Trình Quốc hội Luật BHYT sửa đổi: Bệnh hiểm nghèo được lên thẳng tuyến trên
Bộ trưởng Bộ Y tế vừa trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế, trong đó có bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo,... được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục.
Sáng 24/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT).
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia BHYT, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám chữa bệnh BHYT, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật...
Về nội dung cụ thể, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, dự án Luật sửa đổi, bổ sung đối tượng tham gia, trách nhiệm đóng BHYT để khắc phục bất cập và đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội; cập nhật các đối tượng đã thực hiện ổn định tại các luật, nghị định; bổ sung một số đối tượng cần được Nhà nước hỗ trợ để tăng bao phủ BHYT toàn dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế vào sáng nay. Ảnh: Quốc hội
Đặc biệt, dự án Luật sửa đổi quy định về khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến và không đúng tuyến (thông tuyến) được cập nhật theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023; bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo,... được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ.
Cụ thể, trường hợp cấp cứu tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn quốc: Thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú theo tỷ lệ phần trăm mức hưởng.
Người bệnh được tự đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cơ bản hoặc chuyên sâu trong trường hợp chẩn đoán xác định, điều trị một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao theo danh mục bệnh, kỹ thuật quy định của Bộ trưởng Y tế: Thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú theo tỷ lệ phần trăm mức hưởng.
Trường hợp khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và các cơ sở thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản đã được cấp có thẩm quyền phân tuyến huyện trước ngày 1/1/2025: Thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú theo tỷ lệ phần trăm mức hưởng.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày tờ trình thẩm tra. Ảnh: Quốc hội
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, việc sửa đổi quy định về “thông cấp khám bệnh, chữa bệnh” theo hướng mở rộng thêm một bước, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia BHYT.
Theo đó, quỹ BHYT chi trả như khi đi khám bệnh, chữa bệnh đúng quy định trong trường hợp người bệnh tự đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp cơ bản hoặc cấp chuyên sâu trong trường hợp bệnh nặng, hiểm nghèo; khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và một số cơ sở thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản trên toàn quốc và khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu với lộ trình phù hợp.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội lưu ý cần đánh giá tác động thêm đến khả năng cân đối quỹ BHYT cũng như tổ chức, hoạt động của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có y tế cơ sở để đưa ra biện pháp bảo đảm thực hiện phù hợp.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, dự thảo quy định mở rộng tỷ lệ hưởng BHYT cho người tham gia BHYT khi khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú tại cơ sở khám bệnh cấp cơ bản, cấp chuyên sâu mà trước ngày 1/1/2025 được phân tuyến tỉnh từ 0% lên 50% chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú, thực hiện từ 1/7/2026 để có thời gian chuẩn bị các điều kiện tăng cường năng lực cho tuyến dưới và chống quá tải ở tuyến trên.
Tuy nhiên, qua đánh giá tác động, việc tăng tỷ lệ thanh toán có nguy cơ phát sinh khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến hệ thống y tế cơ sở, gây quá tải ở tuyến trên, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tăng chi phí từ quỹ BHYT ước tính chưa đầy đủ là khoảng hơn 1.131 tỷ đồng mỗi năm.
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu
- Hệ thống hóa pháp luật để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
- Sửa quy định về sử dụng kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
- Sửa đổi Luật Việc làm: Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
- Đường, cầu đường bộ có thời gian sử dụng tính hao mòn là 40 năm
- Đường, cầu đường bộ có thời gian sử dụng tính hao mòn là 40 năm
- Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2024