Tổng cục Môi trường vào cuộc vụ núi rác trong khu nhà giàu ở Hải Dương
Hải Dương yêu cầu trong 2 tháng, Khu đô thị sinh thái ven sông Thái Bình phải di chuyển dứt điểm 5.000 tấn rác ra khỏi địa bàn.
Trao đổi với PV VietNamNet ngày 21/3, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản cho biết, tỉnh đã bác bỏ tất cả các đề xuất “kêu khó” của chủ đầu tư Khu đô thị (KĐT) sinh thái nam sông Thái Bình trong việc di dời 5.000 tấn rác dạng phế thải nhựa nilon.
Tỉnh chi 220 tỷ để dọn sạch bãi rác
Ông Bản khẳng định: “Quan điểm của chúng tôi là môi trường sống của nhân dân mới là điều đặc biệt được lưu tâm. Chính quyền đã quyết chi tiền để cho chủ đầu tư đứng ra xử lý bãi rác Soi Nam để lấy đất làm đô thị. Thời hạn 3 năm phải xong, giờ đã quá hạn gần năm, nhưng rác vẫn chình ình, gây mất mĩ quan đô thị, ảnh hưởng đến đời sống cư dân”.
Theo tìm hiểu của PV, hiện núi rác kéo dài để lộ thiên ngoài trời ở KĐT đã được phủ bạt 1 phần. 5.000 tấn rác này từ năm 2019 đã được đóng thành kiện tập kết ở bờ đê sông Thái Bình và bên trong khuôn viên KĐT, thuộc phường Hải Tân, TP Hải Dương.
Núi rác trong khu đô thị đắt tiền nhất Hải Dương |
Khi KĐT sinh thái được triển khai, theo quy hoạch có lấy vào phần đất của bãi rác Soi Nam với quy mô hơn 6ha.
"Khi chủ đầu tư vào khảo sát để đầu tư xây dựng KĐT sinh thái, lẽ ra trách nhiệm xử lí bãi rác là của UBND tỉnh Hải Dương. Nhưng muốn đẩy nhanh tiến độ giao đất, làm dự án, chủ đầu tư đã nhận luôn phần giải phóng bãi rác. Họ giao việc lại cho một đơn vị phụ trách vấn đề môi trường để xử lý bãi rác Soi Nam, có các yêu cầu cụ thể, tiến độ, thời gian rõ ràng", một lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương thông tin thêm.
Tại thời điểm khảo sát, kiểm đếm, khối lượng bãi rác trên tạm tính là 294.000 khối, tỉnh Hải Dương hỗ trợ cho chủ đầu tư 220 tỷ đồng, thời hạn là 36 tháng.
Doanh nghiệp muốn tỉnh biết ơn
Lãnh đạo KĐT sinh thái ven sông Thái Bình, đơn vị được giao xử lý bãi rác này cho biết, sau một thời gian xử lý khối lượng rác được xác định tăng gấp 2 lần, khoảng 500.000 tấn.
Giám đốc Công ty TNHH Huy Hoàn, ông Phùng Văn Huy (doanh nghiệp được chủ đầu tư thuê xử lý rác) cho biết: "Theo phê duyệt đánh giá tác động môi trường xử lý bãi rác này, nilon phân loại sẽ được tái chế. Chúng tôi có lắp dây chuyền tái chế trong khuôn viên đất của dự án để tái chế và hoạt động được khoảng một năm. Nhưng do tỉnh Hải Dương muốn xây nhà đến đâu cho người dân vào ở đến đó. Việc tái chế phải dừng lại, do gây ô nhiễm”.
Sau một thời gian xử lý, doanh nghiệp đã phân loại được 5.000 tấn và sơ chế giặt, rửa, ép thành từng kiện. Nó trở thành nguyên liệu cho ngành sản xuất hạt nhựa bình thường, chứ không còn là rác thải nữa, ông Huy khẳng định.
Phủ bạt 1 phần rác ngoài trời |
Ông Huy nói, doanh nghiệp muốn thuê lại 10.000 m2 đất tại huyện Thanh Hà hoặc TP Chí Linh để di chuyển 5.000 tấn phế liệu đến tập kết và chờ phương án xử lý.
Đơn vị này đồng thời đề xuất phương án thứ 3 là cho phép thuê đất trong các khu công nghiệp của tỉnh Hải Dương để xây dựng nhà máy sản xuất tái chế hạt nhựa. Việc di chuyển bãi rác là việc làm tốt của doanh nghiệp giúp cho tỉnh.
Tuy vậy, ông Lưu Văn Bản kiên quyết bác bỏ tất cả các yêu cầu của doanh nghiệp.
Trong 2 tháng phải di dời số rác này |
“Tỉnh Hải Dương yêu cầu chủ đầu tư phải di dời số phế liệu này đi nơi khác trong vòng 60 ngày, chậm nhất đến ngày 15/5 phải dọn xong”, ông Bản nói.
Tổng cục Môi trường vào cuộc
Sau khi báo chí phản ánh về tình trạng núi rác thải chình ình trong khu đô thị đẹp nhất tỉnh Hải Dương, gây mất mĩ quan, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, lãnh đạo Tổng cục Môi trường thông tin: “Chúng tôi đã chỉ đạo Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc phối hợp Sở TN&MT tỉnh Hải Dương và các đơn vị liên quan để xử lý dứt điểm tình trạng rác nilon tại TP Hải Dương”.
Thể hiện quan điểm về vấn đề này, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường cho biết, việc xử lý số phế liệu trên phải tuân theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
TP Hải Dương từng phạt tiền hành vi để rác ngoài trời gây ô nhiễm của doanh nghiệp |
Hiện nay hành lang pháp luật về xử lý các vấn đề liên quan đến rác thải, phế liệu... đều có, không có cớ gì hàng năm rác thải nhựa vẫn chất thành núi như vậy.
Theo GS.TS Nhuệ, số phế liệu này phải được xử lý dứt điểm. Không thể mang từ chỗ này sang chỗ khác như đề xuất của doanh nghiệp.
Rác chất thành núi trong khu nhà giàu ở Hải Dương |
Phòng TN&MT TP Hải Dương cho hay, đang tích cực cùng các đơn vị đốc thúc, giám sát tiến độ di dời rác thải dạng phế liệu tại KĐT ven sông Thái Bình. Phía UBND thành phố cũng đã 2 lần ra văn bản xử phạt doanh nghiệp trong việc chậm trễ di chuyển khối rác này ra khỏi địa bàn.
Nguồn Vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tong-cuc-moi-truong-vao-cuoc-vu-nui-rac-trong-khu-nha-giau-o-hai-duong-824538.html
- Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi
- Siêu thị 0 đồng phục vụ bệnh nhân ung thư tại thành phố Hồ Chí Minh
- Cảnh báo mạo danh cơ quan BHXH yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân cập nhật thẻ BHYT trên ứng dụng VssID
- Cấp đổi thẻ căn cước trực tuyến được giảm 50% lệ phí
- Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
- Phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành 3 nhiệm vụ về hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Tổ chức xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước như chiến dịch, ngày hội của toàn dân
- Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật
- 1.337 chỉ tiêu tại Hội chợ việc làm cho người lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước