Tổ chức, kết nối người nông dân để xóa bỏ lời nguyền: Manh mún, nhỏ lẻ, tự phát!
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng, để người nông dân thực sự là chủ thể trong ngành nông nghiệp thì phải tổ chức, kết nối họ lại thành cộng đồng lớn, phải có sự giúp đỡ, Nhà nước hỗ trợ chính sách. Từ đó, sẽ xóa bỏ lời nguyền: manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.
Nâng cao vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ NN&PTNT (T5/2021), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ: Phải xác định trụ cột chính của ngành là “nông nghiệp, nông thôn và nông dân”, các trụ cột này sẽ góp phần tiếp tục ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Về mối quan hệ giữa các trụ cột, Thủ tướng nói rõ thêm, nông dân phải là trung tâm, nông thôn là nền tảng và nông nghiệp là động lực. “Người nông dân phải là chủ thể, là trung tâm. Mọi hoạt động của các đồng chí phải xoay quanh người nông dân, phải nâng cao đời sống tinh thần vật chất cho họ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Nông dân phải là trung tâm, nông thôn là nền tảng và nông nghiệp là động lực.
Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng được tiếp tục thể hiện trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký phê duyệt Chiến lược tại Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022).
Theo đó, Chiến lược đặt mục tiêu nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn, đảm bảo cơ hội phát triển công bằng giữa các vùng, miền; phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị.
Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông - lâm - thủy sản bình quân từ 2,5% - 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông - lâm - thủy sản bình quân từ 5,5% - 6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt bình quân từ 5% - 6%/năm. Nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững. Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 - 3 lần so với năm 2020…
Đến năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn Việt Nam không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống” văn minh, xanh, đẹp.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, nông nghiệp Việt Nam bị một lời nguyền là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.
Chia sẻ với báo chí tại buổi công bố Chiến lược nêu trên (ngày 17/2/2022), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, nông nghiệp Việt Nam bị một lời nguyền là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Từ lời nguyền đó kéo theo hàng loạt câu chuyện được mùa mất giá, câu chuyện bấp bênh, câu chuyện thị trường, dự báo... Và Chiến lược này phải làm sao giải quyết được vấn đề đó.
"Chúng ta không thể phát triển trên sự manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Muốn giải được lời nguyền đó, Chiến lược này đạt lại nền tảng từ việc tổ chức lại sản xuất, sau đó mới quyết định câu chuyện phát triển nông nghiệp nông thôn... Chiến lược này bắt đầu lại từ cái nền của ngành nông nghiệp", Ông Lê Minh Hoan nói.
Tổ chức người nông dân để xóa bỏ “lời nguyền”
Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, TS Nguyễn Thị Hồng Minh - Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản kiêm Trưởng ban Đổi mới Doanh nghiệp Nhà nước của Bộ Thủy sản (cũ), Chủ tịch Hiệp Hội Thực Phẩm Minh bạch, tư vấn viên của Bộ NN&PTNT về chính sách nông nghiệp 4.0 khẳng định: “Để nông nghiệp phát triển bền vững, chắc chắn người nông dân phải là chủ thể, là trung tâm”.
Theo TS Nguyễn Thị Hồng Minh, để người nông dân thực sự là chủ thể, là trung tâm thì cần phải hỗ trợ, giúp đỡ, tổ chức họ lại bởi nếu để người nông dân “đơn lẻ” thì sẽ không là trụ cột được, lúc đó họ chỉ có thể trồng thôi mà không bán được, họ sẽ bị thương lái ép giá. “Do đó phải tổ chức, kết nối họ lại thành cộng đồng lớn, phải có sự giúp đỡ, Nhà nước hỗ trợ chính sách. Hợp tác xã cũng không thể đứng được mà phải có cộng đồng lớn hơn bao gồm cả doanh nghiệp”, bà Minh nói.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh - Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản kiêm Trưởng ban Đổi mới Doanh nghiệp Nhà nước của Bộ Thủy sản (cũ), Chủ tịch Hiệp Hội Thực Phẩm Minh bạch, tư vấn viên của Bộ NN&PTNT về chính sách nông nghiệp 4.0
Theo TS Nguyễn Thị Hồng Minh, mỗi một sản phẩm do người nông dân làm ra phải có thương hiệu, tiêu chuẩn, phải biết tiếp thị. Do đó, phải có một nhóm người nông dân vừa sản xuất, vừa có người làm thương mại, chia sẻ sẻ thông tin về thị trường, từ đó thị trường mới biết đến. Kết nối với nhau để tiến tới cân đối giữa sản xuất và thị trường, giữa cung và cầu, để tránh việc sản xuất dư thừa hiện nay.
Việc giúp người nông dân không chỉ nói bằng miệng, không phải cho họ tiền mà phải hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách, bằng tài chính sao cho đúng. Ví dụ như chuyển đổi sang nông nghiệp xanh thì chắc chắn phải được hỗ trợ từ chính sách, tổ chức, hướng dẫn…
Cùng với các tổ chức chính trị - xã hội, TS Nguyễn Thị Hồng Minh nhấn mạnh, để kết nối người nông dân cần có “tổ chức chuyên nghiệp” ví dụ như Hiệp hội ngành nghề. Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội phải cùng các tổ chức ngành nghề để hỗ trợ trực tiếp cho nông dân. Huy động các nguồn lực để hỗ trợ cho người dân.
“Phải làm cho người nông dân hiểu muốn bền vững thì phải liên kết, kết nối với nhau, chia sẻ thông tin với nhau. Chứ không phải tôi thấy người khác trồng khoai tôi cũng trồng khoai, thấy trồng thanh long tôi cũng trồng thanh long. Xong rồi không biết thị trường ở đâu, không biết bán cho ai. Cái đó phải thay đổi thì mới bền vững được”, bà Nguyễn Thị Hồng Minh nêu rõ.
Cũng theo TS Nguyễn Thị Hồng Minh, người nông dân một mặt được tập hợp, tổ chức sản xuất nhưng mặt khác cũng phải ý thức, thấy được việc tổ chức là quan trọng, cùng phối hợp với nhau để bảo vệ sản phẩm của mình làm ra.
TS Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng cần có “Quỹ phát triển thị trường” để nghiên cứu, theo dõi, tiếp cận thị trường, thay đổi thói quen người tiêu dùng.
TS Nguyễn Thị Hồng Minh cũng cho rằng, phải có “Quỹ phát triển thị trường” để nghiên cứu, theo dõi, tiếp cận thị trường, thay đổi thói quen người tiêu dùng. “Ví dụ như người ta chưa ăn quen thanh long, chưa ăn quen nhãn thì phải để người ta biết đến, người ta ăn, từ đó thúc đẩy tiêu dùng. Quỹ phát triển thị trường sẽ giúp đưa sản phẩm đến các hội chợ lớn nhỏ, quảng bá nhằm phát triển thương hiệu, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng để người tiêu dùng biết đến và sử dụng”, bà Hồng Minh nêu ví dụ.
Với mục tiêu của Chiến lược đến năm 2030, thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 - 3 lần so với năm 2020; bà Nguyễn Thị Hồng Minh cho biết, nếu như người nông dân sản xuất họ có thị trường thì mục tiêu này không khó. Bởi 1m2 đất biết sử dụng đúng thì sẽ làm ra nhiều giá trị. Nhưng vấn đề là cần tổ chức, hướng dẫn, tìm đầu ra cho sản phẩm để họ làm.
“Trước đây, thủy sản nuôi trồng ra chỉ bán quanh quanh trong nước, chưa có thị trường nhưng khi có thị trường như EU thì sản phẩm được nâng cấp lên, các khu vực người nông dân nuôi trồng thủy sản thì diện tích nước mặn rất có giá trị. Từ đó người nông dân nâng cao thu nhập gấp rất nhiều lần”, TS Nguyễn Thị Hồng Minh nói.
Theo Congluan.vn
https://congluan.vn/to-chuc-ket-noi-nguoi-nong-dan-de-xoa-bo-loi-nguyen-manh-mun-nho-le-tu-phat-post182123.html
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Vạch trần những thủ đoạn chống phá, xuyên tạc về Quốc hội Việt Nam