Tín dụng tăng trưởng mạnh, gợi lên lo lắng về nợ xấu “ẩn”
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước. Đồ họa: Phương Anh

Tín dụng vào đà tăng trưởng mạnh

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến giữa tháng 9/2024 đạt 7,38% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ đạt 5,73%). Trong đó, khối ngân hàng thương mại tư nhân tăng 8,6%, chiếm 45% thị phần, tăng cao nhất toàn hệ thống. Các con số này cho thấy tín dụng đang vào đà tăng tốc, khi trước đó số liệu đến cuối tháng 8/2024, tăng trưởng tín dụng mới đạt 6,63%.

Sẽ triển khai các giải pháp cảnh báo, phòng ngừa rủi ro sớm

Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; thường xuyên rà soát tổng thể các mặt hoạt động để tăng hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản trị hoạt động, kịp thời nhận diện các rủi ro, sai phạm, triển khai các giải pháp cảnh báo, phòng ngừa từ sớm, xử lý nghiêm túc, đúng quy định.

Thời gian qua, NHNN đã thực hiện một số giải pháp khá mạnh tay để đẩy mạnh tín dụng trong các tháng cuối năm 2024, trong đó đáng kể nhất là việc “ưu ái” cho các ngân hàng có khả năng tăng trưởng cao. Cụ thể, cuối tháng 8/2024, NHNN đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng (TCTD) thông báo mức tăng trưởng tín dụng tăng thêm cho các TCTD theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch. Theo đó, TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN đã thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của TCTD.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho biết, ngành Ngân hàng cũng đã tổ chức đều đặn các hội nghị ngân hàng - doanh nghiệp tại các địa phương để kết nối với các doanh nghiệp. Về cơ chế chính sách, Luật Các TCTD mới tinh gọn rất nhiều thủ tục, điều kiện cho các ngân hàng thương mại có căn cứ pháp lý để đẩy mạnh việc cho vay.

Với các động thái trên của ngành Ngân hàng cũng như xu hướng chung của nền kinh tế, ngân hàng có khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 15% như đã đề ra từ đầu năm.

Vẫn thấp thỏm về nợ xấu tiềm ẩn

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 vẫn đặt ra là 15%, hệ thống sẽ phải thực hiện đẩy ra lượng vốn 1,135 triệu tỷ đồng trong 5 tháng cuối năm, bình quân mỗi tháng bơm ra 227.000 tỷ đồng. Mức tăng trưởng này gấp đôi so với những tháng đầu năm bởi trong 8 tháng năm 2024, lượng vốn đưa ra thị trường chưa đến 900.000 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng 112.500 tỷ đồng.

Trong giai đoạn tín dụng tăng trưởng mạnh, số liệu tỷ lệ nợ xấu có thể bị “ẩn” đi tạm thời (nếu tính theo quy mô tín dụng mới). Tuy nhiên, nợ xấu mới có thể phát sinh thêm trong tương lai theo chu kỳ tín dụng mới và điều này trở thành mối lo mới bên cạnh mối lo về nợ xấu “ẩn” trong việc thực thi các chính sách tái cơ cấu nợ của ngành Ngân hàng.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên cao cấp thuộc Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, xét con số nợ xấu thực tế có thể cao hơn con số các ngân hàng công bố. Nhiều khả năng trong thời gian tới, nợ xấu còn xu hướng tăng để cân đối được con số nợ xấu thực tế và nợ xấu ngân hàng tái cơ cấu. Theo đó, nếu đến hết năm 2024, khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN (đã được sửa đổi bởi Thông tư 06/2024/TT-NHNN) hết hiệu lực, nợ xấu tiếp tục tăng, thì khả năng NHNN có thể lại phải gia hạn việc tái cơ cấu nợ thêm một thời gian, tạo điều kiện cho các ngân hàng xử lý nợ.

Những lo ngại về tình trạng nợ xấu “ẩn” cũng đã được nhiều chuyên gia khác đề cập và đề xuất các giải pháp mạnh tay. TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém chưa xong, xử lý sở hữu chéo chưa dứt điểm, kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, hệ thống ngân hàng đang đối diện tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu tăng cao… đang là những thách thức rất lớn. Vì vậy, nới lỏng chính sách cần phải cân nhắc thật kỹ nhằm bảo đảm an toàn hệ thống, bảo vệ quyền lợi hàng triệu người dân đang gửi tiền tại các TCTD.

Theo đó, ông Hùng cho rằng, cần xem xét, đánh giá thật kỹ đối tượng được áp dụng tái cơ cấu nợ theo hướng doanh nghiệp nào có khả năng phục hồi thì cần tìm mọi giải pháp tháo gỡ. Còn trường hợp doanh nghiệp không có khả năng phục hồi, năng lực tài chính yếu kém thì kiên quyết không cơ cấu nợ và thực hiện xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ, phần thiếu hụt xử lý quỹ dự phòng rủi ro của TCTD.

“Không nên để các doanh nghiệp không còn khả năng phục hồi làm gánh nặng cho nền kinh tế và đã đến lúc cần sửa đổi, bổ sung Luật Phá sản để làm sao những doanh nghiệp không thể phục hồi được thì cần phải bắt buộc xử lý theo Luật” - ông Hùng nói./.