Tổng Bí thư: Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, vô cùng quan trọng
Sáng 12/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội TP Hà Nội (Đơn vị bầu cử số 1) đã tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng, trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng – Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương; Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai.
Tham gia tiếp xúc cử tri còn có các đại biểu Quốc hội: Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Nguyễn Trúc Anh - Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội.
Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu chính tại trụ sở quận Đống Đa và các điểm cầu tại quận Ba Đình, quận Hai Bà Trưng và các phường với hơn 1.200 cử tri tham gia.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo TP Hà Nội cùng các đại biểu tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri.
Cử tri kiến nghị sớm khắc phục việc tham nhũng trong đất đai
Tại cuộc tiếp xúc, cử tri 3 quận Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng bày tỏ vui mừng khi đến nay Việt Nam đã khống chế được Covid -19. Từ đó, kinh tế từng bước phục hồi, đời sống Nhân dân ổn định và trở lại trạng thái bình thường mới.
Cử tri cho rằng, để có được kết quả này là nhờ Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội có “đường đi, nước bước” sáng suốt, kịp thời, phù hợp. Đồng thời, có nền chính trị ổn định, thống nhất “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” như Tổng Bí thư thường nói. Bên cạnh đó, công tác ngoại giao vaccine rất tích cực, khéo léo và tiêm chủng ngừa Covid -19 phủ rộng nên các ca nhiễm bệnh giảm dần, đặc biệt bệnh nhân trở nặng và tử vong đã giảm xuống ở mức rất thấp.
Đặc biệt, các cử tri nhận xét, dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 khó khăn, phức tạp nhưng công tác phòng chống tham nhũng không dừng mà vẫn được tiến hành đồng thời. Điều này đã thể hiện sự quyết tâm cao và đang thu nhiều kết quả và kỷ cương, phép nước được giữ vững, Nhân dân rất đồng tình ủng hộ… Tuy nhiên, các cử tri cũng nêu nhiều kiến nghị liên quan đến vấn đề dân sinh bức xúc và kiến nghị các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Cụ thể, cử tri Phùng Huy Đan (phường Trung Phụng, quận Đống Đa) đề nghị, Quốc hội sớm sửa đổi Luật đất đai nhằm sử dụng đất đai đúng mục đích, có hiệu quả, khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực về đất đai, gây bức xúc trong Nhân dân. Bên cạnh đó, cần tăng cường trách nhiệm của cơ quan tham mưu xây dựng dự thảo luật, bảo đảm luật phù hợp thực tiễn, có tính ổn định lâu dài, khắc phục có hiệu quả việc dự thảo luật chậm được thông qua hoặc thực hiện một thời gian ngắn lại sửa đổi, bổ sung.
Cử tri Phùng Huy Đan (phường Trung Phụng, quận Đống Đa) nêu ý kiến tại hội nghị.
Cũng liên quan đến vấn đề này, cử tri Lại Xuân Doãn (phường Ô Chợ Dừa, quân Đống Đa) nêu, trên cơ sở đổi mới chính sách và pháp luật về đất đai tại Hội nghị T.Ư 5 vừa qua, đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan tham mưu sớm hoàn thiện các dự thảo trình Quốc hội thông qua Luật đất đai (sửa đổi). Trong quy hoạch về sử dụng đất đề nghị quan tâm đến quỹ đất dành cho việc xây dựng trường học, công trình phục vụ các hoạt động ở địa bàn dân cư như nhà sinh hoạt cộng đồng ở khu dân cư, nhất là ở đô thị.
Nhận định Hội nghị Trung ương 5 vừa kết thúc bàn nhiều vấn đề lớn, quan trọng được Nhân dân rất quan tâm, cử tri Phương Hữu Phú (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) kiến nghị, Quốc hội thể chế hóa các chủ trương của Đảng, tạo chuyển biến cụ thể thiết thực trong cuộc sống, nhất là về công tác quản lý đất đai, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Quy hoạch một công trình, một dự án đều có ý kiến của Nhân dân để hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực tới môi trường, tài nguyên. Phát huy quyền dân chủ, sức sáng tạo của Nhân dân.
Cử tri Lại Xuân Doãn (phường Ô Chợ Dừa, quân Đống Đa) nêu kiến nghị tại cuộc tiếp xúc
Trong khi đó, cử tri Đỗ Xuân Phúc (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng) bày tỏ, thời gian qua, công tác Giáo dục & đào tạo có nhiều đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng. Nhất trong đợt Covid-19 vừa qua, ngành Giáo dục cả nước đã linh hoạt chuyển đổi và khắc phục khó khăn triển khai dạy trực tuyến để đảm bảo tiến độ, yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn hạn chế như: Đầu tư cho giáo dục chưa đủ đáp ứng yêu cầu thực tế; chính sách một số nơi còn chưa thu hút được nhân tài cho ngành; cơ sở vật chất còn thiếu, nhất tại vùng sâu, vàng xa; hệ thống giáo dục thiếu tính liên thông…. Từ đó, cử tri đề nghị các đại biểu Quốc hội cần có tiếng nói để Chính phủ rà soát, sớm có các biện pháp tháo gỡ để giáo dục tiếp tục phát triển hơn nữa.
Ngoài ra, các cử tri cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp hiệu quả hơn nữa, nhất là các danh nghiệp nhỏ và vừa để các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Đồng thời, Quốc hội, Chính phủ cần có những giải pháp hiệu quả hơn nữa trong việc quản lý đào tạo sau đại học tránh việc đào tạo tràn lan nhưng hiệu quả, chất lượng thấp.
Tại hội nghị, cử tri của 3 quận (Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng) cũng nêu kiến nghị liên quan vấn đề ô nhiễm môi trường; cần sớm sửa đổi bất cập trong Luật khám chữa bệnh; quy hoạch sử dụng đất phải đảm bảo tính lâu dài để tạo điều kiện cho phát triển…
Chủ tịch UBND TP Hà Nội làm rõ 3 nhóm vấn đề cử tri quan tâm
Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã trao đổi, trả lời cử tri đối với 3 nhóm vấn đề thuộc thẩm quyền của TP, gồm: Công tác sửa đổi bổ sung Luật Thủ đô cũng như cơ chế đặc thù để phát triển và phát huy tiềm năng, vị thế của Thủ đô. Phát triển hạ tầng đô thị, cụ thể là bất cập về chỗ gửi xe tại các điểm vận tải hành khách công cộng như đường sắt Cát Linh-Hà Đông. Công tác tiêu thụ nông sản cho nông dân; tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại một số con sông nội Đô, tình trạng ô nhiễm khí hậu.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh trao đổi, trả lời kiến nghị của cử tri tại hội nghị.
Đối với công tác sửa đổi bổ sung Luật Thủ đô cũng như cơ chế đặc thù để phát triển và phát huy tiềm năng, vị thế của Thủ đô, Chủ tịch UBND TP cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII xác định việc “Đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững”. Đây là nhiệm vụ quan trọng của nhiệm kỳ 2020-2025. Hiện tại, TP đang tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) báo cáo Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp cuối năm 2022 để bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh trong thời gian tới.
Về vấn đề phát triển hạ tầng đô thị, cụ thể là bất cập về chỗ gửi xe tại các điểm vận tải hành khách công cộng như đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Chủ tịch UBND TP cho biết, UBND TP đã giao Sở GTVT chủ trì làm việc với Cơ Quan phát triển Pháp AFD để triển khai thực hiện. Trong thời gian sớm nhất, sau khi có kết quả nghiên cứu sẽ xem xét triển khai ngay việc đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe để đáp ứng nhu cầu gửi xe khi sử dụng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.
Đối với vấn đề công tác tiêu thụ nông sản cho nông dân; tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại một số con sông nội Đô, tình trạng ô nhiễm khí hậu, Chủ tịch UBND TP cho biết: Để hạn chế tình trạng ô nhiễm tại các sông trên địa bàn, Hà Nội đã quyết liệt tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, triển khai nhiều giải pháp quản lý và cải thiện chất lượng môi trường, ưu tiên xử lý ô nhiễm cho toàn bộ hệ thống sông, mương thoát nước trên địa bàn TP. Đồng thời, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện một số giải pháp cải thiện chất lượng môi trường, tập trung vào 5 nhóm giải pháp.
Riêng đối với vấn đề đảm bảo công tác phát triển sản xuất, kết nối sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô, Chủ tịch UBND TP cho biết, UBND TP đã trình HĐND TP ban hành các Nghị quyết về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển HTX, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn TP Hà Nội. Ngành NN&PTNT Hà Nội và 21 tỉnh, TP trong Ban điều phối chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho TP Hà Nội đã tích cực, chủ động trong công tác kết nối phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản đảm bảo kết nối từ sản xuất, tiêu thụ, sản xuất gắn với thị trường. Đến nay, đã xây dựng và phát triển được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. TP tiếp tục duy trì, phát triển 141 chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản an toàn, trong đó có 56 chuỗi sản phẩm động vật và 85 chuỗi sản phẩm thực vật...
Sửa đổi gì cũng phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc
Thay mặt các đại biểu Quốc hội Đơn vị bầu cử số 1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng tiếp thu các ý kiến sâu sắc, ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, thiết thực, cụ thể nhưng mang tầm chiến lược và trách nhiệm của cử tri. Tổng Bí thư khẳng định, các ý kiến sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội và Quốc hội khóa XV.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu với cử tri tại hội nghị.
Trả lời câu hỏi của cử tri về việc sớm sửa đổi Luật Đất đai, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, đây là ý kiến rất đúng và chứng tỏ cử tri rất quan tâm, theo sát tình hình thời sự của đất nước trong suốt thời gian qua. Tổng Bí thư cho biết, tại Hội nghị T.Ư 5 vừa bế mạc cách đây 2 ngày, vấn đề đầu tiên được bàn thảo là về đất đai. Bởi đây là vấn đề hết sức cơ bản, cực kỳ quan trọng nhưng đang có nhiều nội dung phải tiếp tục giải quyết, mặc dù vừa qua đã có nhiều chính sách để phát huy được tiềm năng, thế mạnh về đất đai.
“Tôi đã nhiều lần nói ở T.Ư, Bộ chính trị, các hội nghị khoa học rằng đất đai là vấn đề cực kỳ quan trọng, là tư liệu sản xuất cơ bản như câu nói của Mác “Lao động là cha, đất là Mẹ của của cải vật chất”. Tôi cũng nói, trong thực tế nhiều người giàu lên vì đất, nhưng nhiều người khốn khổ, nghèo đi về đất, mất cả tình cảm cha mẹ, anh em vì đất. Vừa qua, 75% khiếu kiện cũng xung quanh vấn đề đất đai. Không có đất sao có lúa gạo để ăn no, mặc ấm. Do đó, đất đai là loại tư liệu sản xuất đặc biệt và vô cùng quan trọng” - Tổng Bí thư nói.
Quang cảnh hội nghị tiếp xúc cử tại điểm cầu quận Đống Đa
Theo Tổng Bí thư, một trong sáu nhiệm vụ của Hội nghị T.Ư 5 vừa kết thúc là bàn về đất đai. T.Ư cũng quyết định trên cơ sở nghị quyết mới lần này, Quốc hội phải nghiên cứu xem xét sửa đổi Luật Đất đai theo tinh thần mới, để phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh của đất nước. Tuy nhiên, sửa đổi thế nào để phát huy thế mạnh của đất đai là rất khó. Do đó, đòi hỏi vừa phải có nghiên cứu, tổng kết mang tầm chiến lược nhưng cũng phải thiết thực, hàng ngày. Vừa lý luận, vừa thực tiễn, phải đảm bảo đời sống của người dân và phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Liên hệ với Thủ đô, Tổng Bí thư chỉ rõ, Hà Nội đất chật, người đông nên đất rất quý. Vì vậy, mong lãnh đạo TP quan tâm hơn nữa đến vấn đề đất đai để qua đó tạo động lực và góp phần phát triển Hà Nội nói riêng, đất nước nói chung.
Đề cập đến vấn đề cử tri nêu liên quan đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư cho biết, đây là vấn đề đã nói từ lâu và làm từ lâu nhưng kết quả đạt được chưa như mong muốn. Trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây mới thành lập Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống tham nhũng và đang chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Ban Chỉ đạo này do Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng ban. Mới đây nhất, tại Hội nghị T.Ư 5 đã thống nhất rất cao và 100% địa phương đồng ý lập Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, tạo sự thống nhất liên thông đến 63 tỉnh thành trong cả nước. Điều này góp phần ngăn chặn, phòng ngừa, phát hiện các trường hợp thoái hóa biến chất dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
“T.Ư quyết rồi, sắp tới là triển khai thực hiện thì cần làm tốt công tác bố trí cán bộ để ban chỉ đạo này phát huy được hiệu quả như Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng T.Ư đã hoạt động trong 10 năm qua. Đây là cuộc chiến đấu gian nan của không phải chỉ nước ta, mà cả các nước trên thế giới. Tham nhũng là tham ô, nhũng nhiễu, do đó không chỉ chống tham nhũng mà phải chống cả tiêu cực. Vì vậy mong cử tri yên tâm và tiếp tục giám sát, ủng hộ. Đồng thời mong muốn, đề nghị với Hà Nội phải đi đầu cả nước về vấn đề này” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm cùng các cử tri.
Đề cập đến ý kiến của cử tri liên quan đến sửa đổi Luật Thủ đô, Tổng Bí thư cho biết, chỉ Thủ đô Hà Nội mới có Luật, Nghị quyết riêng. Từ đó, Tổng Bí thư yêu cầu TP Hà Nội phải triển khai thực hiện bài bản. Tất cả công dân Thủ đô cũng phải là những người tiêu biểu, kể cả về chính trị, tư tưởng, văn hoá....
Nguồn https://kinhtedothi.vn/tong-bi-thu-dat-dai-la-tu-lieu-san-xuat-dac-biet-vo-cung-quan-trong.html
- Vụ rơi trực thăng: Lần du lịch cuối và chuyến bay định mệnh
- Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các cơ quan báo chí tại TP. HCM
- Chủ tịch nước chủ trì hội nghị góp ý vào Dự thảo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền
- Bộ GTVT trình Quốc hội 3 dự án cao tốc hơn 84.000 tỷ đồng
- Buộc thôi việc Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc
- Chủ tịch Quốc hội: Không được “đụng” nguồn cải cách tiền lương để làm đường
- Xem xét kỷ luật các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long liên quan vụ Việt Á
- Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thăm Việt Nam