Triển vọng nào cho trái phiếu ngân hàng đến cuối năm 2024?

Thứ hai, ngày 2 tháng 9 năm 2024 | 10:40

Thời gian qua, ngân hàng thương mại vẫn là động lực chính của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), khi chiếm tới 87% tổng giá trị phát hành tháng 7/2024.

Theo các chuyên gia, trái phiếu ngân hàng là một kênh đầu tư để nhà đầu tư có thể cân nhắc khi lợi suất cao hơn so với lãi suất tiền gửi, thanh khoản tốt và có sự đa dạng về kỳ hạn

Thành viên sôi động nhất trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Thống kê của FiinGroup cho thấy, tổng giá trị phát hành TPDN trên thị trường sơ cấp từ đầu năm đến ngày 13/8/2024 đạt 240.000 tỷ đồng, tăng 102% so với cùng kỳ năm ngoái, giúp quy mô lưu hành đạt 1,21 triệu tỷ đồng, tức khoảng 11,7% GDP năm 2023.

Số dư trái phiếu (cả gốc và lãi) đến hạn trong năm 2024 ở mức 315.000 tỷ đồng và năm 2025 đạt đỉnh ở mức 334.000 tỷ đồng. Riêng trái phiếu bất động sản thì số dư đến hạn năm 2024 hiện ở mức 60.000 tỷ đồng và năm 2025 ước tính ở mức 135.000 tỷ đồng.

Theo FiinRaings, thị trường TPDN tiếp tục ghi nhận vai trò quan trọng của các ngân hàng thương mại cả về nguồn cung và cầu. Tăng trưởng tín dụng tăng tốc từ tháng 6 báo hiệu mức độ hấp thụ vốn đã dần khởi sắc. Điều này tạo động lực để các ngân hàng là nhóm nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường TPDN đa dạng đầu ra sang kênh đầu tư TPDN, tạo động lực cho thị trường TPDN sôi động trở lại.

Thực tế thời gian qua, các ngân hàng là thành viên sôi động nhất trên cả thị trường TPDN sơ cấp và thứ cấp.

Về cơ cấu phát hành, trái phiếu ngân hàng chiếm tới 87% tổng giá trị phát hành tháng 7/2024 và đạt 136.500 tỷ đồng, chiếm 68% tổng giá trị phát hành trong tháng 8.

Thời gian qua, ngân hàng thương mại vẫn là động lực chính của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chiếm tới 87% tổng giá trị phát hành tháng 7/2024. Ảnh: Công Hùng

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
  •  
  •  
  •  
  •  

Thời gian qua, ngân hàng thương mại vẫn là động lực chính của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chiếm tới 87% tổng giá trị phát hành tháng 7/2024. Ảnh: Công Hùng

Trái phiếu phát hành mới vẫn tập trung ở các kỳ hạn 3 năm và trên 5 năm để củng cố nguồn vốn trung dài hạn của các ngân hàng khi chưa tăng được vốn điều lệ.

Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục nghiên cứu và thiết kế để phát triển thị trường trái phiếu phát triển chuyên nghiệp, bền vững hơn. Một số nội dung gồm tăng cường xếp hạng tín nhiệm trong các nghiệp vụ phát hành; tăng cường sự hiện diện của đơn vị tư vấn trong quá trình lập hồ sơ, đánh giá hồ sơ thay vì cơ quan quản lý thực hiện; tăng cường tính tự chịu trách nhiệm của chủ thể tham gia như đơn vị tư vấn, xếp hạng tín nhiệm.

Trong câu chuyện sai phạm xảy ra trên thị trường đều rơi vào nhóm nhà đầu tư có cơ hội đánh giá rủi ro hạn chế. Do vậy, theo định hướng của Ủy ban Chứng khoán đang nghiên cứu đối tượng phát hành trái phiếu riêng lẻ hướng tới nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp để tăng cường tính chuyên nghiệp, đánh giá rủi ro.

Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Hoàng Văn Thu

Tính cả 7 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị phát hành TPDN đạt 178.500 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, riêng giá trị trái phiếu phi ngân hàng giảm 32%.

Hoạt động mua lại TPDN trong tháng 7/2024 đạt gần 32.100 nghìn tỷ đồng (tăng 26,1% so với tháng trước). Nhóm ngân hàng tiếp tục là đối tượng chủ yếu thực hiện mua lại, chiếm tới 90% giá trị trong tháng.

Quảng cáo

Pause
00:00
00:25
00:38
Mute
 

Ở thị trường thứ cấp, trong tháng 7/2024, giá trị giao dịch trái phiếu riêng lẻ đạt 89.100 tỷ đồng ghi nhận giảm hơn 15% so với tháng trước đó do tháng 6 lượng thanh khoản ở nhóm trái phiếu ngân hàng tương đối cao. Ngành ngân hàng và bất động sản vẫn chiếm đa số giao dịch, với giá trị giao dịch trái phiếu 2 ngành giảm lần lượt 55% và 17%.

Về lợi tức giao dịch trên thị trường thứ cấp, nhóm trái phiếu ngân hàng vẫn duy trì tỷ suất lợi tức dao động từ 5 - 8%, trong khi lợi tức của nhóm DN phi ngân hàng chủ yếu từ 7 - 13%.

Kênh đầu tư có thể cân nhắc

Dự báo về triển vọng thị trường, ông Trần Phú Việt - Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển sản phẩm, Bộ phận Dữ liệu tài chính, FiinGroup nhận định, trong thời gian tới, trái phiếu ngân hàng sẽ vẫn là nhóm chủ đạo dẫn dắt thị trường, dự kiến chiếm khoảng 70% giá trị phát hành nửa cuối năm 2024. Trong khi đó, trái phiếu bất động sản bắt đầu hồi phục nhờ một số có tiến độ pháp lý và trái phiếu hạ tầng có dấu hiệu khởi sắc.

“Lãi suất vẫn cơ bản trên nền thấp nhưng nhiều tổ chức phát hành đang cân nhắc sử dụng vay dài hạn ngân hàng hay phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư phi ngân hàng. Bên cạnh đó, thị trường đang mong đợi hỗ trợ chính sách từ Ngân hàng Nhà nước trong việc cấp phép cho các ngân hàng cung cấp dịch vụ quản lý tài sản bảo đảm” - ông Trần Phú Việt lưu ý.

Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng đang ở mức thấp, trái phiếu ngân hàng có thể là một kênh đầu tư để nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức có thể nhận được lợi suất cao hơn so với lãi suất tiền gửi, với thanh khoản tốt và sự đa dạng về các sự lựa chọn về kỳ hạn và lợi suất.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán MBS

Cùng quan điểm, các chuyên gia Công ty Chứng khoán MBS dự báo, hoạt động phát hành TPDN sẽ sôi nổi hơn khi bước sang quý IV khi nhu cầu vốn của doanh nghiệp phục hồi trong bối cảnh thị trường bất động sản bắt đầu ấm dần cũng như nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh đang tích cực theo đà phục hồi của nền kinh tế.

Ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 159.200 tỷ đồng, tăng 163% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 72%, lãi suất bình quân gia quyền là 5,5%/năm, kỳ hạn bình quân 4,3 năm. Các ngân hàng phát hành giá trị lớn nhất từ đầu năm đến nay gồm có: ACB (23.800 tỷ đồng), MBBank (23.300 tỷ đồng), Techcombank (17.000 tỷ đồng).

MBS cho rằng, ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát hành vốn cấp 2 nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay. Tính từ đầu năm tới giữa tháng 7/2024, tín dụng tăng 5,3%, cao hơn so với mức 4,5% cùng kỳ năm ngoái, tín dụng dự báo sẽ tăng tốc trong những tháng cuối năm theo sự phục hồi mạnh mẽ của sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ.

Tại báo cáo nghiên cứu “Đường cong lợi suất và lịch sử chậm trả trái phiếu theo điểm xếp hạng tín nhiệm” được công bố trước đó, FiinRatings cũng nhận định, xu hướng chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu ngân hàng và lãi suất tiền gửi dao động trong khoảng 2,0 - 2,5% tùy theo kỳ hạn.

Trên thị trường thứ cấp, theo thống kê của FiinRatings, thanh khoản bình quân từ đầu năm 2024 đến nay đạt 4.300 tỷ đồng/ngày, trong đó 86,68% là từ trái phiếu riêng lẻ. Phần lớn giao dịch là của ngân hàng - trái phiếu, chiếm 50,36% và tập trung vào nhóm kỳ hạn giao dịch còn lại trong khoảng từ 1 - 3 năm (1,66 năm).

Về giá trái phiếu, nhiều trái phiếu có giá sạch (giá không gồm lãi lũy kế) thấp hơn mệnh giá dẫn đến lợi suất đầu tư thấp hơn hoặc cao hơn so với lãi suất danh nghĩa ban đầu. Đây là cơ sở tham chiếu quan trọng cho không chỉ thị trường sơ cấp mà cả thị trường thứ cấp (làm cơ sở tham chiếu cho việc xác định lãi suất phát hành).

Chuyên gia FiinRatings lưu ý, những trái phiếu ngân hàng có thanh khoản cao nhất thường là các trái phiếu có kỳ hạn còn lại khoảng 2 - 3 năm, với kỳ hạn gốc khoảng 5 - 7 năm. Việc mua lại trước hạn trái phiếu vừa hỗ trợ ngân hàng không phải khấu trừ vốn cấp 2 (Thông tư 41/2016/NHNN), đồng thời có thêm dư địa phát hành trái phiếu mới có kỳ hạn trên 5 năm để bổ sung nguồn vốn cần thiết nhằm đáp ứng quy định về an toàn vốn.