B. có nhu cầu làm hồ sơ chuyển mục đích đối với 100m2 còn lại sang đất ở. Tương tự như trường hợp ông A. nói trên, bà B. sẽ phải nộp tiền sử dụng đất lên đến 6,18 tỷ đồng nếu áp dụng bảng giá đất mới. Với giá đất hiện hành, bà B. chỉ phải nộp 660 triệu đồng.
Theo Chủ tịch HoREA, trường hợp người dân tách thửa đất nông nghiệp đồng thời chuyển mục đích sử dụng sang đất ở cũng sẽ bị ảnh hưởng khi áp dụng bảng giá đất mới.
Ví dụ, ông C. làm hồ sơ xin tách thửa 1.000m2 đất nông nghiệp liền kề với thửa đất ở của gia đình ông thành 5 thửa đất nhỏ hơn. Đồng thời, ông C. xin chuyển mục đích sử dụng 5 thửa đất này sang đất ở. Vị trí thửa đất nằm tiếp giáp với đường Nguyễn Văn Linh, thuộc khu dân cư ổn định tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.
Nếu tính theo giá đất hiện hành, tiền sử dụng đất ông C. phải nộp cho 5 thửa đất là 6,6 tỷ đồng. Bởi thửa đất tại vị trí 1 có giá 200.000 đồng/m2 và giá đất nông nghiệp đường Nguyễn Văn Linh là 6,8 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, với bảng giá đất sắp điều chỉnh, ông C. phải nộp tiền sử dụng đất đến 61,8 tỷ đồng. Vì thửa đất tại vị trí 1 có giá 3,2 triệu đồng/m2 và giá đất nông nghiệp trục đường Nguyễn Văn Linh là 65 triệu đồng/m2.
“Nếu các hộ dân như nói trên được lựa chọn số tiền sử dụng đất phải nộp, tôi nghĩ họ sẽ chọn nộp theo bảng giá đất hiện hành để phù hợp với khả năng tài chính hơn. Tại thời điểm này, chưa thật cần thiết để điều chỉnh bảng giá đất, nên tiếp tục áp dụng bảng giá đất hiện hành để người dân có đủ thời gian làm thủ tục, giảm bớt áp lực tài chính”, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.
Dự thảo điều chỉnh giá đất chưa được thẩm định
Theo thông tin của VietNamNet, đến nay, dự thảo quyết định điều chỉnh bảng giá đất năm 2020 vẫn chưa được Hội đồng Thẩm định bảng giá đất TPHCM thẩm định và thông qua.
Về trình tự, sau khi Sở TN-MT hoàn tất lấy ý kiến các sở, ngành và tổ chức liên quan, dự thảo sẽ được trình Hội đồng Thẩm định bảng giá đất TPHCM và Sở Tư pháp thẩm định. Cùng với đó, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam TPHCM cũng cho ý kiến thống nhất.
Trên cơ sở đó, Sở TN-MT sẽ trình dự thảo quyết định điều chỉnh bảng giá đất để UBND TPHCM xem xét, trình HĐND Thành phố thông qua.
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, thông tin về trình tự xây dựng dự thảo quyết định điều chỉnh bảng giá đất năm 2020. Ảnh: Anh Phương
Tại buổi họp báo vào chiều 29/7, ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết dự thảo quyết định điều chỉnh giá đất được cơ quan này soạn thảo và lấy ý kiến theo quy trình rút gọn 9 ngày.
Theo ông Thắng, nếu được thông qua, TPHCM sẽ áp dụng bảng giá đất mới từ ngày 1/8 đến hết năm 2024. Sau đó, TPHCM sẽ có đánh giá và điều chỉnh để tiếp tục ban hành bảng giá đất áp dụng cho năm 2025.
Giá đất sắp điều chỉnh vẫn chưa bằng giá giao dịch trên thị trường. Dữ liệu đầu vào được thu thập từ các chi cục thuế và các văn phòng đăng ký đất đai, từ đó đơn vị tư vấn cân chỉnh lại cho phù hợp.
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 28/11/2024: Ồ ạt tăng lãi suất huy động
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 27/11/2024: Thêm ngân hàng tăng mạnh lãi huy động
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 25/11/2024: Thêm ngân hàng tăng lần 2 trong tháng
- Chuyển sang xe điện để giảm ô nhiễm không khí, Việt Nam sẽ tiết kiệm 6,5 tỷ USD
- Từ hôm nay 23/11, lãi suất huy động cao nhất tăng lên 6,4%/năm
- Từ hôm nay 23/11, lãi suất huy động cao nhất tăng lên 6,4%/năm
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 22/11/2024: Kỳ hạn 6 tháng ngân hàng nào cao nhất?
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 21/11/2024: Loạt nhà băng trả lãi suất huy động từ 6%
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 20/11/2024: Tăng mạnh kỳ hạn dưới 6 tháng