Trường công không rẻ
Năm nay em gái tôi học lớp 12. Đây là lúc thách thức nhất trong đời mỗi học sinh. Những cô cậu 18 tuổi phải đưa ra lựa chọn quan trọng đáng kể đầu tiên: vào đại học.
Khi cánh cổng trường cấp ba đóng lại, các em dự định theo đuổi con đường học vấn đứng trước một vài lựa chọn phổ biến: vào đại học công với học phí không quá đắt nhưng phải vượt qua kỳ thi rất cạnh tranh; đăng ký trường tư hoặc các hệ đào tạo mở, liên kết ở trường công với đầu vào không quá khó nhưng học phí khá cao.
Những em có điểm SAT tốt và các chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEFL có thể nộp hồ sơ du học hoặc vào một số đại học quốc tế trong nước với học phí gấp 4-5 lần trường công nhưng bù lại không phải qua thi tuyển.
Với xuất thân khiêm tốn, em gái tôi và cả tôi trước đây dồn sức thi vào đại học công. Theo logic thông thường, lựa chọn giáo dục trong thời đại thị trường cũng giống như cách bạn bước vào siêu thị và thấy cùng một loại hàng hoá của nhiều nhãn hiệu, được xếp theo thứ tự giá tăng dần. Người nghèo có thể lựa chọn giá thấp, người giàu chọn giá cao. Nhưng thực tế, chi phí để thi vào đại học công không thực sự rẻ.
Em tôi yêu thích ngoại ngữ và văn hóa quốc tế, nên bố mẹ tôi gắng sức đầu tư. Em từng học IELTS một thời gian với mong muốn đi du học, nhưng sau khi nhận thấy gia đình không đủ nguồn lực tài chính, em chuyển hướng sang các đại học trong nước. Dù kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đủ để giao tiếp, trao đổi với người bản xứ, em vẫn không tự tin có thể giành được điểm 7 bài thi tiếng Anh tại kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia. Học thêm tại các lò luyện thi là giải pháp gần như duy nhất để giải quyết nỗi lo lắng này.
Nhưng dù phải bỏ ra những khoản tiền lớn để theo học tiếng Anh tại các lò luyện thi đại học, em không hài lòng về chất lượng. Tôi khuyên em chấp nhận cách dạy luyện đề, nhằm đạt mục tiêu vào đại học, tạm gác lại đam mê học tiếng Anh như một ngôn ngữ sống động. Giai đoạn này cần thi đỗ hơn là thỏa mãn đam mê.
Từng trải qua giai đoạn ôn thi giống em, tôi biết mình vừa đưa ra một lời khuyên tệ hại nhưng thực tế. Kỳ thi vào đại học công không nhất thiết phải có đam mê để đỗ, nhưng buộc phải đỗ mới vươn tới được đam mê. Người học lúc này thường sẽ thờ ơ hơn với tương lai xa của mình. Khi ấy việc học không còn gắn liền với cam kết về hình mẫu con người mình sẽ trở thành trong tương lai. Học đơn giản chỉ để thi chuyển cấp. Sự bàng quan với tương lai tiếp tục dẫn đến những cơn khủng hoảng tâm lý.
Tôi nhớ trong kỳ học cuối cùng của lớp 12, tôi đã căng thẳng biết nhường nào khi ngày đêm đèn sách với những bộ đề. Tôi chỉ nghĩ cần phải đỗ để đỡ phí tiền đầu tư của bố mẹ. Trong khi đó, những bạn lựa chọn du học lúc này có thể đã trúng tuyển. Họ được dành thời gian để nghiên cứu trước chuyên ngành mình đam mê, hoặc đi làm thêm để lấy kinh nghiệm trước khi vào đại học.
Là học sinh một trường chuyên có tới 20% học sinh đi du học, tôi từng sống với cảm giác thua thiệt khi phải ở lại trong nước. Tôi hiểu toàn bộ sự căng thẳng của em gái mình lúc này.
Chi phí để thi đỗ vào trường công, với cách thi tuyển như hiện nay, không hề rẻ. "Chi phí" ấy bao gồm tiền học nhiều môn, ở nhiều lò luyện thi trong ít nhất ba năm trung học phổ thông, công sức vật lộn với căng thẳng tâm lý, cùng sự thờ ơ triệt để với tương lai của bản thân.
Áp lực đối với người trẻ thành thị ngày nay không đến từ số lượng lựa chọn, mà đến từ xu hướng bất bình đẳng về nguồn lực học tập ngày càng gia tăng.
Trong sự phân tầng xã hội càng rõ nét, con trẻ càng hiểu ra rằng trên cùng một đường đua có nhiều xuất phát điểm và nhiều đích đến. Với cách tổ chức tuyển sinh như hiện nay, không quá khó để thừa nhận thực tế, với phần lớn thí sinh, nếu không chịu chi tiền cho các lò luyện thi, bạn khó lòng cạnh tranh được một suất trong các đại học công đáng mơ ước. Vào đại học không còn là đường đua của riêng học sinh mà còn là cuộc chạy đua túi tiền của các bậc cha mẹ.
Tôi tự hỏi, theo cách đó, nguồn lực tài chính của tầng lớp trung lưu bình dân có bị lãng phí khi đầu tư vào những kỳ thi mà việc lựa chọn cơ hội giáo dục bị phân hóa về tài sản như thế này.
Theo VnExpress.net
https://vnexpress.net/truong-cong-khong-re-4435509.html
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá