Triển khai Luật Thủ đô năm 2024: Chủ động, trách nhiệm, đồng bộ, hiệu quả

Thứ hai, ngày 12 tháng 8 năm 2024 | 9:22

Tăng cường tính chủ động, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm triển khai kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội

Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đang được thành phố Hà Nội triển khai nhằm sớm đưa Luật Thủ đô năm 2024 đi vào cuộc sống.

dua-quy-dinh-trong-luat-thu-do-nam-2024-som-di-vao-cuoc-song-se-giup-ha-noi-tao-dot-pha-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi.-anh-do-tam.jpg

Đưa quy định trong Luật Thủ đô năm 2024 sớm đi vào cuộc sống sẽ giúp Hà Nội tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Đỗ Tâm

Gỡ khó cho nhiệm vụ đặc biệt quan trọng

Để triển khai Luật Thủ đô năm 2024 nói riêng, các văn bản pháp luật nói chung, công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn quy định chi tiết là nhiệm vụ quyết định đến tính khả thi, hiệu quả khi thi hành luật.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhận định, đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhưng cũng rất khó khăn đối với thành phố. Luật giao ban hành văn bản để triển khai thực hiện 96 nhiệm vụ, trong đó có 74 nhiệm vụ phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật; 22 nhiệm vụ cần ban hành văn bản cá biệt.

Trước nhiệm vụ quan trọng này, Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, thành phố đã chuẩn bị và đôn đốc các đơn vị, địa phương được giao thẩm quyền chủ động vào cuộc với tinh thần “từ sớm, từ xa”, từ trước khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ bảy.

Thông tin về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu cho biết, để đôn đốc công tác phối hợp 53 nhiệm vụ trong Luật Thủ đô năm 2024, Sở đã thành lập tổ công tác. Trong kỳ họp thứ mười bảy, HĐND thành phố vừa qua, Sở Tài chính đã chủ động tham mưu HĐND thành phố bổ sung vào kế hoạch chi ngân sách kinh phí 10 tỷ đồng để triển khai nhiệm vụ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong Luật Thủ đô 2024.

phat-trien-do-thi-theo-dinh-huong-giao-thong-cong-cong-tod-la-mot-mo-hinh-moi-can-duoc-quy-dinh-chi-tiet-trong-luat-thu-do.-anh-nguyen-quang.jpg

Đưa quy định trong Luật Thủ đô năm 2024 sớm đi vào cuộc sống sẽ giúp Hà Nội tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Đỗ Tâm

Đối với việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xác định trong Luật Thủ đô có nhiều nội dung đặc thù liên quan đến giáo dục - đào tạo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Sở đã xây dựng khoảng 10 văn bản liên quan đến nghị quyết, kế hoạch, thông tư để tham mưu với Chính phủ, bộ và UBND thành phố xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật.

Đối với phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) - một nội dung khó khăn để quy định chi tiết do đây là mô hình mới, nhiều nội dung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, Sở sẽ tham mưu HĐND, UBND thành phố sau khi Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội được trình Chính phủ, Bộ Chính trị xem xét nhằm bảo đảm đồng bộ các cơ chế, chính sách.

Bên cạnh những công việc đã được thành phố triển khai, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho rằng, thành phố cần quan tâm lấy ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý, khoa học, nhân dân trong quá trình triển khai bằng phương thức phù hợp để mọi tầng lớp dễ tiếp cận, dễ tham gia ý kiến, qua đó mang lại hiệu quả cao.

Bảo đảm đủ cơ chế thi hành Luật ngay khi có hiệu lực

Trước mắt, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố sẽ phối hợp cùng các cơ quan trung ương xây dựng và trình Chính phủ 3 nội dung; thành phố xây dựng và ban hành văn bản triển khai 39 nội dung thuộc thẩm quyền, hoàn thành trước ngày 1-1-2025 để bảo đảm hiệu lực thi hành Luật Thủ đô. Thường trực HĐND thành phố dự kiến tổ chức 2 kỳ họp chuyên đề, dự kiến 1 kỳ tổ chức trong tháng 11-2024 và 1 kỳ tổ chức trong tháng 5-2025, bảo đảm hướng dẫn kịp thời phần lớn quy định của Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025 và 7 quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025.

“Đi trước, đón đầu” triển khai thực hiện các quy định của Luật, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, quận cùng với 3 quận có liên quan đã nhanh chóng triển khai Đề án “Xây dựng công viên văn hóa, cảnh quan bãi giữa sông Hồng”. Quận rất mong thành phố sớm ban hành kế hoạch và hướng dẫn để có căn cứ triển khai hiệu quả đề án trong giai đoạn tiếp theo. Các hướng dẫn triển khai cần phải chặt chẽ, đồng bộ, bảo đảm tính khả thi cao, đặc biệt là các chính sách liên quan đến các quy định tập trung nguồn lực xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, thành phố thành lập tổ công tác nhằm xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và quy định theo thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô năm 2024.

Đối với công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương rà soát từng lĩnh vực để xác định nhiệm vụ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết; đồng thời xem xét bổ sung, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm đồng bộ hóa, tránh xảy ra chồng chéo, xung đột giữa các quy định của Luật với các quy định được HĐND thành phố quyết nghị trong những năm qua. Bên cạnh đó, UBND thành phố sẽ đề xuất cơ chế, điều kiện đặc thù về kinh phí, nhân lực xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Luật, với mục tiêu cao nhất là bảo đảm Luật Thủ đô năm 2024 đi vào cuộc sống ngay sau khi có hiệu lực thi hành.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy:
Khối lượng văn bản quy phạm pháp luật cần ban hành rất lớn

638587271955400061-nguyenphuongthuy.jpg

Luật Thủ đô năm 2024 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ bảy mới là bước đầu, vì đây là đạo luật về phân quyền. Công việc mà chính quyền thành phố Hà Nội sẽ phải triển khai rất lớn. Luật có rất nhiều nội dung phân quyền cho chính quyền thành phố, do đó khối lượng văn bản quy phạm pháp luật cần tiếp tục ban hành để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách này rất lớn.
Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền thành phố Hà Nội cần tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể, thực hiện các chính sách “mở đường” trong Luật. Cùng với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, đây sẽ là những nền tảng pháp lý, cơ sở quan trọng tạo ra thế và lực cho Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới, để Thủ đô thực sự Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.

Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn:
Sẽ đề xuất mức chi xây dựng các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô

638587271953371853-ngoanhtuan.jpg

Để triển khai thi hành Luật Thủ đô năm 2024 kịp thời, hiệu quả; phát huy các chính sách mang tính vượt trội, đặc thù, Sở Tư pháp Hà Nội sẽ tập trung tham mưu UBND thành phố thực hiện xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật. Đồng thời, Sở sẽ xây dựng và ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành thuộc thẩm quyền trong Luật Thủ đô năm 2024 giao cho ngành Tư pháp, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới; tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết Luật ở các sở, ban, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, căn cứ kế hoạch của UBND thành phố, Sở Tư pháp sẽ báo cáo đề xuất HĐND thành phố tại kỳ họp thứ mười tám để bổ sung Nghị quyết quy định một số nội dung mức chi xây dựng các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô và tổ chức thi hành Luật Thủ đô…

Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Duy Hoàng Dương:
Thống nhất kế hoạch triển khai các nội dung thuộc thẩm quyền

638587271950095517-duyhoangduong.jpg

Các ban HĐND thành phố và các cơ quan của UBND thành phố Hà Nội đã phối hợp rà soát, khớp nối cả về nội dung và cập nhật tiến độ để thống nhất kế hoạch trong các nội dung liên quan đến thẩm quyền của thành phố. Tôi đồng tình với quan điểm của UBND thành phố về việc cần lập tổ soạn thảo các nội dung, văn bản quy phạm pháp luật thi hành Luật Thủ đô năm 2024. Từ đó, các sở, ban, ngành thành phố cũng cần tham gia tổ soạn thảo; thủ trưởng các sở, ngành cần có thống nhất trong lãnh đạo, tham mưu với UBND thành phố trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
UBND thành phố cũng cần đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền, phổ biến Luật đến các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động với nội dung thiết thực và hình thức phù hợp; nhất là đội ngũ cán bộ tham mưu về các cơ chế, chính sách được quy định trong Luật Thủ đô năm 2024.

Mai Hữu ghi