Trách nhiệm người đứng đầu

Thứ ba, ngày 2 tháng 7 năm 2024 | 14:24

Thời gian gần đây, nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đã được đưa ra ánh sáng với không ít người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương bị xử lý kỷ luật, thậm chí vướng vào vòng lao lý. Điều này khiến dư luận không khỏi trăn trở về năng lực lãnh đạo, quản trị, phẩm chất đạo đức, tư cách của họ.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị là người được trao quyền để thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý, điều hành mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị. Họ có vai trò quan trọng, quyết định đến kết quả lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Là người có quyền hạn cao nhất, họ cũng phải chịu trách nhiệm chính về những hoạt động của cơ quan, đơn vị do mình phụ trách.

Để đưa ra các quyết định chính xác, hiệu quả nhất, người đứng đầu cần luôn dựa trên nguyên tắc tối thượng là tuân thủ nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, quy định của pháp luật.

Những biện pháp chủ đạo mà người đứng đầu hay áp dụng trong quá trình thực thi nhiệm vụ là nêu cao trách nhiệm, không ngừng học tập nâng cao trình độ, năng lực; sâu sát công việc, sâu sát quản lý con người; gương mẫu, nói đi đôi với làm…

Thực tế cho thấy, hầu hết người đứng đầu đều tuân thủ quy định pháp luật, nắm chắc chức trách, nhiệm vụ được giao; lãnh đạo, quản lý tập thể thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch mang lại hiệu quả. Ví dụ như việc người đứng đầu các cấp, các ngành liên quan lãnh đạo, điều hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong cả nước. Chương trình này giúp bộ mặt nông thôn thay đổi tích cực, toàn diện và đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được nâng cao. Hay như việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, nhiều địa phương đã có những sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt chất lượng 5 sao, xuất khẩu ra nước ngoài, giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Tuy nhiên, bên cạnh đó có không ít trường hợp người đứng đầu bị xử lý. Mới đây nhất, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có báo cáo gửi Quốc hội về công tác tòa án từ tháng 10-2023 đến tháng 3-2024. Theo đó, trong thời gian này, các tòa án thụ lý theo thủ tục sơ thẩm hơn 2.860 vụ, với hơn 6.450 bị cáo; đã xét xử hơn 1.900 vụ, hơn 3.750 bị cáo. Đáng chú ý là, cùng với số vụ án kinh tế, tham nhũng… mà tòa đã xét xử thì các tội về "tham ô tài sản", "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"… có xu hướng tăng và đi liền với đó là câu chuyện trách nhiệm người đứng đầu.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng đáng buồn như trên, trong đó nổi lên, bản thân người đứng đầu không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình, để chủ nghĩa cá nhân lấn át, bị gục ngã trước “viên đạn bọc đường”. Họ đưa ra các quyết định sai với nguyên tắc lãnh đạo của Đảng với mưu đồ lợi ích cá nhân.

Ví dụ, họ bổ nhiệm người nhà, người thân, người quen thiếu các tiêu chí và thậm chí không nằm trong quy hoạch, cho dù vẫn đúng quy trình công tác cán bộ. Trong quản lý, họ tìm nhiều cách lách luật khi triển khai thực hiện dự án, đề án… để hưởng lợi. Họ tạo cơ hội, thời cơ cho “sân sau” được thực hiện dự án, đề án hoặc độc quyền cung cấp dịch vụ. Tình trạng bán đất, tổ chức thực hiện dự án không qua đấu thầu hoặc thông thầu diễn ra ở nhiều nơi, khiến nhiều cán bộ đứng đầu thân bại, danh liệt...

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: "Một đảng viên ở địa vị càng cao, thì càng phải giữ đúng kỷ luật của Đảng, càng phải làm gương dân chủ" và "Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước".

Nhân dân đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự quản lý của Nhà nước, trước hết là những người đứng đầu ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Nếu người đứng đầu trong sạch, không tham lam, hết lòng vì quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân; đấu tranh ngăn ngừa tiêu cực, sử dụng các nguồn lực trong quyền hạn hợp lý, hiệu quả thì không chỉ đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được bảo đảm mà ngay cả trình độ nhận thức, dân trí cũng như năng lực hành vi thực thi pháp luật của nhân dân cũng được nâng lên.

Muốn làm được điều đó, một trong những vấn đề cốt yếu và quan trọng là bản thân những người được giao trách nhiệm đứng đầu phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ, trách nhiệm và luôn ghi tâm khắc cốt lấy cống hiến làm trọng.

Các cấp ủy Đảng cần có biện pháp nghiêm ngặt hơn trong đánh giá, lựa chọn cán bộ, đề bạt, bổ nhiệm người đứng đầu. Trong công tác cán bộ cần thực hiện nghiêm Quy định số 80-QĐ/TƯ (ngày 18-8-2022) của Bộ Chính trị về “Phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”. Đặc biệt là cần khẩn trương quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 142-QĐ/TƯ (ngày 23-4-2024) của Bộ Chính trị “Thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ”, nhất là vấn đề quyền của người đứng đầu trong lựa chọn cấp phó. Quy định số 142-QĐ/TƯ đã tăng quyền cho người đứng đầu, đồng thời xác định trách nhiệm người đứng đầu trong việc lựa chọn nhân sự cấp phó trực tiếp của mình.

Đây được xem là sự đột phá khi trách nhiệm của người đứng đầu được đề cao trong việc lựa chọn, nhân sự cấp dưới của mình; chấm dứt tình trạng tồn tại lâu nay là không cá nhân nào phải chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra sai sót trong việc giới thiệu nhân sự.

Cấp ủy các cấp cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảng viên, tổ chức Đảng trong chấp hành các nguyên tắc, quy định của Đảng, cũng như các quy định của pháp luật; phát huy dân chủ, huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân trong hoạt động giám sát. Bên cạnh đó, các cấp làm tốt hơn nữa công tác kê khai tài sản, thu nhập; yêu cầu cá nhân giải trình kỹ lưỡng, những tài sản nào không rõ nguồn gốc phải xung công quỹ nhà nước, đồng thời xử lý theo quy định của pháp luật.