Tin tức sự kiện Phản biện xã hội và vai trò của MTTQ trong vấn đề phản biện xã hội
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024 | 16:54
Tin tức sự kiện Phản biện xã hội và vai trò của MTTQ trong vấn đề phản biện xã hội Ngày đăng: 12/11/2010 03:12 Đọc tin bài Xem: 16885In trangMặc địnhCỡ chữ Tìm đọc thông tin báo chí- Ảnh N.Đang Phản biện xã hội là sự tham gia của cá nhân, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội vào một vấn đề, một chủ trương, chính sách nào đó của Nhà nước nhằm làm cho chủ trương, chính sách đó ngày càng hoàn thiện trong thực tiễn, đáp ứng nhu cầu xã hội, tạo nên sự đồng thuận nhằm phục vụ tốt hơn những vấn đề quốc kế, dân sinh
Do đó, phản biện xã hội là sự tập hợp sức sáng tạo và trí tuệ của các giai tầng, tạo nên sức mạnh nội lực để giải quyết các vấn đề xã hội; phản biện xã hội là sự thể hiện dân chủ hóa đời sống xã hội, là thước đo trình độ phát triển của một xã hội; dưới một giác độ nó thể hiện trình độ văn minh. Phản biện xã hội không thuần nhất với sự phân tích phản bác, chỉ ra những khiếm khuyết của các chủ trương chính sách, các vấn đề xã hội mà nó còn là sự thể hiện đồng thuận xã hội, sự khuyến khích, cổ vũ của xã hội dành cho những chủ trương, chính sách đúng đắn. Phản biện xã hội là sự tập hợp sức mạnh cộng đồng để giải quyết vấn đề xã hội. Chính vì vậy, làm tốt công tác phản biện xã hội là tạo được sức mạnh to lớn cho các phong trào hành động cách mạng.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn đoàn kết, tập hợp sức mạnh các giai tầng xã hội để hoàn thành nhiệm vụ trong từng giai đoạn, phấn đấu cho mục tiêu lý tưởng của Đảng, xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Mặc dù khái niệm “phản biện xã hội” mới được đưa vào Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X nhưng từ lâu Đảng ta đã làm tốt chính sách phản biện xã hội. Và, đó là một trong những tiền đề làm nên sức mạnh trí tuệ của Đảng; cũng là điều làm nên niềm tin, sức hấp dẫn đối với nhân dân. Trong hoạt động phản biện xã hội thì vai trò của Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam là hết sức to lớn. Văn kiện Đại hội X của Đảng nêu rõ: “Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân; đại diện cho quyền lợi hợp pháp và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng thành hoạt động thực tiễn sinh động trong cuộc sống của nhân dân. Nhà nước ban hành và bổ sung pháp luật để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội” [1].
Với vai trò là trung tâm tập hợp, đoàn kết các tổ chức chính trị xã hội, các hội quần chúng, các dân tộc, tôn giáo, các giai tầng xã hội; MTTQ là hạt nhân chính trị quan trọng trong việc cổ vũ, động viên toàn thể dân tộc đoàn kết một lòng thực hiện các phong trào hành động cách mạng, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước một cách hiệu quả. Để làm được điều này, MTTQ các cấp phải thật sự “gần dân, sát dân, hiểu dân, lắng nghe dân nói, tuyên truyền giải thích cho dân hiểu và làm cho dân tin”. Nghĩa là MTTQ phải làm tốt công tác dân vận, phải nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của các giai tầng xã hội.
Với chức năng giám sát của mình, MTTQ các cấp sẽ là đầu mối giám sát hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội và cá nhân cán bộ công chức trong quá trình triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy, tổ chức MTTQ sẽ có điều kiện đề xuất những chủ trương, chính sách phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của các giai tầng xã hội. Đồng thời, qua đó sẽ phân tích, làm rõ những tồn tại, khiếm khuyết của những chính sách đã được triển khai thực hiện và cả những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn. Chính việc làm này là quá trình triển khai vai trò phản biện xã hội của MTTQ một cách hiệu quả nhất.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Có lực lượng dân chúng, việc to tát mấy khó khăn mấy làm cũng được. Không có thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”[2]. Xét đến cùng thực hiện phản biện xã hội là lắng nghe, học tập trí tuệ của nhân dân và từ đó quay lại phục vụ nhân dân, huy động, cổ vũ sức mạnh tổng hợp của mọi giai tầng xã hội phấn đấu vì mục tiêu lý tưởng “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Trong hoạt động này vai trò của MTTQ các cấp là hết sức quan trọng.
Từ Dạ Lin
- Tự tin bước vào kỷ nguyên mới
- Nhận diện chính xác để đấu tranh hiệu quả
- Phản biện xã hội - phương thức hiệu quả phát huy quyền làm chủ của Nhân dân
- Quan tâm, đầu tư hơn nữa cho công tác giám sát, phản biện xã hội
- Phản biện xã hội đảm bảo đúng đắn, lợi ích của Nhân dân
- Tự do ngôn luận, tự do báo chí trong khuôn khổ của hiến pháp và pháp luật
- Quan tâm, đầu tư hơn nữa cho công tác giám sát, phản biện xã hội
- Kỷ nguyên mới, cách làm mới
- Thống nhất nội dung giám sát, phản biện xã hội năm 2025