Tín dụng chính sách “nâng đỡ” người dân thoát nghèo

Thứ tư, ngày 7 tháng 8 năm 2024 | 9:40

Cùng với triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, tỉnh Thái Nguyên xác định, tín dụng chính sách là kênh dẫn vốn quan trọng cho nên đã tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng chung tay vào cuộc trong sự nghiệp giảm nghèo. Hệ thống ngân hàng chính sách xã hội đã đồng hành, “nâng đỡ” người dân tiếp cận thuận lợi, sử dụng hiệu quả đồng vốn, để giảm nghèo bền vững.

Hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Nguyên tổ chức giao dịch đến tận xã, vào một ngày cố định để tạo thuận lợi cho người dân.
Hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Nguyên tổ chức giao dịch đến tận xã, vào một ngày cố định để tạo thuận lợi cho người dân.

Vay vốn để thoát nghèo

Gia đình chị Trần Thị Mến ở xóm Na Quán, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ có 7 nhân khẩu, nhiều năm thuộc diện hộ nghèo vì thiếu vốn và thiếu sinh kế. Tưởng chừng cuộc sống nghèo khó còn đeo bám không dứt ra được, nhưng vài năm qua, gia đình chị đã được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Đồng Hỷ tạo điều kiện cho vay nhiều đợt để đầu tư, phát huy nguồn lực đất đai, lao động nhằm phát triển chăn nuôi gia cầm, gia súc, trồng cây ăn quả, làm công trình vệ sinh,.., nên gia đình chị đã từng bước thoát nghèo.

Nguồn vốn CSXH lãi suất thấp, thật sự đã hỗ trợ gia đình tôi rất nhiều, tạo động lực để gia đình đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả để giảm nghèo bền vững. Đến nay, từ vốn vay CSXH đầu tư sản xuất, chăn nuôi với quy mô mở rộng, mang lại thu nhập cho gia đình khoảng 100 triệu đồng/năm, con cái được học hành đầy đủ, công trình vệ sinh được xây dựng, nhà cửa được chỉnh trang, cuộc sống ấm no.

Chị Mến tâm sự

Tương tự như vậy, chị Dương Thị Tống, dân tộc H’Mông ở xóm Tân Thành, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ ban đầu vay 13 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Đồng Hỷ để đầu tư nuôi trâu sinh sản. Với kinh nghiệm cùng sự chịu khó chăm sóc, hướng dẫn, động viên của Tổ Tiết kiệm và vay vốn Hội Phụ nữ xã Văn Lăng nên chị Tống đã phát huy nguồn vốn ban đầu, trả gốc và lãi đầy đủ, sau đó vay tiếp 100 triệu đồng phát triển đàn trâu, bò lên hàng chục con và thoát nghèo, xây được căn nhà khang trang. Điều đặc biệt, nhiều hộ dân xã Văn Lăng đã noi theo gia đình chị Tống phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản có hiệu quả, lợi thế địa phương được phát huy.

Theo Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đồng Hỷ Trần Nhật Linh, những năm qua, với những ưu đãi vượt trội, hầu hết các hộ thuộc diện chính sách trên địa bàn huyện đều được tạo điều kiện thuận lợi vay vốn ưu đãi. Đến nay, tổng dư nợ vốn tín dụng CSXH trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đạt 574,4 tỷ đồng, với gần 12.500 đối tượng vay, đặc biệt là việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5,48% và Đồng Hỷ là một trong 12 đơn vị cấp huyện của toàn quốc không có nợ quá hạn, không có tình trạng khoanh nợ.

Trên phạm vi toàn tỉnh Thái Nguyên, hoạt động tín dụng CSXH đã bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, việc triển khai chương trình tín dụng ưu đãi kịp thời, đúng đối tượng được thụ hưởng, đúng chính sách, đúng quy trình nghiệp vụ.

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Nguyễn Quang Thịnh cho biết: “Giai đoạn 2014-2024, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt hơn 10.600 tỷ đồng, cho hơn 307.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay. Tính riêng đến thời điểm 30/4/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 4.742 tỷ đồng với 84.189 hộ vay, dư nợ bình quân đạt 56,33 triệu đồng/hộ, nguồn vốn được sử dụng hiệu quả, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ ở mức 0,032%”.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Thái Nguyên xác định, giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, là sự nghiệp của toàn dân, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta nên đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, ngân sách tỉnh và cấp huyện trích gần 246 tỷ đồng ủy thác để Ngân hàng CSXH cho các đối tượng chính sách vay; thường xuyên lãnh đạo, củng cố hệ thống tổ chức, hỗ trợ hệ thống ngân hàng CSXH hoạt động, tạo thuận lợi cho người vay, sử dụng vốn vay có hiệu quả.

 

Sự lãnh đạo, chỉ đạo, tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng CSXH hoạt động tốt nhất, các đối tượng chính sách được vay vốn nhanh, thuận lợi nhất được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, đồng nhất trên phạm vi toàn tỉnh.

Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ Nguyễn Văn Ngọc chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên bổ sung, củng cố Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện; các xã, thị trấn bố trí địa điểm, cơ sở vật chất để Ngân hàng CSXH giao dịch một ngày cố định nhằm tạo thuận lợi cho người dân; tổ tiết kiệm và vay vốn do 4 tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội hoạt động tích cực, thực hiện quản lý, giám sát, hướng dẫn sử dụng vốn, thu lãi vay hằng tháng nên hệ thống hoạt động rất thuận lợi, thông suốt, vốn vay được phát huy hiệu quả để giảm nghèo bền vững”.

Với sự chỉ đạo, tạo thuận lợi của các cấp ủy đảng, chính quyền, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Thái Nguyên tổ chức giao dịch đến tận cấp xã, niêm yết công khai, minh bạch chế độ, chính sách để tạo thuận lợi cho các đối tượng chính sách không phải đi lại xa trong việc tiếp cận, hoàn trả vốn; gắn kết chặt chẽ với các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác với hơn 2.600 tổ tiết kiệm và vay vốn được tổ chức đến tận thôn, xóm để quản lý, hướng dẫn sử dụng vốn vay có hiệu quả.

Đến nay, tỷ lệ nợ quá hạn của Ngân hàng CSXH tỉnh Thái Nguyên thuộc diện thấp nhất cả nước, góp phần hỗ trợ giảm tỷ lệ hộ nghèo ở trên địa bàn tỉnh giảm còn 3,2% tổng số hộ.

Qua đó, củng cố lòng tin của người dân đối với chính sách của Đảng, Nhà nước và hoạt động của hệ thống ngân hàng CSXH trên địa bàn. Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Nguyễn Quang Thịnh đánh giá: Những năm vừa qua, tín dụng chính sách được cấp ủy, chính quyền quan tâm, chỉ đạo về mọi mặt, hệ thống chính trị, nhất là 4 đoàn thể chính trị-xã hội vào cuộc mạnh mẽ, tất cả các đối tượng thuộc diện, đủ điều kiện đều được vay, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng, “nâng đỡ” các đối tượng chính sách thoát nghèo bền vững.

Tuy nhiên, đến nay, nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho vay nhà ở xã hội, người chấp hành xong án phạt tù chưa đáp ứng yêu cầu trên địa bàn; ngân sách tỉnh và các địa phương ủy thác cho Ngân hàng CSXH để cho các đối tượng chính sách vay còn thấp; thời gian cho vay đối với hộ gia đình mới thoát nghèo ngắn (3 năm). Người dân đề nghị cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi các quy định để nguồn vốn tín dụng chính sách phù hợp thực tiễn, phát huy tối đa hiệu quả trong giai đoạn phát triển mới.