Trẻ đi học trực tiếp, những lưu ý phòng lây nhiễm Covid-19
Chuẩn bị khẩu trang, nước sát khuẩn, bình uống nước riêng… cho trẻ; đo nhiệt kế cho con trước khi đến trường là những điều phụ huynh nên lưu ý.
TS.BS Vũ Tùng Sơn, Phó chủ nhiệm Khoa Dịch tễ, Học viện Quân y, cho rằng, khi học sinh trở lại trường, việc phát hiện F0 là điều khó tránh khỏi. Theo TS.BS Vũ Tùng Sơn công tác phòng chống dịch Covid-19 với nhà trường vẫn là giám sát học sinh. Cụ thể, nhà trường chủ động phát hiện các ca có triệu chứng (ho, sốt, khó thở…) và tiến hành test nhanh. Nếu một lớp xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2, chỉ yêu cầu lớp đó nghỉ học thay vì để tất cả các lớp nghỉ. Các lớp khác vẫn tiến hành hoạt động dạy và học bình thường.
Nhà trường phải bố trí phòng thông thoáng, mở cửa sổ, phòng có quạt... Nên phân loại rác, để thùng rác bỏ khẩu trang ra riêng nhằm tránh lây nhiễm cho học sinh, giáo viên và người làm công tác vệ sinh.
Đặc biệt, học sinh, giáo viên phải tuân thủ các biện pháp 5K. Học sinh khi trở lại trường học phải mang khẩu trang, mỗi em nên có thêm khẩu trang y tế để dự phòng. Học sinh cũng nên chuẩn bị sẵn bình nước uống riêng, không sử dụng chung để hạn chế lây nhiễm.
Giáo viên nên hướng dẫn các em tránh tụ tập, giữ khoảng cách với các bạn, tại mỗi lớp nên bố trí bình sát khuẩn. Ngoài ra, các em cũng nên có thêm chai sát trùng khử khuẩn riêng. Học sinh được hướng dẫn, nhắc nhở rửa tay, sát khuẩn tay trước khi đến trường, khi về nhà và khi cần thiết.
Về việc đo nhiệt độ cho học sinh, theo TS.BS Tùng Sơn, trước khi trẻ đi học, phụ huynh dùng nhiệt kế đo thân nhiệt cho các em, nếu thấy sốt nên cho con ở nhà để theo dõi, xử lý. “Trong quá trình học, học sinh nào có các triệu chứng mệt mỏi, ho sốt... cần báo ngay cho giáo viên, người quản lý để được xử lý, theo dõi”, TS.BS Sơn nhấn mạnh.
Về chế độ dinh dưỡng, học sinh nên theo chế độ dinh dưỡng đã được các trường thiết kế theo hoạt động hàng ngày. “Chế độ đó đã đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ. Điều quan trọng nhất vẫn là thực hiện 5K”, TS.BS Tùng Sơn chia sẻ.
Ngoài ra, BS Sơn nói thêm: “Việc tiếp xúc gần với F0 trên 15 phút cũng được xem là nguy cơ vì vậy việc chia buổi học (không bán trú) không có ý nghĩa về phòng chống dịch. Hãy để trẻ được học theo lịch bình thường, nếu có ca nhiễm xử lý theo quy định”.
Tương tự, Bác sĩ nhi khoa Mạnh Cường (Thành viên nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ chăm sóc, điều trị F0 tại nhà) cũng đưa ra 10 điều cha mẹ cần làm để trẻ phòng Covid khi đến trường
1. Không đưa trẻ đến trường nếu phụ huynh hoặc trẻ là F0, đang trong thời gian cách ly tại nhà và bé có biểu hiện sốt, ho, khó thở… Phụ huynh phải thường xuyên liên lạc với chủ nhiệm lớp và Hội trưởng Hội phụ huynh để nắm tình hình dịch bệnh ở trường. Nếu ở lớp có học sinh là F0, các phụ huynh hết sức bình tĩnh để cùng nhà trường, bác sĩ giải quyết bởi nếu con đeo khẩu trang đúng nguyên tắc, thực hiện 5K, nguy cơ lây nhiễm rất thấp.
2. Đeo khẩu trang cho phụ huynh và cho trẻ. Phụ huynh nên chuẩn bị khẩu trang dự phòng cho con để thay thế khi cần thiết. Đồng thời dặn con luôn đeo khẩu trang khi học ở trường. Nguyên tắc đeo khẩu trang như sau:
- Che kín mũi, miệng, cằm
- Đeo khẩu trang sát mặt, thanh nhựa hoặc kim loại ôm sát mũi
- Đeo khẩu trang khi giao tiếp với người khác
- Khi tháo khẩu trang nên nhắm mắt, nín thở, tháo để đúng nơi quy định.
3. Hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn vào các thời điểm:
- Trước khi đến trường
- Sau khi trở về nhà
- Sau khi tay bẩn, trước khi ăn, sau đi vệ sinh…
- Rửa tay theo hướng dẫn của nhân viên nhà trường
Lưu ý: Nên trang bị cho bé thêm dung dịch sát khuẩn mang theo khi đến trường.
4. Dặn con súc miệng và xịt mũi bằng nước muối thường xuyên
Đây là biện pháp đơn giản, dễ thực hiện nhưng rất hiện quả dự phòng nhiễm các bệnh đường hô hấp trên. Bố mẹ có thể chuẩn bị pha sẵn các chai nước muối để con mang đến trường. Phụ huynh cũng có thể chuẩn bị các lọ xịt họng, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý 5-6 lần/ngày để làm sạch, làm ẩm niêm mạc mũi.
5. Đảm bảo con có chế độ ăn uống, ngủ nghỉ và thể dục hơp lý
Để con có sức đề kháng tốt chống lại Covid-19, bé phải được ăn uống hợp lý. Bố mẹ có thể tham khảo thực đơn dinh dưỡng của bác sĩ. Ngoài ra, phụ huynh hướng dẫn con tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày, duy trì thể lực tốt. Trẻ phải được ngủ đúng giờ, không thức quá 11h để xem phim hay chơi game gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.
6. Kiểm tra, giám sát sức khỏe trẻ thường xuyên: Đo nhiệt độ cho con 2 lần/ngày, mỗi lần đo để nhiệt kế trong 5 phút. Đo SpO2 2 lần/ngày, trẻ nhỏ nên đo ngón chân cái nếu ngón tay không đo được.
7. Giữ khoảng cách giữa các con: Phụ huynh và giáo viên dặn dò, hướng dẫn các bé trong lớp học cần ngồi đúng khoảng cách đảm bảo an toàn và học hiệu quả. Tránh để các con chơi đùa mệt quá dẫn đến tháo khẩu trang trong khi chơi đùa.
8. Hạn chế trẻ tiếp xúc, dùng chung các đồ vật
- Bố mẹ nên chuẩn bị đầy đủ dụng cụ học tập, các vật dụng như bình nước, khăn mặt... tránh tình trạng thiếu dẫn đến con phải mượn bạn và dùng chung.
- Hướng dẫn trẻ bỏ các thói quen xấu: căn ngậm bút khi học, không đưa tay lên mũi miệng.
- Sát trùng mặt bàn học và các dụng cụ học tập: cặp sách, bút, thước...
- Thay quần áo mỗi ngày khi con đi học về.
9. Phụ huynh phải phối hợp với nhà trường: Gia đình cần thực hiện những hướng dẫn của Nhà trường trong phòng và chống dịch Covid-19. Các trường cần làm:
- Đo thân nhiệt cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên trước khi vào trường và lớp học.
- Thực hiện đeo khẩu trang đúng cách, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, không dùng chung các đồ dùng cá nhân, bỏ rác đúng nơi quy định.
- Hạn chế phụ huynh học sinh, người không có nhiệm vụ vào trong trường.
Giáo viên và người quản lý cũng không để bé lang thang đi chơi tại các quán Internet hay ăn uống tụ tập quanh cổng trường. Hãy để nhà trường là mỗi "chiến đài" an toàn bảo vệ các con chứ không phải nơi tích lũy mầm bệnh.
10. Đưa bé đi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đầy đủ và đúng độ tuổi theo yêu cầu nhà trường và y tế địa phương.
Nguồn Vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/tre-di-hoc-truc-tiep-tai-truong-nhung-luu-y-phong-lay-nhiem-covid-19-2005972.html
- Phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm sau khi vô tình đọc báo
- Bé 4 tuổi đi cấp cứu với tiên lượng tử vong do biến chứng đái tháo đường
- 4 triệu chứng ở chân cảnh báo bệnh tiểu đường đã nghiêm trọng
- Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng
- 4 thực phẩm giúp giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư
- Ngứa cảnh báo tình trạng nguy hiểm không chỉ là bệnh ngoài da khi trời hanh khô
- Căn bệnh khiến nhiều người không bao giờ tỉnh lại vào ngày hôm sau
- Bác sĩ trẻ phát hiện mắc ung thư giai đoạn cuối từ 2 dấu hiệu mờ nhạt
- Hà Nội: Số ca mắc sởi, sốt xuất huyết trong tuần cao nhất từ đầu năm