Triển khai mô hình ATTP tại bếp ăn trường học: Kiểm soát chặt từng khâu
Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) bếp ăn tập thể trong các trường học đang là mối quan tâm lớn của gia đình, nhà trường và toàn xã hội, đặc biệt là khối Mầm non, Tiểu học và THCS, nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm, hậu quả sẽ rất lớn.
Thời gian qua, Hà Nội đã chỉ đạo sát sao các địa phương, ngành GD&ĐT Thủ đô, cùng các nhà trường nghiêm túc thực hiện kiểm tra, giám sát đảm bảo ATTP trong học đường, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Chủ động kiểm soát ATTP bếp ăn tập thể trường học
Trường Tiểu học Lê Văn Tám, quận Hai Bà Trưng có 50 lớp ăn bán trú với 15 nhân viên phục vụ bếp ăn, mỗi ngày cung cấp hơn 1.000 suất ăn bán trú. Nhà trường ký hợp đồng với Công ty TNHH Hương Việt Sinh cung cấp suất ăn bán trú cho học sinh, đồng thời chủ động kiểm soát tổng thể về công tác ATTP.
Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Đặng Thanh Phong kiểm tra ATTP tại bếp ăn tập thể trường Tiểu học Lê Văn Tám, quận Hai Bà Trưng.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hảo – Hiệu trưởng trường Lê Văn Tám cho biết, với bếp ăn tập thể, nhà trường đã bố trí khu vực chế biến bảo đảm nguyên tắc một chiều, có tủ lưu mẫu thực phẩm hàng ngày, được dán tem nhãn niêm yết ngày giờ rõ ràng, dụng cụ chế biến, bát đĩa vệ sinh sạch sẽ; có phân khu thức ăn chín - sống riêng biệt. Việc lưu mẫu thức ăn, kiểm thực 3 bước được thực hiện đúng quy định… Chất lượng dầu ăn luôn được kiểm tra đảm bảo.
Đồng thời, nhà trường xuất trình đầy đủ các giấy tờ về nguồn gốc thực phẩm, hóa đơn chứng từ... Nguồn nguyên liệu đầu vào được giám sát chặt chẽ từ khâu nhận thực phẩm chế biến món ăn chia suất cho học sinh bán trú đảm bảo vệ sinh. Nhân viên chế biến, phục vụ bán trú thường xuyên được trang bị kiến thức về vệ sinh ATTP.
Bếp ăn tập thể trường Tiểu học Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm nấu 1.600 suất ăn bán trú với 90% số học sinh tham gia. Đơn vị không trực tiếp nấu mà ký hợp đồng với công ty chuyên nấu ăn nhưng tổ chức nấu ăn tại bếp nhà trường.
“Với bếp ăn tập thể trường học, khâu kiểm soát nguồn gốc ngay từ đầu là khâu quan trọng nhất, sau đó đến việc đảm bảo vệ sinh trong nhà bếp. Vì vậy, nhà trường luôn chủ động kiểm soát công tác bảo đảm ATTP từ nhập nguyên liệu cho đến khâu chia đồ ăn cho các học sinh” - cô giáo Nguyễn Thị Kim Thu – Hiệu trưởng trường Tiểu học Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm cho hay.
Qua kiểm tra của các cơ quan chuyên môn và địa phương, các bếp ăn trên địa bàn đều tuân thủ quy định về ATTP và đầy đủ thủ tục pháp lý.
Đề cập đến vấn đề này, Phó trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, địa phương sẽ tập trung vào việc kiểm soát, đánh giá nguồn gốc thực phẩm cung cấp vào trường học. Đồng thời quận sẽ kiểm tra đột xuất các điều kiện đảm bảo ATTP trong trường học kèm theo công tác phòng, chống dịch.
Tăng cường quản lý, phòng, chống ngộ độc thực phẩm
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, TP hiện có 4.538 trường học có bếp ăn bán trú, căng tin. Trong đó, khối Mầm non có 3.736 trường; Tiểu học có 535 trường, còn lại là khối các trường THCS, THPT. Theo thống kê, có 3.967 trường học tự tổ chức nấu ăn; 484 trường liên kết ký hợp đồng nhà thầu; 87 trường ký hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn đưa từ bên ngoài vào. Trung bình một ngày, các trường học cung cấp 117.024 suất ăn cho học sinh.
Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội Lê Thị Hằng cho biết, những năm qua, công tác bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể trường học đã được chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ trong quản lý. Nhờ đó, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhận thức, thực hành của người chế biến tại các bếp ăn tập thể đã được nâng lên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vấn đề bảo đảm ATTP tại bếp ăn trường học vẫn còn tồn tại những hạn chế. Điển hình là nguồn gốc thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ, ý thức của nhân viên trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm chưa cao, dụng cụ chứa đựng chất thải không có nắp đậy, không được vận chuyển thu dọn hằng ngày… Do đó, tình trạng ngộ độc vẫn xảy ra tại bếp ăn tập thể trường học.
Trước thực tế đó, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình kiểm soát ATTP (giai đoạn năm 2022 và 2023) tại 100% bếp ăn tập thể của 215 trường tiểu học thuộc 10 quận, huyện: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Ba Vì, Đông Anh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Quốc Oai. Với mô hình này, Sở Y tế Hà Nội đặt mục tiêu, 100% bếp ăn tập thể trường tiểu học được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, ký cam kết trách nhiệm bảo đảm ATTP; niêm yết công khai địa chỉ nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm tại bảng tin nhà trường.
Ngoài ra, 100% người lãnh đạo quản lý, người chế biến, người kinh doanh, cô nuôi tại các trường tiểu học xây dựng mô hình được bồi dưỡng kiến thức về ATTP; 100% bếp ăn tập thể trường tiểu học được kiểm tra, giám sát theo quy định và thành lập tổ tự giám sát ATTP, có phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.
Ngoài tiêu chí về hồ sơ, thủ tục pháp lý như giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, bản cam kết trách nhiệm, niêm yết công khai nguồn gốc nguyên liệu tại trường, theo hướng dẫn của Sở Y tế Hà Nội, khi tham gia vào mô hình kiểm soát ATTP, các bếp ăn tập thể trường Tiểu học còn phải đáp ứng 11 tiêu chí về điều kiện ATTP.
Liên quan đến mô hình này, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, để tăng cường công tác quản lý ATTP trong tình hình mới, năm nay, các đoàn kiểm tra liên ngành đã tập trung, chú trọng đến bếp ăn tập thể. Vì thời gian nghỉ dịch kéo dài, khi học sinh quay trở lại trường, các bếp ăn tập thể có sự thay đổi về nhân lực, cơ sở vật chất hay bếp ăn xuống cấp... Vì vậy, TP Hà Nội đặc biệt quan tâm đến các bếp ăn tập thể.
Thời gian tới, cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục tập trung vào việc rà soát quy trình chuẩn, từ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, quy trình chế biến, quy trình bếp ăn 1 chiều, yếu tố con người… Nhất là xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm tận nơi sản xuất và cung cấp thực phẩm cho các trường học.
“Đây là năm đầu tiên Hà Nội triển khai mô hình này. Để mô hình hoạt động hiệu quả, vấn đề đầu tiên đặt ra vẫn phải là con người. Chúng tôi phải tập huấn kiến thức ATTP cho những người quản lý, những người tham gia vào bếp ăn tập thể. Nhất là Ban Giám hiệu nhà trường cũng phải được tập huấn, có đánh giá, chấm điểm. Trước khi thực hiện mô hình này, các địa phương đã có đánh giá với 215 bếp ăn tập thể, tập huấn và kiểm tra thường xuyên vào các tháng, quý. Cuối năm, chúng tôi sẽ tổng kết, đánh giá để thấy mô hình này hiệu quả ra sao, sau đó sẽ tiếp tục nhân rộng ở các quận, huyện khác” – ông Đặng Thanh Phong nhấn mạnh.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, với mô hình này, TP đặt mục tiêu, tăng cường công tác quản lý, chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, từ đó khống chế không để ngộ độc thực phẩm đông người mắc và tử vong. Mô hình sau khi được triển khai tại 10 quận, huyện sẽ làm cơ sở để nhân rộng tại các bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn.
Nguồn https://kinhtedothi.vn/trien-khai-mo-hinh-attp-tai-bep-an-truong-hoc-kiem-soat-chat-tung-khau.html
- “Bão” tiêu cực quét qua ngành Y tế: Bài học nào cho công tác cán bộ?
- Bộ Y tế yêu cầu tăng cường kiểm tra việc khám, cấp giấy khám sức khỏe lái xe
- Diễn viên Thúy An trải lòng về hành trình đi sinh đầy hạnh phúc
- Ba dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh tay chân miệng diễn biến nặng
- Hà Nội yêu cầu các cơ sở không kinh doanh, sử dụng thuốc Voltarén 75mg giả
- TP. HCM thông tin về lô vaccine Covid-19 tiêm cho trẻ từ 6-12 tuổi hết hạn sử dụng
- Bộ Y tế hướng dẫn người dân cách phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ
- Đau mắt đỏ ở trẻ hậu Covid-19: Chớ chủ quan, tự chữa tại nhà
- Đợt dịch 4 Hà Nội ghi nhận 1.596.748 ca Covid-19