Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương: 'Báo chí phản biện phải đúng, trúng với thực tiễn'
Nhìn nhận việc phản biện phải đúng, trúng với thực tiễn thì giúp đưa được đường lối, chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn, làm cho Đảng gần dân hơn, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị báo chí cần nhận thức rõ hơn vai trò phản biện xã hội.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - nhìn nhận Việt Nam là một điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế của khu vực và thế giới, là quốc gia có tình hình chính trị ổn định, môi trường kinh doanh thuận lợi dù năm 2022 vừa qua có rất nhiều khó khăn, thách thức.
Trong bối cảnh đó, các cơ quan báo chí và những người làm báo cả nước đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát định hướng chính trị, nắm bắt thực tiễn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Nhấn mạnh về sứ mệnh của báo chí trong năm 2023 và những năm tiếp theo, ông Nghĩa cho rằng báo chí nước ta cần phải bám sát, trung thành và thực hiện tốt mục tiêu xây dựng nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp nhân văn và hiện đại.
Hội nghị Trung ương Đảng 4 và 5 vừa qua Đảng và Nhà nước nhấn mạnh vấn đề sức mạnh và vai trò của báo chí, bởi toàn bộ mọi hoạt động của báo chí đều tác động trực tiếp đến sự nghiệp cách mạng của đất nước.
“Các học thuyết ngày càng coi trọng vai trò của báo chí thì tại sao chúng ta lại bỏ mặt trận này? Có thể thấy qua cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, vai trò của mặt trận truyền thông rất lớn. Vì vậy, chúng ta cần phải xác định vai trò sứ mệnh của báo chí”, ông Nghĩa nói.
Đồng thời, báo chí cần nhận thức rõ hơn về chức năng phản biện xã hội, phản biện phải đúng, trúng với thực tiễn thì mới đưa được đường lối đi vào thực tiễn. Từ đó khắc phục các điểm nghẽn và làm cho Đảng gần dân hơn, để ý Đảng và lòng dân được khăng khít.
32 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2022 nhận bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương - Ảnh: HỮU HẠNH
Để thực hiện các sứ mệnh đặt ra, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề ra sáu nhiệm vụ cụ thể mà các cơ quan báo chí cần thực hiện:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Đề án tổng thể kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Đề án này mang tính chiến đấu và hướng tới việc xây dựng báo chí cách mạng nhân văn hiện đại. Do đó, đề án phải có tầm nhìn, thể hiện trách nhiệm hôm nay ta phải làm gì và gửi gắm gì cho mai sau.
Thứ hai, phải có đánh giá và làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch quản lý báo chí, đúng chủ trương đúng thực tiễn, mang tính đặc thù, gắn với sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết của trung ương về xây dựng bộ máy tinh gọn hiệu lực hiệu quả.
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan tới báo chí đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập nảy sinh trong công tác quản lý báo chí.
Thứ tư, cần quan tâm ba nguồn lực gồm con người, ứng dụng công nghệ và ngân sách tài chính.
Thứ năm, cần tập trung xây dựng các tổ chức Đảng trong các cơ quan báo chí. Quan tâm, chăm lo hơn nữa công tác giáo dục hội viên và đội ngũ cán bộ báo chí một cách toàn diện, nhất là về phẩm chất, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn.
Thứ sáu, báo chí phải đồng hành với mục tiêu chung là khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết tự lực tự cường của dân tộc, thông qua việc độc giả đọc và xem tin tức báo chí.
Báo chí Việt Nam cần kể nhiều hơn các câu chuyện tích cực
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết qua gần 3 năm cả đất nước vượt qua đại dịch COVID-19 và hồi phục nền kinh tế, từ đó đã kể ra nhiều chuyên mục tốt, tuyến bài hay, ý nghĩa, lay động cảm xúc trên báo chí.
Trong đó, báo Tuổi Trẻ TP.HCM cũng đóng góp hàng ngàn bài viết đã được đăng trong tuyến: “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”.
Và nhằm lan tỏa, động viên, cổ vũ người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cả hệ thống chính trị, ngày 9-12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành đề án “Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022 - 2025”.
Đề án này coi báo chí là lực lượng tiên phong, đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, tuyên truyền các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, dẫn đầu trong các phong trào thi đua, gương người tốt, việc tốt trong đời sống xã hội.
“Báo chí Việt Nam cần kể nhiều câu chuyện, tấm gương truyền năng lượng, cảm hứng tích cực. Kể chuyện nhiều hơn, phân tích nhiều hơn, với một tâm hồn cảm thông, chia sẻ và một cái đầu bình tĩnh, sáng suốt”, ông Lâm nói.
Theo ông Lâm, đất nước cần một nền báo chí hướng xã hội vào việc suy nghĩ và tìm kiếm lời giải cho những vấn đề lớn, trọng đại.
Các cơ quan báo chí cần đóng góp nhiều hơn cho việc tìm ra và tôn vinh những tấm gương có sáng kiến, giải pháp có ích cho xã hội, giúp ích cho công tác chỉ đạo, điều hành đất nước.
\
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí