Trách nhiệm, đồng lòng chống lãng phí
UBND thành phố Hà Nội vừa công bố Quyết định số 6037/QĐ-UBND ngày 20-11-2024 thành lập “Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của UBND thành phố Hà Nội”.
Như vậy, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí. Bước đi tiên phong này đã khẳng định rõ hơn sự quyết liệt, đồng lòng, trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lãng phí của thành phố.
Thực tế trong những năm qua, công tác phòng, chống lãng phí đã được thành phố triển khai bài bản, với các giải pháp có tính chất "từ sớm, từ xa". Theo đó, thành phố đã thực hiện cơ cấu lại các khoản chi ngân sách, yêu cầu sử dụng có hiệu quả ngay từ khâu phân bổ và trong quá trình quản lý, điều hành ngân sách; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công… Đặc biệt, thành phố luôn quan tâm cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, tiết kiệm khoản chi thường xuyên, nhất là chi mua sắm công, đi công tác trong và ngoài nước… Vì vậy, kết quả đạt được rất tích cực và có tác động sâu rộng. Cụ thể năm 2023, Hà Nội đã tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng, trở thành một trong 3 địa phương tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước cao nhất cả nước.
Một điểm sáng nữa phải nói đến là thời gian qua, thành phố đã tập trung nhận diện, rà soát hơn 700 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai. Qua đó, thành phố kịp thời phát hiện những dự án kéo dài nhiều năm chưa thực hiện, dự án thu hồi đất dở dang gây lãng phí và đưa vào diện tháo gỡ để tái vận hành. Nổi bật là thời gian qua, UBND thành phố đã tháo gỡ vướng mắc, tồn tại đối với 2 dự án xây dựng công viên (Công viên Thiên Văn học và Công viên Cây đàn tại Khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông), kịp thời hoàn thành và đưa vào sử dụng, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Còn với những dự án không thể triển khai vì lý do khách quan, pháp lý, thành phố kiên quyết tiến hành thu hồi.
Đặc biệt, thực hiện “Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030”, thành phố đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với hàng nghìn cơ sở nhà, đất; tiến hành thu hồi phần diện tích nhà, đất phải bàn giao về thành phố quản lý; thu hồi diện tích nhà, đất vi phạm, sử dụng chưa đúng mục đích để lập phương án giao quản lý, khai thác và xử lý theo quy định... Việc này góp phần xây dựng một hệ thống quản lý tài sản công không chỉ bền vững, mà còn góp phần phát huy tối đa tiềm năng và giá trị của các nguồn lực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Tựu trung, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã từng bước bảo đảm đáp ứng các nhiệm vụ phát triển của thành phố; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Với những kết quả và kinh nghiệm đã đạt được, việc thành lập “Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của UBND thành phố Hà Nội” là bước đi tiếp theo mạnh mẽ hơn với yêu cầu trách nhiệm cao hơn đặt ra cho toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố trong công tác phòng, chống lãng phí.
Trên tinh thần nhất quán này, ngay sau khi “Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của UBND thành phố Hà Nội” được thành lập (ngày 20-11-2024), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh, Trưởng ban Chỉ đạo đã “đánh trống lệnh”, yêu cầu các cấp, ngành, địa phương liên quan “không chờ đợi, dứt khoát không lùi tiến độ, đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ - 2025, dự án đầu tư xây dựng Công viên hồ Phùng Khoang phải hoàn thành, đưa vào sử dụng”. Liên quan đến công trình này, người đứng đầu UBND thành phố đã phê bình thẳng thắn: “Không thể có chuyện dự án khu đô thị đã làm xong từ lâu mà dự án công trình xã hội cả chục năm vẫn chưa hoàn thành”. Thực tế, trước đó, dự án Công viên hồ Phùng Khoang dù đã thi công được nhiều hạng mục nhưng chưa thể đưa vào hoạt động do chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Như vậy, với trách nhiệm rất cao của chính quyền thành phố, cùng với dự án Công viên hồ Phùng Khoang, trong thời gian tới, các dự án, công trình chậm tiến độ, gây lãng phí sẽ được “chỉ mặt, gọi tên”, từ đó thành phố sẽ kịp thời tháo gỡ những nút thắt, giảm thiểu lãng phí nguồn lực của Nhà nước, xã hội và quan trọng hơn là có giải pháp đưa vào sử dụng, khai thác nhằm phát huy giá trị, hiệu quả.
Nhìn rộng hơn, thành phố sẽ quyết tâm đưa công tác phòng, chống lãng phí thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục với mục tiêu cao nhất là huy động mọi nguồn lực đầu tư xã hội từ đất đai, tài nguyên, vốn đầu tư ngoài ngân sách, đồng thời sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn đầu tư công, các khoản chi từ ngân sách nhà nước.
Có thể thấy, những bước đi tiên phong, mạnh mẽ của thành phố Hà Nội chính là nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm được nêu trong bài viết “Chống lãng phí”, đó là: “Xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hằng ngày”. Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước, công sức của nhân dân, sự đóng góp của tập thể và công sức của mỗi cá nhân; coi việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ hằng ngày”.
- Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng - “Sắc hoa trên miền di sản”
- Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine do căng thẳng leo thang
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Cấp đổi thẻ căn cước trực tuyến được giảm 50% lệ phí
- Ban hành Công điện về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
- Thêm sức sống mới cho di sản văn hóa phi vật thể