Tiêu dùng trong tuần (từ 6-12/6/2022): Rau xanh tiếp tục tăng giá vì nguồn cung khan hiếm
Giá cả thị trường trong tuần này: Giá vàng, rau xanh, gà đồng loạt tăng mạnh; trong khi nhiều loại trái cây rớt giá thê thảm.
Giá vàng, rau xanh, gà đồng loạt tăng mạnh; trong khi nhiều loại trái cây rớt giá. Ảnh minh họa
Giá vàng tăng mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng 1.871 USD/ounce, tăng 23 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Tính chung, trong tuần giá vàng thế giới đã tăng 18 USD/ounce so với giá mở cửa tuần và tăng 20 USD so với chốt phiên cuối tuần trước.
Giá vàng thế giới tăng mạnh là do, Bộ Lao động Mỹ vừa công bố CPI của quốc gia này tăng mạnh 8,6% trong tháng 5, mức cao nhất kể từ tháng 12/1981 trở lại đây, cao hơn mức dự báo trước đó 8,3%. So với tháng Tư, chỉ số CPI tăng 1% và CPI lõi tăng 0,6%, cả 2 con số này đều vượt dự báo. Bộ Lao động Mỹ đã phân tích những hàng hóa, dịch vụ đẩy lạm phát tại Mỹ tăng cao đó là giá xăng dầu, chi phí nhà ở, thực phẩm.
CPI tăng mạnh đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc ở cả 3 chỉ số chính. Trong đó, Dow Jones giảm mạnh 2,73%. Ngược lại, vàng và đồng USD lại tăng mạnh. Vào lúc 8 giờ sáng nay (giờ Hà Nội), chỉ số Dollar-Index tăng mạnh 0,94% lên mức 104.190 điểm.
Thông thường, đồng USD tăng mạnh sẽ đẩy giá vàng giảm sâu. Tuy nhiên, tại thời điểm này, khi CPI tăng mạnh, dự báo vào phiên họp ngày 15/6 tới đây, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng mạnh lãi suất cao hơn bình thường 0,5%. Do đó, các nhà đầu tư kỳ vọng đồng USD tiếp tục mạnh lên và họ gom vào.
Mặt khác, giới đầu tư cũng lo lắng lạm phát cao, đẩy nền kinh tế Mỹ dễ rơi vào thời kỳ suy giảm, do đó, một lượng tiền đã đưa vào mua kim loại quý để phòng ngừa rủi ro, đẩy giá vàng tăng cao.
Chuyên gia dự báo, rủi ro đối với nền kinh tế Mỹ vẫn có thể xảy ra nếu Chính phủ của ông Biden không nhanh chóng thực hiện các biện pháp hạ “nhiệt” lạm phát. Tuy nhiên, chuyên gia cũng cảnh báo, Mỹ đang xem xét dỡ bỏ thuế quan đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Cùng với đó, Mỹ đã dỡ bỏ dần các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, mở cửa đón khách du lịch. Đây là những tín hiệu tích cực cho kinh tế Mỹ. Nếu những biện pháp này được thực hiện thì kinh tế Mỹ khó rơi vào suy thoái. Điều này sẽ đẩy giá vàng chìm sâu.
Trong nước, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 68,75 - 69,65 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch mua - bán trong khoảng 68,75 – 69,67 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều tăng mạnh 200.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua. Chênh lệch mua - bán là 900.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 68,75 – 69,55 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 150.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý 68,75 - 69,62 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng mạnh 220.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 870.000 đồng/lượng.
Trong tuần qua, giá vàng trong nước cơ bản đi theo xu hướng thế giới. Tuy nhiên, biên độ điều chỉnh của vàng trong nước không quá mạnh như vàng thế giới.
Tính chung, trong tuần, giá vàng SJC trên thị trường tăng 200.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji tăng 150.000 đồng/lượng và tại Phú Quý tăng khoảng 170.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Rau xanh về chợ khan hiếm, giá tiếp tục tăng cao
Ghi nhận tại một số chợ dân sinh trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, giá rau xanh hiện tại đang tăng cao. Cụ thể, giá các loại rau muống, mồng tơi, ngót, cải… đều chung mức giá từ 15.000 - 20.000 đồng/bó tùy kích thước, tăng gấp 2 lần.
Các loại rau mùa hè dù đang chính vụ như cải xoong từ 10.000 đồng/mớ lên 25.000 đồng/mớ; rau cần 8.000 đồng/mớ tăng lên 15.000 đồng/mớ, xà lách 18.000 đồng/kg tăng lên 45.000 đồng/kg, cà chua từ 10.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg...
Bà Nguyễn Thị Ba, kinh doanh rau xanh tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, tuần trước sau trận mưa “Hà Nội thành sông” nguồn cung không có nhiều.
“Sau trận mưa gây ngập úng, nắng lên làm tăng nhiệt độ khiến rau xanh bị thối hỏng. Tại các chợ đầu mối, tiểu thương tranh nhau mua vì khan hàng. Tôi lùng sục tất cả các vùng trồng rau ở Hà Nội, mỗi chỗ được một ít. Nếu cứ tiếp tục như thế này trong 15 ngày nữa thì khả năng không có rau để bán”, bà Ba kể.
Ngoài lượng hàng giảm, giá rau xanh tại các chợ đầu mối quá cao cũng khiến nhiều tiểu thương rất khó bán hàng.
“Giá các loại rau củ tăng gấp 2-3 lần so với trước. Nhập buôn một bó rau muống, rau ngót cũng đã 12.000 đồng/mớ nên rất khó bán. Vả lại, rau thì hiếm, giá thì cao mà người mua cũng ít. Ôm rau về, chỉ cần ế vài bó là coi như mất lãi”, chị Hoàng Thị Mai - tiểu thương tại chợ Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay.
Giá gà tăng mạnh
Khảo sát tại 3 miền cho thấy, giá gà lông màu tại miền Bắc và Nam đang tăng 8.000 đồng, lên 59.000 - 60.000 đồng/kg. Trong khi đó tại miền Trung, giá dao động 54.000 - 57.000 đồng, tăng 6.000 đồng so với tháng trước.
Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cho thấy, giá thu mua gà thịt lông màu ngắn ngày ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam tăng 6.000 đồng một kg lên 60.000 đồng. Còn giá gà công nghiệp miền Bắc, miền Trung và miền Nam ổn định ở mức 28.000 - 35.000 đồng/kg.
Anh Hoàng, chủ trang trại gà ở Đồng Nai, cho biết năm ngoái giá gà lông màu xuống dưới giá thành nên anh đã giảm đàn 50% khiến nguồn cung ra thị trường năm nay ít hơn so với mọi năm.
Các trang trại nuôi gà tại Đồng Nai, Bình Phước cũng đều giảm đàn mạnh do thua lỗ. Nhiều trang trại gà lông màu khác chuyển sang nuôi gia công gà công nghiệp cho các công ty nước ngoài vì giá loại gà này ổn định và có lãi cao hơn.
Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Đông Nam bộ, cho biết có ba nguyên nhân khiến giá gà lông màu tăng gấp đôi so với cùng kỳ.
Thứ nhất là do nguồn cung trên thị trường giảm mạnh, người nuôi năm ngoái bị thua lỗ nên năm nay đã giảm lượng tái đàn, trong khi đó sức mua tăng cao. Thứ 2 là giá thức ăn chăn nuôi tăng đột biến đẩy giá thành nuôi một con gà lông màu cũng tăng ở mức 2 con số.
Nguyên nhân cuối cùng theo ông Quyết là gà đông lạnh trên thị trường thế giới cũng trở nên thiếu hụt và khan hiếm nên lượng hàng xuất khẩu vào Việt Nam giảm, có tháng không có hàng nhập vào.
"Sắp tới giá gà có thể còn tăng do nguồn cung chưa thể bù đắp ngay", ông Quyết dự đoán.
Nhiều loại trái cây rớt giá thê thảm
Thời điểm này, nhiều loại trái cây tại TP Cần Thơ nói riêng và các tỉnh miền Tây Nam bộ nói chung đang vào thu hoạch. Lượng trái cây ở đất đồng bằng đang xum xuê, dồi dào, đa dạng về chủng loại. Tuy nhiên, cũng chính vì đang thu hoạch rộ, cung vượt cầu khiến hàng loạt các loại nông sản giảm mạnh.
Theo đó, giá các loại trái cây giảm từ 5.000 - 15.000 đồng/kg so với đầu vụ. Cụ thể, măng cụt giảm còn 50.000 - 70.000 đồng/kg (tháng trước giá lên đến 80.000 - 90.000 đồng/kg). Chôm chôm Thái giảm mạnh từ mức 50.000 - 55.000 đồng/kg, còn 35.000 - 40.000 đồng/kg. Chôm chôm Java chỉ còn 15.000 - 20.000 đồng/kg, trong khi trước đây có giá đến 30.000 đồng/kg. Các loại sầu riêng hạt lép có giá từ 45.000 - 70.000 đồng/kg…
Dự báo, giá một số loại trái cây còn có khả năng giảm trong thời gian tới.
Trước tình trạng rớt giá, nhiều nhà vườn ở TP Cần Thơ tỏ ra lo lắng, nhiều người tự tìm giải pháp để thoát khỏi tình trạng “được mùa mất giá”.
Anh Huỳnh Tuấn Kiệt (28 tuổi) - một nhà vườn trồng sầu riêng tại TP Cần Thơ - cho biết, anh dự định sẽ chuyển hướng làm vườn sang kết hợp tham quan du lịch gắn với tiêu thụ trực tiếp sầu riêng tại vườn để đảm bảo lợi nhuận.
Chia sẻ giải pháp trước mắt và lâu dài về tình trạng nông sản rớt giá, ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNN) TP.Cần Thơ - cho hay, các loại nông sản đang vào giai đoạn thu hoạch chính vụ, sản lượng tăng do trúng mùa nên giá có xu hướng giảm so với thời gian đầu vụ. Trước mắt, ngành nông nghiệp sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp đến tận nhà vườn để kết nối doanh nghiệp và bà con, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tiêu thụ.
Về lâu dài, Sở NN&PTNN TP Cần Thơ sẽ tập trung một số giải pháp như khuyến cáo bà con trồng cây ăn trái sử dụng các loại phân bón hữu cơ, trong đó tập trung các giải pháp tự chế để giảm chi phí, giảm giá thành trong sản xuất cũng như nâng cao chất lượng thu phẩm; chỉ đạo các đơn vị chuyên môn như Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hỗ trợ, rà soát để cấp các mã số vùng trồng, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ, đặt biệt là doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu; đồng thời tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để hỗ trợ bà con truy xuất nguồn gốc cũng như đẩy mạnh các giải pháp sản xuất theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng.
“Ngành nông nghiệp thành phố đang triển khai các giải pháp để đẩy mạnh liên kết sản xuất, trong đó có tạo điều kiện để hỗ trợ các doanh nghiệp có chính sách liên kết theo Nghị định 98 của Chính phủ và đẩy mạnh công tác kêu gọi các doanh nghiệp để thu mua, sơ chế, chế biến để thúc đẩy thị trường cây ăn quả tại TP Cần Thơ” - ông Trần Thái Nghiêm nói.
Nguồn https://tieudung.vn/thi-truong/tieu-dung-trong-tuan-tu-6-1262022:-rau-xanh-tiep-tuc-tang-gia-vi-nguon-cung-khan-hiem-64600.html
- Đích nhắm đầu tư: Việt Nam là điểm đến số 1
- Doanh nghiệp Thủ đô giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng xứ Nghệ
- Hơn 90% DN Đức dự kiến mở rộng đầu tư tại Việt Nam
- Cánh điện gió bất động, chục nghìn tỷ phơi nắng mưa chờ cơ chế
- Bán giấy thu tiền: Soi kỹ dòng tiền chục nghìn tỷ đi đâu, làm gì, mua bán ra sao
- Mỹ miễn thuế pin năng lượng mặt trời nhập khẩu của Việt Nam
- Không để cá nhân, doanh nghiệp né nghĩa vụ kinh doanh
- Bất động suốt 2 năm, doanh nghiệp gần như vô danh Vạn Trường Phát bất ngờ vay tới 10.000 tỷ đồng trái phiếu
- Thương mại Tự do Năng lượng đặt dấu chấm hết do xung đột Nga – Ukraine