Tiếp tục phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo
Sáng ngày 30/7, tại Trà Vinh, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Phát huy vai trò của người có uy tín, các chức sắc, chức việc các tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi' khu vực miền Nam.
Đại biểu tham dự hội thảo.
Hội thảo nhằm đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm và tham vấn các giải pháp phát huy vai trò của người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo trong tuyên truyền, vận động người dân, hội viên, phụ nữ tích cực tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.
Tham dự hội thảo còn có các đồng chí: Cao Hồng Hưng, Phó Vụ trưởng cơ quan Thường trực Ban Dân vận Trung ương tại Thành phố Hồ Chí Minh; PGS.TS. Đặng Thị Hoa, quyền Viện trưởng Viện Tâm lý, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Lê Ngọc Thắng, Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc và Thời đại; TS. Lê Thị Liên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ - Bộ Nội vụ; Thạch Dư, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Kim Rương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Ban Dân vận Tỉnh ủy; Kiên Thị Minh Nguyệt, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trà Vinh; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh; lãnh đạo Hội LHPN các tỉnh, thành khu vực miền Nam; đại diện cấp ủy, chính quyền, người có uy tín huyện Tiểu Cần, Châu Thành và thành phố Trà Vinh; đại diện Hội LHPN cơ sở; người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo, các cá nhân tiêu biểu trong cộng đồng có những sáng kiến, giải pháp tuyên truyền, vận động hiệu quả trong thúc đẩy bình đẳng giới tại 14 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện phát biểu tại hội thảo.
05 năm qua, Hội LHPN các cấp đã bồi dưỡng và xây dựng được 3.035 người có uy tín là hội viên nòng cốt, chi hội trưởng, tổ trưởng phụ nữ tại địa bàn DTTS và vùng có đông tín đồ tôn giáo. Đến nay, các cấp Hội tổ chức tập huấn, truyền thông, cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng về thúc đẩy bình đẳng giới cho 13.120 lượt người có uy tín vùng đồng bào DTTS, vùng có đông tín đồ tôn giáo.
Đồng chí Thạch Mu Ni, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh chia sẻ về công tác quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng đội ngũ người có uy tín, chức sắc, chức việc, giải pháp phát huy vai trò của người có uy tín trong xây dựng nếp sống mới và đoàn kết các dân tộc, tôn giáo tại địa phương.
Các cấp Hội phụ nữ địa phương trong cả nước đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, tranh thủ được kinh nghiệm, sự am hiểu địa bàn, đối tượng, am hiểu văn hóa, lễ nghi của các dân tộc, các tôn giáo và đặc biệt là uy tín của các vị già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, các vị chức sắc, chức việc các tôn giáo và các cá nhân tiêu biểu khác để vận động người dân trong cộng đồng tích cực tham gia thực hiện các chương trình, phong trào Hội.
PGS.TS. Lê Ngọc Thắng, Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc và Thời đại trình bày tham luận với chủ đề: “Tư tưởng Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng về phát huy vai trò của người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo trong vận động quần chúng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, công bằng xã hội, trong đó có bình đẳng giới”.
Trong đó trọng tâm là cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “5 có 3 sạch”, phong trào “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” và Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Trà Vinh là tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long, dân số trên 01 triệu người (dân tộc Khmer chiếm trên 31% dân số, dân tộc Hoa chiếm 0,66% và dân tộc khác chiếm 0,05%). Là tỉnh có đông đồng bào theo các tôn giáo với trên 4.300 chức sắc, chức việc nhà tu hành và trên 596.000 tín đồ, chiếm 59,1% dân số toàn tỉnh.
Năm 2024, Trà Vinh công nhận 385 người có uy tín trong đồng bào DTTS, đại diện đầy đủ các thành phần như chức sắc, chức việc các tôn giáo, người sản xuất giỏi… của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Thượng tọa Kim Mạnh, Trụ trì chùa Kompong Đôn, ấp Ô Đùng, xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần chia sẻ về công tác tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS tại địa phương.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các địa phương chia sẻ kinh nghiệm về phát huy vai trò của người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo trong tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS và miền núi; tọa đàm, giao lưu với đại diện người có uy tín, chức sắc tôn giáo tiêu biểu trong tuyên truyền, vận động thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS và miền núi ở các tỉnh trong khu vực.
TS. Lê Thị Liên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ trình bày tham luận “Phát huy vai trò của chức sắc và nhà tu hành tôn giáo trong tuyên truyền, vận động người dân, trong đó có phụ nữ, không bị lợi dụng kích động tham gia các hoạt động gây mất ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn Tây Nam Bộ”.
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội DTTS Việt Nam tiếp thu các ý kiến, tham vấn, đề xuất của đại biểu. Đồng thời, đề nghị các cấp Hội nhận thức rõ việc phát huy vai trò của người có uy tín đồng hành cùng với tổ chức Hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ công tác.
Đồng chí Lê Thị Thái Thanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Phước chia sẻ về cách thức lựa chọn, bồi dưỡng và phát huy vai trò của hội viên nòng cốt dân tộc, tôn giáo trong tham gia các hoạt động của Hội nhằm thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền, vận động, thu hút, tập hợp hội viên phụ nữ dân tộc, phụ nữ theo tôn giáo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi là một nhiệm vụ quan trọng; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của người có uy tín; tạo điều kiện cho người có uy tín được tham gia góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết của nhân dân và phụ nữ, trẻ em vùng DTTS và miền núi…
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu kết luận hội thảo.
Tin, ảnh: HỒNG NHUNG
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay