Từ 22/12/2023, vay tín dụng đầu tư của Nhà nước không cần mua bảo hiểm tài sản

Thứ bảy, ngày 18 tháng 11 năm 2023 | 16:42

Xin cho tôi hỏi theo quy định mới thì vay tín dụng đầu tư của Nhà nước có cần mua bảo hiểm tài sản không? - Hồng Hạnh (TPHCM

Mục lục bài viết
  • 1. Từ 22/12/2023, vay tín dụng đầu tư của Nhà nước không cần mua bảo hiểm tài sản
  • 2. Quy định về lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước

Từ 22/12/2023, vay tín dụng đầu tư của Nhà nước không cần mua bảo hiểm tài sản

Từ 22/12/2023, vay tín dụng đầu tư của Nhà nước không cần mua bảo hiểm tài sản (Hình từ internet)

Ngày 07/11/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 78/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

1. Từ 22/12/2023, vay tín dụng đầu tư của Nhà nước không cần mua bảo hiểm tài sản

Cụ thể tại Điều 6 Nghị định 32/2017/NĐ-CP được sửa đổi tại Nghị định 78/2023/NĐ-CP quy định khách hàng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

- Thuộc đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định 32/2017/NĐ-CP.

- Có đầy đủ năng lực pháp luật và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định.

- Có dự án đầu tư xin vay vốn được Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định, đánh giá là dự án có hiệu quả; có khả năng tài chính để trả nợ tại thời điểm Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định cho vay.

- Vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động), mức cụ thể do Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định phù hợp với khả năng tài chính của chủ đầu tư và phương án trả nợ của dự án.

- Thực hiện bảo đảm tiền vay theo các quy định tại Nghị định 32/2017/NĐ-CP và quy định của pháp luật.

- Khách hàng không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định cho vay.

HIện hành tại Điều 6 Nghị định 32/2017/NĐ-CP quy định khách hàng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

- Thuộc đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định 32/2017/NĐ-CP.

- Có đầy đủ năng lực pháp luật và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định.

- Dự án đầu tư xin vay vốn được Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định, đánh giá là dự án có hiệu quả, có khả năng trả được nợ vay.

- Có vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư dự án, mức cụ thể do Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định phù hợp với khả năng tài chính của chủ đầu tư và phương án trả nợ của dự án, trừ trường hợp các dự án đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

- Thực hiện bảo đảm tiền vay theo các quy định tại Nghị định 32/2017/NĐ-CP và quy định của pháp luật.

- Khách hàng không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng tại thời điểm Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét cho vay, giải ngân vốn vay.

Mua bảo hiểm tài sản tại một doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đối với tài sản bảo đảm tiền vay.

- Khách hàng thực hiện chế độ hạch toán kế toán, báo cáo tài chính và kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm theo quy định của pháp luật.

Như vậy, có thể thấy quy định phải mua bảo hiểm tài sản đã được bãi bỏ, doanh nghiệp vay tín dụng đầu tư của Nhà nước không cần phải mua bảo hiểm tài sản.

2. Quy định về lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước

Căn cứ theo Điều 9 Nghị định 32/2017/NĐ-CP được sửa đổi tại Nghị định 78/2023/NĐ-CP quy định về lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước như sau:

- Mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định, đảm bảo nguyên tắc đủ bù đắp chi phí huy động vốn, chi hoạt động bộ máy và chi phí trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ vay được ký hợp đồng tín dụng kể từ ngày 22/12/2023, nhưng không thấp hơn 85% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước trong cùng thời kỳ; ngân sách nhà nước không cấp bù lãi suất và phí quản lý đối với các khoản nợ vay này.

- Trình tự quyết định lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước:

+ Trước ngày 25/01 hằng năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản gửi Bộ Tài chính cung cấp số liệu lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước trong cùng thời kỳ để Bộ Tài chính cung cấp cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

+ Chậm nhất 03 ngày làm việc sau khi nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định 32/2017/NĐ-CP, Bộ Tài chính có văn bản chuyển cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam số liệu lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước trong cùng thời kỳ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp;

+ Chậm nhất 03 ngày làm việc sau khi nhận được văn bản của Bộ Tài chính tại điểm b khoản 2 Điều 9 Nghị định 32/2017/NĐ-CP, căn cứ nguyên tắc xác định mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 32/2017/NĐ-CP, Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước;

+ Trường hợp trong năm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại trong nước có biến động lớn, Ngân hàng Phát triển Việt Nam báo cáo Bộ Tài chính có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị cung cấp lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước tại thời điểm đề nghị để Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước.

- Mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 32/2017/NĐ-CP được áp dụng cho toàn bộ dư nợ trong hạn và các khoản giải ngân mới của các hợp đồng vay vốn tín dụng đầu tư ký kết kể từ ngày 22/12/2023.

- Đối với toàn bộ số dư nợ gốc bị chuyển quá hạn của từng khoản nợ vay:

+ Lãi suất quá hạn do Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định, tối đa bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn;

+ Lãi suất cho vay trong hạn tại điểm a khoản 4 Điều 9 Nghị định 32/2017/NĐ-CP được điều chỉnh theo mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 32/2017/NĐ-CP.