Trung Quốc phát hiện khoáng chất mới trên Mặt trăng

Thứ bảy, ngày 10 tháng 9 năm 2022 | 18:13

Các nhà khoa học Trung Quốc lần đầu tiên phát hiện loại khoáng chất mới trên Mặt trăng và đặt tên là "đá Hằng Nga

Các nhà khoa học Trung Quốc lần đầu tiên phát hiện loại khoáng chất mới trên Mặt trăng và đặt tên là "đá Hằng Nga".
 
0:00/0:00
0:00
Nam miền Bắc
Hình ảnh đá Hằng Nga được Cục Hàng không vũ trụ quốc gia và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc gia Trung Quốc công bố.
Hình ảnh đá Hằng Nga được Cục Hàng không vũ trụ quốc gia và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc gia Trung Quốc công bố.

Đây là thông tin được công bố tại sự kiện giới thiệu thành quả nghiên cứu khoa học mới nhất của tàu Hằng Nga 5, do Cục Hàng không vũ trụ quốc gia và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc gia Trung Quốc tổ chức ngày 9/9 tại thủ đô Bắc Kinh.

Theo ông Đổng Bảo Đồng, Phó Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc gia Trung Quốc, đây là thành quả nghiên cứu khoa học lớn mà nước này đạt được trong lĩnh vực khoa học vũ trụ, là sự khám phá thành công trong hợp tác liên ngành giữa hàng không vũ trụ và hạt nhân.

Đá Hằng Nga là một loại khoáng chất phosphate dưới dạng tinh thể hình cột, được tìm thấy trong các hạt bazan Mặt trăng. Bằng một loạt phương pháp công nghệ cao như nhiễu xạ tia X, nhóm các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu địa chất Bắc Kinh thuộc Tập đoàn công nghiệp Hạt nhân Trung Quốc (CNNC) đã phân tách một hạt tinh thể đơn lẻ có bán kính khoảng 10 micron từ trong số 140.000 mẫu hạt lấy về từ Mặt trăng, đồng thời giải mã thành công cấu trúc tinh thể của nó.

 

Đá Hằng Nga đã được Ủy ban Phân loại và Đặt tên khoáng chất mới thuộc Hiệp hội Khoáng vật học quốc tế (IMA) bỏ phiếu, xác nhận là loại khoáng chất mới; trở thành loại khoáng chất mới thứ 6 mà loài người phát hiện trên Mặt Trăng. Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 3, sau Mỹ và Liên Xô (cũ), phát hiện khoáng chất mới trên Mặt trăng.

Ngày 17/12/2020, tàu Hằng Nga 5 trở về Trái đất mang theo 1.731gram mẫu đất đá bề mặt lấy từ Mặt trăng, sau sứ mệnh kéo dài gần 1 tháng. Đã có 98 nhà khoa học thuộc 33 đơn vị nghiên cứu của Trung Quốc được cấp phép tham gia việc nghiên cứu, phân tích các mẫu đất đá thu được từ Mặt trăng, góp phần mở mang nhận thức của con người về các loại vật chất, cũng như tìm hiểu nguồn gốc và tiến hóa của Mặt trăng.