Tìm giải pháp gỡ vướng cho kinh tế xanh

Chủ nhật, ngày 8 tháng 12 năm 2024 | 9:43

tại Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn “Thành phố Hồ Chí Minh - Gỡ vướng cho kinh tế xanh” với sự tham gia của lãnh đạo bộ, ban ngành, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên gia, đại diện ngân hàng cùng hàng trăm doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Diễn đàn Thành phố Hồ Chí Minh – Gỡ vướng cho kinh tế xanh”.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Diễn đàn Thành phố Hồ Chí Minh – Gỡ vướng cho kinh tế xanh”.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò là trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ, cửa ngõ giao lưu quốc tế của cả nước, địa phương tiên phong trong việc đề xuất và thực hiện các chính sách trọng điểm của quốc gia, cũng đang hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố cho rằng xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là lựa chọn tất yếu để vừa đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, vừa góp phần đảm bảo cho người dân thành phố một môi trường sống lành mạnh và vì sự phát triển bền vững. Đây là chủ trương hoàn toàn phù hợp với những định hướng được Đại hội XIII của Đảng đề ra, và cũng là mục tiêu phát triển của Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 11.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, diễn đàn đi sâu vào gỡ vướng và tìm giải pháp cho hai vấn đề quan trọng là: Giải pháp cho ngành sản xuất, năng lượng tái tạo, quản lý rác thải đô thị, công nghiệp và Gỡ vướng cho Tài chính xanh - nguồn lực cho doanh nghiệp bền vững. “Sự kiện này là nơi để chúng ta thảo luận, tìm ra các giải pháp hữu hiệu” - Ông Dũng nói.

Theo ý kiến các chuyên gia tại diễn đàn, tài chính xanh đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp nhưng vẫn gặp phải nhiều thách thức lớn. Những rào cản chính bao gồm thiếu khung pháp lý rõ ràng và tiêu chí phân loại xanh, sự hạn chế trong đa dạng hóa các sản phẩm tài chính, nhận thức và năng lực triển khai còn yếu, cũng như sự phối hợp chưa hiệu quả giữa các bên liên quan.

Tìm giải pháp gỡ vướng cho kinh tế xanh ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Quyền Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE)

Phát biểu tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Việt Hà, Quyền Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) cho biết, tài chính xanh là cấu phần quan trọng, giúp các doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, thực hiện các dự án có tác động tích cực đến môi trường, xã hội, đóng góp vào chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng xanh tăng trưởng liên tục với tốc độ bình quân hơn 22%/năm. Đến 31/3/2024 đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt gần 637 nghìn tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Việt Nam cũng đã phát hành 1,157 tỷ USD trái phiếu xanh giai đoạn 2019-2023

Trong các năm gần đây từ giai đoạn 2022-2024, nhiều công ty Việt Nam cũng đã thành công phát hành trái phiếu xanh.

 

Năm 2023, BIDV phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh theo nguyên tắc trái phiếu xanh của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế (ICMA).

Cuối tháng 11/2024, Vietcombank phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu xanh để cho vay các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường và dự án mang lại lợi ích về môi trường.

Tìm giải pháp gỡ vướng cho kinh tế xanh ảnh 2

Quang cảnh Diễn đàn Gỡ vướng cho kinh tế xanh

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Việt Hà, dù nguồn vốn tài chính xanh được định hình cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nhưng hiện vẫn còn nhiều rào cản. Đó là cơ chế chính sách thì danh mục phân loại xanh chưa được ban hành, tiêu chí phân loại xanh chưa thống nhất; cơ chế ưu đãi về thuế phí với các sản phẩm tài chính xanh vẫn chưa hoàn thiện; sự thiếu hụt nhân sự chuyên trách ESG hay chuyên gia ngành đánh giá và thẩm định dự án xanh; nhận thức của doanh nghiệp hạn chế, chưa chú trọng phát triển bền vững, chưa chú trọng kiểm kê khí nhà kính và công bố thông tin phát thải minh bạch, chính xác.

Bà Nguyễn Thị Việt Hà cho rằng, để vượt qua các rào cản và khơi thông nguồn tài chính xanh, Nhà nước cần sớm hoàn thiện khung chính sách và có chính sách thúc đẩy tài chính bền vững. Tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức, khuyến khích doanh nghiệp công bố thông tin và thực hành ESG, chuyển đổi xanh, công bố thông tin bằng tiếng Anh. Chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về nhận thức/đánh giá rủi ro ESG.

Bên cạnh đó, cần chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về nhận thức/đánh giá rủi ro ESG. Kiến nghị cơ quan quản lý giải pháp đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, phát triển nhà đầu tư tổ chức vì đây là nhóm nhà đầu tư có những mục tiêu đầu tư rõ ràng và định hướng về đầu tư có trách nhiệm hướng đến bảo vệ môi trường, xã hội, từ đó, tạo động cho các doanh nghiệp hoạt động xanh, sạch, đầu tư vào phát triển bền vững.

Theo Tiến sĩ Bùi Duy Tùng, Đại học RMIT Việt Nam, để giải quyết các thách thức của tài chính xanh tại Việt Nam, việc xây dựng một khung pháp lý rõ ràng và tiêu chí phân loại xanh đồng bộ là yêu cầu cấp thiết. Việt Nam cần khẩn trương thiết lập một hệ thống tiêu chuẩn phân loại xanh lấy kinh nghiệm từ các thông lệ quốc tế, nhằm bảo đảm tính minh bạch và khả năng ứng dụng thực tế. Ngoài ra cần thành lập một Hội đồng Tài chính xanh Quốc gia với vai trò điều phối và giám sát các chương trình tài chính xanh là rất cần thiết. Đồng thời, Việt Nam cần tăng cường khả năng huy động vốn quốc tế để tài trợ cho các dự án xanh quy mô lớn.