Mỹ, G7 cùng Liên minh châu Âu liên tục đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga nhằm phản đối xung đột ở Ukraine. (Nguồn: Afaceri News) |
Ngày 16/2, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland tuyên bố, Washington và các đồng minh đang lên kế hoạch tiến hành một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga.
Gói trừng phạt lớn mới này sẽ được tung ra vào khoảng ngày 24/2, đúng ngày kỷ niệm tròn một năm xung đột Ukraine, từ Washington và tất cả đối tác trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7).
Những biện pháp mới sẽ tăng cường và mở rộng một số hạng mục trừng phạt nhất định mà Mỹ cùng đồng minh đã triển khai, đặc biệt là trong việc "hạn chế dòng chảy công nghệ vào ngành công nghiệp quốc phòng Nga”.
Ngoài ra, gói biện pháp trừng phạt này cũng sẽ nhắm mục tiêu vào các cá nhân, mở rộng các hạn chế trong lĩnh vực ngân hàng và trấn áp việc né tránh các lệnh trừng phạt hiện có, bao gồm cả ở các nước thứ 3.
Thứ trưởng ngoại giao Mỹ nhận định: "Người Nga trở nên khá thông minh trong mọi thứ, từ việc nhập khẩu máy tính xách tay và tủ lạnh thông qua các nước thứ 3, đôi khi bao gồm cả Mỹ và đồng minh, sau đó bóc tách để lấy chip và những thứ khác dùng trong chiến dịch của họ".
Tháng trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng của Nga trong năm nay lên 0,3% từ mức suy giảm dự kiến là 2,3%, do Nga thích ứng với các lệnh trừng phạt và mở rộng hoạt động thương mại với các đối tác ngoài phương Tây, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong diễn biến khác liên quan gói trừng phạt mới của EU nhằm vào Moscow, theo một nguồn tin ngoại giao, Ủy ban châu Âu (EC) đã từ bỏ kế hoạch trừng phạt ngành hạt nhân dân sự của Nga hay các đại diện của ngành này trong gói trừng phạt thứ 10.
Phát biểu hôm 15/2, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen tuyên bố, EU sắp áp đặt một loạt lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa trị giá 11,8 tỷ USD đối với Nga.
Gói trừng phạt mới này là đòn giáng mạnh vào công nghệ và các ngành công nghiệp quan trọng đối với nền kinh tế Nga như linh kiện điện tử, phương tiện chuyên dụng, phụ tùng máy móc, phụ tùng xe tải và động cơ phản lực.
EU cũng sẽ áp đặt biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với 47 linh kiện điện tử có thể được sử dụng trong các hệ thống vũ khí Nga.
Tuy nhiên, ngày 16/2, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto đã chỉ trích gói trừng phạt mới, cho rằng, thực tế chứng minh biện pháp này không có tác dụng, không giúp ích gì cho nền kinh tế châu Âu và không giúp đạt được hòa bình.
Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Hungary, gói biện pháp này một lần nữa chứng minh rằng, Budapest sẽ không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào từ EU trong cuộc chiến chống lạm phát đang diễn ra trầm trọng tại quốc gia này.
Bên cạnh đó, ông Szijjarto nhận định, một số đề xuất mà các thành viên EU đưa ra "có thể đe dọa nghiêm trọng đến an ninh nguồn cung năng lượng của Hungary, thậm chí, người dân Hungary sẽ thêm một lần nữa phải trả giá cho cuộc xung đột tại Ukraine.
Khẳng định chính phủ Hungary "sẽ làm mọi cách để ngăn chặn nguy cơ trên", theo ông Szijjarto, thay vì trừng phạt, EU cần tập trung vào việc kiến tạo hòa bình, đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức và đàm phán hòa bình vì "đây là cách duy nhất để cứu sống con người".
Nguồn: https://baoquocte.vn/