Tiểu đoàn nữ Lê Thị Hồng Gấm và bài ca vọng mãi
- Gần nửa thế kỷ trước, hơn 300 cô gái quê lụa Hà Tây (Hà Nội ngày nay) đã tình nguyện lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc, tham gia vào Tiểu đoàn nữ Lê Thị Hồng Gấm (hiện trực thuộc Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn Hà Nội). Họ đã cống hiến một phần tuổi thanh xuân để viết nên những bài ca vọng mãi giữa đại ngàn Trường Sơn. Giờ đây, dù cuộc sống còn nhiều lo toan, những chiến sĩ năm xưa luôn lưu giữ biết bao ký ức của tuổi đôi mươi và tiếp tục cống hiến cho cộng đồng.
Các cựu chiến binh Tiểu đoàn nữ Lê Thị Hồng Gấm trong buổi gặp mặt Xuân Nhâm Dần 2022.
Ký ức một thời
Năm 1973, hơn 300 cô gái của 14 huyện ở tỉnh Hà Tây đã tham gia Tiểu đoàn nữ Lê Thị Hồng Gấm, hành quân vào bổ sung lực lượng cho các binh trạm, trung đoàn, sư đoàn của Trường Sơn. Những năm tháng ấy, mãi vẫn còn in dấu trong lòng bà Đoàn Thị Chiến, Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn nữ Lê Thị Hồng Gấm. “Chúng tôi đa phần là những thiếu nữ mười tám, đôi mươi, tình nguyện ra chiến trường, tham gia mở đường Trường Sơn, góp phần giải phóng miền Nam. Chúng tôi có mặt tại nhiều trọng điểm ác liệt trên tuyến đường, từ Hướng Hóa (Quảng Trị) vào Quảng Nam, Đà Nẵng. Mỗi người đến từ một miền quê, nhưng yêu thương nhau như chị em trong nhà”, bà Chiến bồi hồi nhớ lại.
Lên đường tham gia Tiểu đoàn nữ Lê Thị Hồng Gấm khi vừa mới 19 tuổi, bà Nguyễn Thị Tùy (huyện Ứng Hòa) vẫn ánh lên niềm vui khi nhắc lại kỷ niệm. “Ngày đó, chúng tôi vô cùng háo hức khi được tham gia Tiểu đoàn nữ Lê Thị Hồng Gấm. Vào tới nơi đóng quân, nhìn thấy cả cánh rừng trơ trụi, cỏ cây chết khô; đất, nguồn nước bị ô nhiễm do Mỹ rải chất độc hóa học, nhưng binh trạm luôn đầy ắp tiếng cười”, bà Tùy chậm rãi kể.
Được phân vào đơn vị nuôi quân của Trung đoàn 8, Sư đoàn 472, cô gái Nguyễn Thị Hậu (huyện Quốc Oai) vô cùng phấn khởi. Nhớ lại những tháng ngày gian khổ nhưng cũng đầy sôi nổi, cống hiến hết mình, bà Hậu kể: “Bữa ăn hằng ngày của chúng tôi thường xuyên thiếu rau xanh, nhiều hôm phải ăn gạo mốc, gạo mục. Mỗi khi đi tìm rau rừng, phải mang theo một con dao để đánh dấu không sẽ lạc đường. Có hôm còn gặp nước lũ, không về đơn vị được. Muôn vàn khó khăn là thế, song không bao giờ chúng tôi nản chí, đồng cam cộng khổ, cùng chia sẻ ngọt bùi, động viên nhau khắc phục, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ”.
Trong những năm tháng tham gia chiến dịch mở đường Trường Sơn, 6 cô gái của Tiểu đoàn đã mãi mãi để lại tuổi thanh xuân ở đại ngàn. Nghẹn ngào khi kể lại kỷ niệm không bao giờ nguôi quên, bà Lưu Thị Loan khi đó làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội 5, Trung đoàn 35, Sư đoàn 472 chia sẻ: “Trong một lần san mở đường thần tốc, 7 đồng đội của tôi đã hy sinh, trong đó có 6 chị em của Tiểu đoàn. Buổi trưa chúng tôi vẫn còn ăn cơm với nhau, còn mời nhau về nhà chơi sau khi giải phóng. Không ngờ chỉ vài tiếng sau đã không còn gặp lại…”.
Nhưng sự mất mát, đau thương như tiếp thêm tinh thần chiến đấu để những nữ thanh niên tiếp tục hăng say lao động, mở đường cho đại thắng mùa Xuân năm 1975. Giải phóng đất nước, hoàn thành nhiệm vụ, các cô gái Tiểu đoàn nữ Lê Thị Hồng Gấm một số đi học trung cấp, đại học, một số trở về địa phương tiếp tục tham gia lao động, sản xuất…
Tiếp nối những năm tháng cống hiến
Đã từng sinh tử có nhau nơi Trường Sơn năm xưa, giờ đây những nữ thanh niên ngày ấy vẫn luôn nhớ về đồng đội, dành cho nhau tình cảm ấm nồng. Khi biết được cuộc sống vất vả của đồng đội, nhiều người dù còn khó khăn, nhưng vẫn quyên góp tiền bạc, thăm hỏi và động viên, chia sẻ. Ban liên lạc Tiểu đoàn nữ Lê Thị Hồng Gấm Hà Tây đã được thành lập từ năm 1998, để có một nơi kết nối những đồng đội cũ. Là Trưởng ban liên lạc nên bà Đoàn Thị Chiến nắm rất rõ tình hình đời sống của chị em. Bà Chiến cho biết: “Hằng năm, chúng tôi tổ chức gặp mặt vào Ngày truyền thống của Tiểu đoàn 23-8. Tiểu đoàn giờ người còn, người mất. Trong hơn 200 hội viên, hiện nay có 20 thương binh, hơn 50% hội viên đã được hưởng chế độ trợ cấp chất độc da cam/dioxin, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Các chị em vẫn như những năm tháng thanh xuân, cùng nhau đùm bọc, sẻ chia lúc ốm đau, hoạn nạn”.
Những cô gái Tiểu đoàn nữ Lê Thị Hồng Gấm năm xưa giờ đây đều đã tóc bạc, da mồi nhưng mỗi dịp được gặp gỡ, ngồi bên nhau họ vẫn tươi cười hồn nhiên như thuở đôi mươi. Mỗi người có một hoàn cảnh sống, nhưng điểm chung là sức chịu đựng, đức hy sinh, sự lạc quan, không ngại nhận phần khó về mình, tiếp tục cống hiến cho cộng đồng.
Dù rằng tuổi cao, sức khỏe giảm sút, lại mang trong mình bệnh thoái hóa khớp 10 năm nay, nhưng bà Lưu Thị Loan đang làm nhiệm vụ của Trưởng khu tập thể Cao đẳng xây dựng số 1 (phường Văn Quán, quận Hà Đông), phụ trách 80 hộ dân.
“Để người dân, chính quyền tin tưởng, bản thân mình phải gương mẫu, đi đầu trong các phong trào. Hiện tôi đang tham gia tổ Covid-19 cộng đồng, hỗ trợ các F0 điều trị tại nhà; trực tiếp rà soát danh sách tiêm vắc xin để nhắc nhở người dân hoàn thành đúng thời gian”.
Cũng mang trên mình nhiều bệnh, nhưng dường như tinh thần lạc quan yêu đời, không khuất phục trước hoàn cảnh đã tiếp thêm sức mạnh cho bà Nguyễn Thị Hậu. Về nghỉ hưu từ năm 2005, bà Hậu giữ nhiều vị trí công tác tại địa phương và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hiện nay, bà Hậu vẫn đảm trách vai trò Chủ tịch Hội Da cam phường Yết Kiêu (quận Hà Đông), Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 5 hơn 3 năm qua. Ba năm liền Chi bộ tổ dân phố số 5 luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bà Hậu còn làm tốt công tác vận động gây quỹ để chăm sóc nạn nhân bị ảnh hưởng chất da cam/dioxin, nhất là trong đợt dịch Covid-19 vừa qua.
Còn bà Đoàn Thị Chiến, không chỉ chăm lo cho hội viên của mình, khi về hưu, được học thêm nghề y, bà làm y tá Ban chăm sóc sức khỏe cộng đồng tổ dân phố số 2, phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông), hỗ trợ tích cực lực lượng y tế cơ sở chống dịch Covid-19 những ngày này.
Vượt lên tất cả, những nữ thanh niên của Tiểu đoàn nữ Lê Thị Hồng Gấm ngày ấy vẫn luôn tự hào về một thời tuổi trẻ đã cống hiến cho Tổ quốc. Họ chính là biểu tượng của tinh thần yêu nước và ý chí sắt đá, kiên trung không bao giờ khuất phục kẻ thù của người phụ nữ Việt Nam. Khi được hỏi lý do nào khiến các bà vẫn hăng say làm công tác xã hội, bà Hậu nói: “Chúng tôi là đảng viên, lại từng tham gia chiến trường, nên nghĩ rằng mình cứ làm hết mình vì nhân dân, như những năm tháng tuổi trẻ đã từng cống hiến”.
Mặc dù vậy, bà Chiến, bà Hậu cũng như các thành viên trong Ban liên lạc vẫn đau đáu nỗi niềm về những người đồng đội. “Chúng tôi mong mỏi các cấp lãnh đạo quan tâm, giải quyết cho những đồng đội chưa được hưởng chế độ chất độc da cam. “Cùng ăn một nồi, cùng ngủ một giường”, mà người làm được, người chưa thì chúng tôi vô cùng áy náy”, bà Chiến nói thêm.
Hy vọng mong mỏi của những chiến sĩ Tiểu đoàn nữ Lê Thị Hồng Gấm sẽ được xem xét, để bài ca về những “cô gái mở đường” Trường Sơn dũng cảm, kiên cường sẽ vang mãi trong trái tim của thế hệ trẻ hôm nay.
- Thủ tướng Chính phủ đồng ý nghỉ 9 ngày liên tục trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Cháy rừng ở Sóc Sơn ngày càng khó kiểm soát
- Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng - “Sắc hoa trên miền di sản”
- Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine do căng thẳng leo thang
- Trách nhiệm, đồng lòng chống lãng phí
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3