‘Trung tá’ rồi, nói ngược lại đi!
Đêm 26/6/1996, tôi nhận được được điện thoại của anh Đỗ Trung Tá: Trung tá rồi! Vợ tôi bảo, “trung tá” nói ngược lại là ta trúng, có khi ông ấy bảo anh trúng Trung ương…
Tháng 10/1990, tôi làm Vụ trưởng Vụ Công nghiệp. Đây là thời gian sôi động trong công việc của Ủy ban Kế hoạch nhà nước nhằm chuẩn bị cho Đại hội 7 của Đảng. Tháng 6/1991, Đại hội 7 thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 1991-2000. Tháng 12, Quốc hội thông qua kế hoạch 5 năm 1991-1995.
Chiến lược 10 năm 1991-2000 đã mở ra 2 hướng phát triển đột phá: Chấp nhận sự phát triển của nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế tư bản tư nhân không bị hạn chế về qui mô phát triển; Mở rộng quan hệ kinh tế với tất cả các nước và các tổ chức quốc tế.
Bước mở đường cho các tập đoàn Nhật Bản vào Việt Nam
Nhận biết xu thế đổi mới mạnh mẽ nền kinh tế của Việt Nam, chính phủ cũng như các công ty tư nhân của các nước công nghiệp phát triển, các tổ chức quốc tế từ cuối năm 1990 đã liên tục cử đoàn vào Việt Nam khảo sát thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư và các chương trình hợp tác.
Sôi động nhất là hoạt động của các tập đoàn lớn và các cơ quan của Chính phủ Nhật Bản. Tháng 12/1991, Nhật cử đoàn chuyên gia liên bộ vào trao đổi khả năng nối lại viện trợ phát triển (ODA). Tháng 3/1992, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật sang đàm phán chính thức về khoản vay bắc cầu 45 tỷ Yên.
Đến cuối năm, khoản vay được ký kết. Chính phủ Nhật Bản tuyên bố nối lại viện trợ cho Việt Nam. Ủy ban Kế hoạch nhà nước được giao nhiệm vụ làm việc với phía Nhật để thỏa thuận danh mục các dự án được tài trợ trong năm 1993.
Ông Võ Hồng Phúc làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yukihiko Ikeda, tháng 11/1996 |
Theo sau chính phủ, chủ tịch các tập đoàn lớn của Nhật Bản lần lượt vào Việt Nam: Nissho Iwai tháng 12/1990, Mitsui tháng 3/1991, Mitsubishi tháng 4… Họ đều được tiếp đón trọng thị và thu xếp làm việc với các cơ quan hữu quan của Việt Nam. Tôi tham gia tất cả các buổi làm việc này.
Trong buổi làm việc với Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước Phan Văn Khải, ông Morohashi, Chủ tịch Mitsubishi nói: “Mitsubishi cũng như các tập đoàn lớn của Nhật Bản như những cỗ xe tăng, khởi động chậm, nhưng khi đã chuyển động thì là những bước tiến vững chắc”. Họ đã làm đúng như vậy!
Trong chuyến đi của mình, Chủ tịch tập đoàn Mitsui đề xuất thực hiện dự án Nghiên cứu tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam. Anh Khải giao tôi chủ trì thực hiện dự án này.
Một bước ngoặt lớn trong quan hệ của các công ty Nhật Bản với Việt Nam là kỳ họp thứ nhất của Ủy ban hợp tác Việt Nam - Keidanren vào tháng 10/1992 tại Hà Nội. Cuộc họp do ông Nishio, Chủ tịch Ủy ban Keidanren - Việt Nam và Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước Đỗ Quốc Sam đồng chủ trì. Đây là bước mở đường cho các tập đoàn lớn của Nhật Bản vào Việt Nam.
Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc cũng lần lượt vào tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đi đầu là Daewoo, với việc cam kết đầu tư các dự án lớn về điện tử và khu công nghiệp. Sau đó là các nhà đầu tư Tây Âu, Úc, các nước châu Á.
Tôi nhớ nhất lần vào Việt Nam đầu tiên của Chủ tịch tập đoàn Daewoo Kim Woo Choong vào tháng 5/1991. Sau buổi làm việc, anh Khải mời cơm tối cả đoàn ở nhà khách Chính phủ, 12 Ngô Quyền. Cơm tối xong, 21h đoàn ra sân bay Nội Bài đi Hồng Kông. Anh Khải giao tôi đón và tiễn đoàn.
Đến nơi, sân bay tối om, trời đổ mưa rất to. Sân bay là mấy nhà khung kho. Không có phòng khách. Cả sân bay không có một chiếc ô. Xe đưa chủ tịch Kim đến chân cầu thang máy bay thuê riêng, 4 vệ sĩ liền cởi áo vét kết thành tấm vải che mưa đưa ông lên máy bay. Một thời khó khăn đủ bề!
Các tổ chức tài chính quốc tế rất chú trọng khâu nghiên cứu chính sách và lộ trình cải cách nền kinh tế của Việt Nam, coi đó là điều kiện tiên quyết để thực hiện các khoản vay mới. Phía ta thì nhiều vị lãnh đạo rất thành kiến với Ngân hàng thế giới (WB), cho rằng họ luôn tìm cách thay đổi thể chế kinh tế của ta. Tháng 4/1991, WB và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) cùng chúng tôi thảo luận 2 dự án hỗ trợ kỹ thuật: Dự án Đổi mới doanh nghiệp nhà nước và dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hai dự án này có đóng góp quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam. Với việc thực hiện 2 dự án này, chúng tôi đã có mối quan hệ chặt chẽ với các chuyên gia kinh tế của WB, đặc biệt là ông David Dollar. David Dollar lúc đó là cố vấn trưởng của dự án và tôi là giám đốc.
Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với nhau để thống nhất các nội dung của dự án và kết quả nghiên cứu cũng như các đề xuất, khuyến nghị chính sách. Một việc làm hết sức tế nhị lúc đó! Có một thuật ngữ nhỏ nhưng chúng tôi phải thảo luận nhiều lần, David Dollar mới chấp nhận nhượng bộ.
Đó là dùng chữ cổ phần hoá thay cho tư nhân hoá. Chúng tôi phải theo nghị quyết Đại hội 7. Phải dùng chữ cổ phần hoá, mặc dù cả hai đều thấy rằng chữ tư nhân hoá bao quát hơn, bao gồm cả việc bán và cho thuê doanh nghiệp nhà nước. Nhưng chữ tư nhân hoá là một điều cấm kỵ lúc đó.
Tôi nói với David Dollar: “Tôi với ông đều là những người thực tiễn. Đừng vì chữ nghĩa, hãy vì nội dung”! Cuối cùng David Dollar thống nhất với chúng tôi toàn bộ nội dung. Bỏ qua chữ nghĩa. Dùng chữ cổ phần hoá thay cho tư nhân hóa, mặc dù nội dung thực sự là tư nhân hóa.
Với việc thực hiện 2 dự án của WB, UNDP và dự án của Mitsui, công việc của Vụ Công nghiệp rất sôi động, gồm cả 2 nội dung nghiên cứu chính để phát triển công nghiệp: cơ cấu phát triển và cơ chế phát triển. Anh em chúng tôi qua đó mà trưởng thành lên nhiều.
Cuối năm 1992, WB cử các đoàn công tác sang xem xét việc nối lại các khoản cho vay với Việt Nam. Tôi được anh Đỗ Quốc Sam giao làm việc với đoàn. David Dollar cũng tham gia đoàn này. David Dollar thường nói đùa: “Dollar sang là dòng Dollar từ WB sẽ đến Việt Nam!”.
Do tôi sớm tiếp cận và có quan hệ tốt với các tổ chức quản lý viện trợ song phương và đa phương, với các nhà đầu tư lớn của các nước, nên anh Phan Văn Khải và sau này là anh Đỗ Quốc Sam thường giao cho nhiều việc liên quan đến kinh tế đối ngoại, mặc dù tôi là Vụ trưởng Vụ Công nghiệp. Hình như cả anh Khải và anh Sam đều nhận thấy tôi có khả năng làm việc trong lĩnh vực này, nên đã có định hướng khi giao việc!
Tháng 8/1991, lãnh đạo Ủy ban Kế hoạch nhà nước có sự thay đổi. Anh Phan Văn Khải thôi làm Chủ nhiệm, sang làm Phó Thủ tướng thường trực. Anh Đỗ Quốc Sam làm Chủ nhiệm. Năm 1992, anh Mai Kỷ sang làm Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia Dân số và Kế hoạch hoá gia đình. Anh Lê Xuân Trinh sang làm Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Anh Lê Danh nghỉ hưu. Anh Nghiêm đi làm Đại sứ tại Nga. Ủy ban Kế hoạch nhà nước thiếu 4 Phó chủ nhiệm.
Chính phủ điều anh Giá về thay vị trí của anh Trinh. Cho bổ sung tại chỗ 3 người. Anh Đỗ Quốc Sam đề nghị lấy phiếu toàn thể cán bộ cấp vụ giới thiệu người làm Phó chủ nhiệm cho 3 vị trí: phụ trách khối Khoa giáo văn xã, khối Xây dựng cơ bản, khối Kinh tế đối ngoại.
Đa số cán bộ bỏ phiếu giới thiệu anh Khiêm, anh Khiển và tôi vào 3 vị trí tương ứng. Ba chúng tôi nhận quyết định bổ nhiệm cùng một ngày 25/12/1992. Ngày 1/1/1993, tôi nhận nhiệm vụ Phó chủ nhiệm Ủy ban, sau đó được phân công phụ trách kinh tế đối ngoại.
Mở đường cho dòng vốn ODA
Năm 1993 là một dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại của Việt Nam. Tất cả các nhà tài trợ song phương tuyên bố nối lại viện trợ phát triển (ODA) cho Việt Nam. Tiếp theo là các tổ chức tài chính quốc tế.
Sau khi Việt Nam thống nhất với các chủ nợ về lịch trình giải quyết các khoản nợ của chính phủ tại Câu lạc bộ Paris, các khoản nợ tư nhân ở Câu lạc bộ London, WB cùng các nhà tài trợ thống nhất tổ chức Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam vào tháng 12/1993 tại Paris, mở đường cho dòng vốn ODA vào Việt Nam trong nhiều năm tiếp theo.
Sau khi nhận quyết định bổ nhiệm và được anh Đỗ Quốc Sam phân công công việc, tôi nhanh chóng phối hợp với các chuyên gia của WB chuẩn bị cho Hội nghị tài trợ. Nội dung quan trọng nhất là chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ trình bày tại Hội nghị.
Vì đây là cuộc họp đầu tiên, ta chưa có kinh nghiệm nên UNDP tài trợ một dự án hỗ trợ kỹ thuật để giúp ta chuẩn bị bản báo cáo này. Các chuyên gia của WB cùng các chuyên gia của Ủy ban Kế hoạch nhà nước phối hợp chuẩn bị báo cáo.
Bộ trưởng chỉ đi máy bay hạng phổ thông
Với sự tài trợ của UNDP, Chính phủ tổ chức một đoàn đi vận động cho Hội nghị tài trợ trước khi khai mạc 1 tháng, do anh Đỗ Quốc Sam dẫn đầu, có sự tham gia của WB và UNDP. Hồi đó đi vòng quanh thế giới nhưng Bộ trưởng Đỗ Quốc Sam chỉ đi máy bay hạng phổ thông, theo tiêu chuẩn dự án do UNDP tài trợ.
Cùng với việc chuẩn bị cho Hội nghị tài trợ, 1993 cũng là năm có nhiều hoạt động đối ngoại của các lãnh đạo chính phủ mà tôi đã tham gia hoặc tham gia chuẩn bị nội dung làm việc. Tôi được cử đi làm việc trực tiếp với các đối tác nước ngoài với tư cách là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước phụ trách kinh tế đối ngoại.
Trong các chuyến đi làm việc đó, ấn tượng nhất là chuyến tháp tùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi Tây Âu và chuyến đi Singapore gặp ông Lý Quang Diệu với tư cách Đặc phái viên của Thủ tướng. Đó là những chuyến đi giúp tôi mở mang kiến thức, tầm nhìn và tạo được quan hệ làm việc lâu dài.
Cùng với việc vận động nguồn vốn ODA, ngay từ đầu chính phủ đã chú trọng việc quản lý sử dụng ODA. Chúng tôi được giao chuẩn bị văn bản pháp lý về việc này. Cuối năm 1993, Nghị định 20 CP được ban hành.
Tháng 12/1993, Phó Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ tham dự Hội nghị. Hội nghị thành công tốt đẹp. Các nhà tài trợ cam kết tài trợ trong tài khoá đầu tiên 1,86 tỷ USD. Một dòng vốn lớn đã được khai thông! Quan hệ giữa chính phủ với các nhà tài trợ song phương và đa phương phát triển mạnh mẽ. Hội nghị tài trợ tạo ra một kênh đối thoại chính sách thường niên giữa chính phủ và các nhà tài trợ, góp phần tích cực thúc đẩy tiến trình đổi mới ở nước ta.
Nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nhận huân chương Mặt trời mọc của Nhật Bản, tháng 11/2012 |
Tháng 11/1993, ông Lý Quang Diệu sang Việt Nam với tư cách là khách mời của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông Lý có những ý kiến đóng góp rất chân thành và thẳng thắn về chính sách phát triển của Việt Nam. Tháng 2/1994, Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận kinh tế với ta. Giữa lúc đó có một luồng ý kiến cho rằng chúng ta đang chệch hướng XHCN. Nhiều ý kiến lại cho rằng chúng ta đang tụt hậu quá xa so với các nước, đặc biệt là các nước trong khu vực có hoàn cảnh giống ta, đó mới là nguy cơ lớn nhất.
Tháng 1/1994, Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đảng khẳng định 4 nguy cơ, trong đó nguy cơ tụt hậu là hàng đầu. Chính sách mở cửa, phát triển mạnh quan hệ kinh tế đối ngoại tiếp tục được khẳng định. Tại Hội nghị tài trợ lần thứ 2, tháng 11/1994, lần thứ 3, tháng 12/1995, các nhà tài trợ đã cam kết tài trợ trong hai năm 4,3 tỷ USD. Một nguồn vốn đầu tư bằng ngoại tệ ổn định lâu dài đang tăng dần.
Sau khi Hoa Kỳ bỏ cấm vận, tháng 5/1994, Chính phủ cử Phó Thủ tướng Trần Đức Lương đi thăm và làm việc tại Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy tiến trình bình thường hoá quan hệ hai nước. Tháng 6, Thủ tướng đi thăm Nga và các nước SNG, nối lại thị trường truyền thống. Các đoàn vào cũng nhiều.
Chuyến đi không thể quên
Sang năm 1995, các hoạt động đối ngoại của cấp cao lại càng sôi nổi hơn. Tháng 4, Tổng bí thư thăm Hàn Quốc và Nhật Bản, tháng 7 đi thăm Úc và New Zealand. Tháng 5, Chủ tịch nước thăm Syria, Kuwait, Pháp, tháng 10 thăm Brazil, Cuba. Tháng 6, Thủ tướng thăm Bắc Âu. Hoạt động đối ngoại dồn dập.
Anh Đỗ Quốc Sam cử tôi tham gia tất cả các đoàn. Đoàn của Tổng bí thư, anh ấy đề nghị tôi đi cùng để phụ trách đoàn doanh nghiệp. Hình như anh muốn tôi tiếp cận nhiều với lãnh đạo cấp cao!
Thời gian này, các hoạt động điều phối viện trợ với các nhà tài trợ chiếm khá nhiều thời gian, cả ở trong nước và ngoài nước. Tôi phải đi nước ngoài liên tục. Nhiều khi phải tách đoàn để đi sang nước khác làm việc theo chương trình khác, mình tôi lang thang ở các sân bay quốc tế, tự làm thủ tục chuyển chuyến bay.
Có một chuyến đi họp về viện trợ mà tôi và các anh em Vụ Kinh tế đối ngoại không thể nào quên. Đó là chuyến đi năm 1993 làm việc về viện trợ với AIDAB (Cơ quan viện trợ phát triển của Úc thời đó) tại Sydney.
Trước khi đi, chúng tôi đã báo cáo với Thủ tướng Võ Văn Kiệt và đã được Thủ tướng chấp thuận là viện trợ của Úc trong tài khoá tới sẽ làm cầu Quán Hàu (Quảng Bình) và một vài cầu nhỏ có chiều dài trên 20m, WB sẽ làm đường và cầu có chiều dài dưới 20m trên quốc lộ 1, đoạn từ Vĩnh Linh đến nam sông Gianh (cầu sông Gianh thì Pháp tài trợ).
Khi đến Sydney, ông Tim Terry, Phó tổng giám đốc AIDAB thông báo Chính phủ Úc vừa quyết định tài khoá tới sẽ tăng viện trợ cho Việt Nam lên 50%. Tôi nhẩm tính với số tiền đó thì đảm bảo đủ 70% vốn cho cầu Mỹ Thuận.
Trưa hôm đó, tôi hội ý với anh em trong đoàn. Tôi nói là thay đổi phương án, có nhiều tiền hơn nên tập trung hết cho cầu Mỹ Thuận. Thiếu 30% thì lấy vốn đối ứng trong nước. Úc có công nghệ làm cầu vượt sông rộng rất giỏi, phải tranh thủ công nghệ để ta học hỏi. Làm cầu nhỏ thì ta đã làm được, cầu Quán Hàu dùng vốn khác hoặc vốn trong nước.
Mọi người thấy rất hợp lý, nhưng phân vân là chưa xin ý kiến Thủ tướng. Thông tin thời đó rất khó khăn. Mọi người đều ái ngại: “Trách nhiệm là ở anh, anh phải tính kỹ”. Tôi nói: “Thôi, cứ quyết cầu Mỹ Thuận. Về có sao tôi chịu. Cùng lắm là chịu kỷ luật. Nhưng tôi biết tính ông Sáu Dân từ hồi ông ấy làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước. Hễ làm gì có lợi cho dân cho nước thì ông không bắt bẻ thủ tục đâu, có khi lại được khen”.
Ra cuộc họp, chúng tôi đề xuất dự án mới. Ông Tim Terry hỏi về nội dung dự án. Do khi đi chuẩn bị dự án khác nên tôi phải nói vo, dựa trên trí nhớ khi chuẩn bị danh mục dự án ODA phục vụ cho Hội nghị tài trợ. Không có bản đồ, tôi vẽ sơ đồ cầu Mỹ Thuận.
Cầu Mỹ Thuận |
Tôi nhấn mạnh vai trò cầu Mỹ Thuận với việc phát triển đồng bằng sông Cửu Long. Bạn phân vân phía ta có lo đủ 30% vốn đối ứng hay không. Chúng tôi đảm bảo thu xếp đủ. Cuối cùng hai bên thỏa thuận làm cầu Mỹ Thuận. Phía Úc sẽ triển khai nhanh việc lập dự án và thiết kế.
Về đến Hà Nội, xuống máy bay tôi đi thẳng về nhà Thủ tướng báo cáo kết quả đi Úc. Đúng như tôi đã dự đoán, Thủ tướng khen là chủ động, linh hoạt.
Năm 1995, quan hệ giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế đã có bước phát triển mạnh. Sau 2 năm tích cực đàm phán, ngày 17/7/1995, Hiệp định khung giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu được ký kết, chúng tôi hoàn thành công việc mà Thủ tướng giao trong chuyến đi thăm Tây Âu năm 1993. Tháng 7, Việt Nam trở thành thành viên ASEAN, Hoa Kỳ bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Quan hệ quốc tế phát triển, mở ra một thời kỳ mới, thời cơ mới để Việt Nam phát triển!
Tháng 10/1995, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được thành lập trên cơ sở sáp nhập Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư với Ủy ban Kế hoạch nhà nước. Chúng tôi được đổi gọi là Thứ trưởng.
1995 là năm chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 8. Chúng tôi lại làm các công việc chuẩn bị cho Đại hội theo đúng chức năng: tham gia chuẩn bị các báo cáo.
Tôi vào Trung ương
Tháng 4/1996, Đại hội Đảng bộ khối các cơ quan kinh tế Trung ương. Tôi tham gia đoàn đại biểu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đại hội bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc. Anh Khiêm, Bí thư Đảng bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư trúng cử đại biểu (mỗi Bộ có 1 đại diện).
Sau Đại hội Đảng bộ khối ít lâu, tôi đi họp, đi hội thảo, mấy anh bạn bảo tôi: Ngôi sao đang lên, tôi bảo “Có mà sao băng!”. Vào khoảng tháng 4/1996, Văn phòng của Bộ có một việc tế nhị cần xử lý. Anh Ngũ, Chánh văn phòng báo cáo tôi. Tôi báo cáo anh Sam. Anh Sam chậm rãi châm điếu thuốc, hít một hơi, mắt nhìn ra xa. Đây là biểu hiện của anh ấy trước khi nói một việc gì cần đắn đo suy nghĩ.
Anh ấy từ từ nói: “Việc này rất tế nhị, không làm không được, anh em không yên tâm. Nhưng lúc này anh cần tránh xa. Nói riêng với anh, kỳ này anh được dự kiến giới thiệu vào Ban chấp hành Trung ương, ông Mười, ông Sáu Dân, ông Sáu Nam (ông Lê Đức Anh) rất ủng hộ. Anh phải giữ gìn. Việc này để tôi lo”.
Sau đó ít lâu, vào khoảng cuối tháng 5/1996, mọi người rỉ tai nhau, kỳ này Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giới thiệu 4 người, anh Giá, anh Khiêm, chị Bảy Hà và tôi. Tôi nghĩ một bộ, giỏi thì được 2, là chị Bảy Hà và anh Giá. Thông thường được 1 thì là chị Bảy Hà, vì là cơ cấu nữ. Làm sao trúng cử cả 4 người!
Theo thông báo, Đại hội Đảng lần thứ 8 khai mạc lúc 8h ngày 28/6/1996. Trước đó là đại hội nội bộ. Mọi việc bầu cử là ở đại hội nội bộ. Tôi không là đại biểu, vẫn đi làm việc bình thường. Không biết lịch đại hội.
Đêm 25/6 khoảng 1h sáng 26, có tiếng chuông điện thoại bàn. Hồi đó rất ít điện thoại di động. Bực vì bị mất giấc ngủ, tôi ra bàn đặt điện thoại và hỏi: Ai đấy? Đầu dây bên kia: “Trung tá rồi, trung tá rồi!”. Tôi gắt lại: Biết rồi, ông Tá chứ gì! Có việc gì, nói đi!
Đầu dây bên kia: “Trung tá rồi, Trung tá rồi, nói ngược lại đi!” và dập máy.
Vào ngủ lại, vợ tôi hỏi ai nói gì mà lại nói thế. Tôi bảo, ông Tá gọi, cứ bảo trung tá rồi, lại còn bảo ngược lại đi, chẳng hiểu cái gì! Vợ tôi bảo, “trung tá” ngược lại là “ta trúng”, có khi ông ấy bảo anh trúng Trung ương! Tôi bảo, biết thế nào được, giới thiệu những 4 người trong một bộ, và ngủ tiếp.
Sáng hôm sau, 6h30 có điện thoại từ Văn phòng Trung ương Đảng gọi đến, bảo tôi sáng nay Văn phòng sẽ đến đưa tài liệu, phù hiệu dự Đại hội 8 và giấy mời đến số 8 Nguyễn Cảnh Chân để tham gia phiên họp thứ nhất Ban chấp hành Trung ương vào hôm nay. Thế mới biết tôi trúng cử vào Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá 8. Cả 4 người ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giới thiệu đều trúng cử.
Đến họp Ban chấp hành Trung ương, gặp anh Đỗ Trung Tá, anh Tá nói: “Bình thường thì thông minh như thế, sao hôm qua lại chậm hiểu thế?”.
Chuyện ngày xưa tôi vào Ban chấp hành Trung ương là vậy!
Nguồn Vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/trung-ta-roi-noi-nguoc-lai-di-811467.html
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá