Trang bị “vắc xin số” giúp học sinh an toàn trên không gian mạng
Cuộc thi Học sinh với An toàn thông tin 2022 sẽ tập trung cung cấp các kiến thức và kỹ năng sử dụng Internet an toàn cho học sinh THCS, giúp các em có “vắc xin số” để tự bảo vệ, tự phát triển lành mạnh, sáng tạo trên mạng.
Lần đầu Việt Nam có cuộc thi an toàn thông tin dành cho học sinh
Ngày 13/1, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam - VNISA phối hợp Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) và Cục trẻ em (Bộ LĐTB&XH) đã chính thức giới thiệu về cuộc thi Học sinh với An toàn thông tin năm 2022.
Theo Chủ tịch VNISA Nguyễn Thành Hưng, cuộc thi Học sinh với An toàn thông tin sẽ được Hiệp hội tổ chức thường niên. |
Chia sẻ tại sự kiện, Chủ tịch VNISA Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, chăm sóc và bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội. Trong thời đại số, Internet đã trở thành một môi trường để trẻ em học tập, vui chơi, kết nối bạn bè, nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xâm hại. Bởi vậy, tạo điều kiện để trẻ em nâng cao nhận thức và kỹ năng tự bảo vệ trên không gian mạng là một vấn đề được quan tâm đặc biệt tại nhiều quốc gia trên thế giới và tại Việt Nam.
Với vai trò là một hiệp hội nghề nghiệp trong lĩnh vực an toàn thông tin, nhận rõ trách nhiệm xã hội của mình đối với thế hệ trẻ, năm 2022 Hiệp hội đã chủ trì tổ chức cuộc thi trực tuyến Học sinh với An toàn thông tin năm 2022.
Việc tổ chức Cuộc thi cũng nhằm thực hiện Đề án về “Tuyên truyền nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin giai đoạn 2021-2025” và “Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cuộc thi sẽ cung cấp kiến thức, kỹ năng sử dụng Internet an toàn cho các em học sinh, tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích, phát huy khả năng tư duy của học sinh, giúp các em nhận diện và phòng, tránh các nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng.
“Đây là năm đầu tiên cuộc thi được Hiệp hội chủ trì tổ chức và sẽ được duy trì, trở thành một phần trong chuỗi hoạt động Ngày an toàn thông tin Việt Nam hàng năm”, ông Nguyễn Thành Hưng cho biết thêm.
Đại diện Bộ TT&TT, Cục trưởng Cục An toàn thông tin Nguyễn Thành Phúc cho hay, dân số Việt Nam hiện có khoảng 98 triệu dân, trong đó có khoảng 24,7 triệu là trẻ em. Tại Việt Nam, 2/3 trẻ em có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet trong đó, 43,4% có thời gian sử dụng trung bình một ngày từ 1-3 tiếng.
Môi trường Internet mang lại nhiều lợi ích và cơ hội cho trẻ em như: Cung cấp kiến thức, thông tin; tương tác, chia sẻ, kết nối; vui chơi, giải trí hấp dẫn, đa dạng. Tuy nhiên, Internet cũng có nhiều cạm bẫy khó lường đối với nhóm đối tượng là trẻ em - vốn chưa có đầy đủ nhận thức và kỹ năng để tự bảo vệ bản thân trên môi trường mạng.
“Với vấn đề trên, cách tốt nhất là trang bị cho trẻ các kiến thức, kỹ năng, công cụ cần thiết, những thứ có thể coi như là “Vắc xin số” để trẻ em có thể tự bảo vệ, tự phát triển an toàn lành mạnh trên môi trường mạng”, ông Nguyễn Thành Phúc nhận định.
Đồng thuận với quan điểm của lãnh đạo Cục An toàn thông tin, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục trẻ em cho biết, Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 do Cục quản lý trong năm 2021 đã nhận được 458 cuộc gọi tư vấn về các vấn đề trên môi trường mạng, tăng gấp đôi số cuộc gọi năm 2020. Số liệu này càng cho thấy việc trang bị cho các em học sinh “Vắc xin số” là cần thiết, đặc biệt cuộc thi hướng tới học sinh THCS và tiến tới các cấp học khác.
Kỳ vọng cuộc thi thu hút 1 triệu học sinh trên cả nước
Theo đại diện Ban tổ chức, công tác tổ chức cuộc thi Học sinh với An toàn thông tin đã được khởi động từ năm 2021. Để đảo đảm khả năng chủ động trong quá trình triển khai thi, Ban tổ chức đã phối hợp với Bkav xây dựng, phát triển phần mềm đề thi riêng, để có thể làm chủ, cải tiến qua từng năm.
Đến tháng 10/2021, ngân hàng đề thi và phần mềm thi đã được xây dựng xong, sẵn sàng cho Cuộc thi được tổ chức vào tháng 11/2021. Bên cạnh website giới thiệu cuộc thi tại địa chỉ childsafe.vn, bộ phim hoạt hình về cuộc thi đã được hoàn thành từ tháng 6/2021 dưới sự hỗ trợ của Cục An toàn thông tin và tổ chức JICA Việt Nam.
Thông tin đăng ký thi, làm bài và ôn thi sẽ được cập nhật trên website childsafe.vn từ 15/2/2022. |
Trong năm đầu tiên được tổ chức, cuộc thi Học sinh với an toàn thông tin tập trung trước hết vào đối tượng học sinh THCS trên toàn quốc. Trong số 6 triệu học sinh của 15.000 trường THCS trong cả nước, Ban tổ chức kỳ vọng cuộc thi năm nay sẽ thu hút được 1 triệu em học sinh tham gia.
Nội dung thi gồm các kiến thức về quy định pháp luật liên quan tới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và những kiến thức, kỹ năng cơ bản phòng chống nguy cơ mất an toàn, phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và một số tình huống ví dụ điển hình.
Các thí sinh dự thi trực tuyến qua website thihsattt.vn của Ban tổ chức cuộc thi. Mỗi thí sinh chỉ đăng ký một tài khoản để dự thi. Thí sinh chỉ được thi 1 lần và có thể tham gia thi vào bất cứ thời điểm nào trong khoảng thời gian mà Ban Tổ chức thông báo.
Theo kế hoạch, hệ thống thi thử sẽ được mở từ ngày 16/2/2022. Các thí sinh được thử thi không hạn chế số lần. Thời gian thi chính thức dự kiến kéo dài từ 3/3 đến 24/3/2022, ngay sau khi cuộc thi được chính thức phát động.
Nguồn Congluan.vn
https://ictnews.vietnamnet.vn/bao-mat/trang-bi-ky-nang-su-dung-internet-an-toan-cho-hoc-sinh-ca-nuoc-402696.html
- OpenAI chi bao nhiêu để mua nội dung đào tạo ChatGPT?
- OpenAI nhắm đến hai địa hạt thống trị của Google
- Doanh nghiệp Việt loay hoay tăng thu giảm chi bằng chuyển đổi số
- Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số
- Điện thoại Trung Quốc thách thức Samsung, Apple tại châu Âu
- Khóa tài khoản, xóa nội dung vi phạm trên Internet là kịp thời, cần thiết
- Doanh nghiệp Việt học hỏi được gì từ hành trình hồi sinh của gã khổng lồ Kodak?
- Ai cũng có thể là nạn nhân của deepfake khiêu dâm trong kỷ nguyên AI
- LG Display đầu tư thêm 1 tỷ USD mở rộng sản xuất tại Việt Nam