Tự do mua filler, botox, bệnh viện nhận đến 500 ca tai biến thẩm mỹ mỗi năm
Mặc dù đã có nhiều cảnh báo nhưng mỗi năm, Bệnh viện Da liễu TPHCM vẫn tiếp nhận 200-500 ca tai biến thẩm mỹ, chủ yếu do đi làm đẹp tại các spa trôi nổi.
Chỉ trong thời gian ngắn đầu năm 2024, hàng loạt ca tai biến thẩm mỹ đã xảy ra tại các cơ sở tư nhân ở TPHCM. Điển hình nhất là các phẫu thuật hút mỡ bụng, nâng ngực, nâng mũi khiến ba phụ nữ liên tiếp gặp tai biến nặng phải đi cấp cứu.
Sự cố nghiêm trọng nhất là bệnh nhân nữ 33 tuổi đã tử vong sau nâng mũi bằng vật liệu silicon và sụn vành tai tại phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ thuộc Công ty TNHH Bệnh viện thẩm mỹ quốc tế Thailand Hospital (số 86-88 Pasteur, phường Bến Nghé, quận 1) vào tháng 6 vừa qua.
Bác sĩ Bệnh viện Da liễu TPHCM đang khám một ca tai biến thẩm mỹ. Ảnh: BVCC
Trước thực trạng này, ngày 22/8, Sở Y tế TPHCM tổ chức hội nghị tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ.
BSCK2 Hồ Văn Hân - Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết, thành phố có 37 bệnh viện thẩm mỹ; 31 khoa tạo hình thẩm mỹ trong các bệnh viện; 290 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ; 3.891 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phi y tế (spa, chăm sóc da...). Đáng chú ý, nhiều cơ sở thẩm mỹ phi y tế lại hoạt động “lấn sân” sang lĩnh vực y tế.
“Những cơ sở do quận, huyện, Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp giấy phép kinh doanh thì không phải xin phép hoạt động có điều kiện của ngành y tế. Do đó, khi các cơ sở này “lấn sân” lại là thách thức đối với ngành y tế trong kiểm tra, xử lý” - bác sĩ Hân nhấn mạnh.
Thanh tra Sở Y tế cho biết, các sự cố y khoa liên quan đến làm đẹp gia tăng, trong đó 78% các vụ việc, đơn thư phản ánh liên quan đến chất lượng dịch vụ và tổn thất tài chính. Tiếp đó là thẩm mỹ không phép, thẩm mỹ "chui", quảng cáo trái phép, sai sự thật về làm đẹp trên mạng xã hội.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Phan Thúy - Giám đốc Bệnh viện Da liễu TPHCM, mỗi năm có 200-500 bệnh nhân gặp sự cố y khoa trong thẩm mỹ nội khoa đến khám và điều trị tại đây. Trong đó, có 69% ca tai biến do thủ thuật tiêm chích, 16% các ca liên quan đến laser và ánh sáng, 10% do làm đẹp bằng hóa chất...
Thống kê của bệnh viện này cũng cho biết, 77% các bệnh nhân bị tai biến thẩm mỹ đi làm đẹp tại spa trôi nổi, 13% thực hiện tại nhà, thiết bị không đảm bảo chất lượng, sản phẩm tiêm chích không rõ nguồn gốc… đã làm tăng nguy cơ biến chứng.
Đặc biệt, nếu người thực hiện không nắm vững kiến thức chuyên môn, các cấu trúc mạch máu sẽ dẫn đến điều trị sai cách, gây các hậu quả nặng nề. Điển hình là trường hợp nam thanh niên sau khi tiêm filler đã bị mù mắt phải, dù đến bệnh viện cũng không thể cứu chữa được.
Mua filler, botox quá dễ dàng khiến biến chứng gia tăng
PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, nhằm hạn chế các sai phạm và sự cố y khoa trong lĩnh vực thẩm mỹ, ngành y tế sẽ áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn về chứng chỉ hành nghề và tiêu chuẩn thẩm định cho phép một cơ sở y tế cung ứng dịch vụ thẩm mỹ; nâng cao nhận thức khách hàng và quản lý chặt các sản phẩm dùng trong thẩm mỹ như filler, botox...
“Hiện nay, chỉ cần vào trang thương mại điện tử đã có thể dễ dàng mua botox, họ sẽ ship về tận nhà. Trong khi đó, nhiều trường hợp tiêm botox không rõ nguồn gốc đã bị biến chứng” - BS Thượng nói.
Sở Y tế TPHCM tổ chức hội nghị tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn cho người bệnh phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: L.N
Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết, nguyên nhân sâu xa của việc làm đẹp không an toàn là do các cơ sở vì lợi nhuận cố tình vi phạm pháp luật; năng lực người hành nghề và quản lý cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu; quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội chưa được kiểm soát tốt; đào tạo thẩm mỹ, dạy nghề "chui"…
Ngoài việc tiếp tục kêu gọi người dân cung cấp thông tin về cơ sở thẩm mỹ sai phạm cho cơ quan chức năng xử lý, Thanh tra Sở đề nghị phối hợp chặt chẽ với Sở LĐ-TB&XH trong việc quản lý đào tạo, dạy nghề cũng như tăng cường kiểm tra, xử phạt.
Trước đó, Sở Y tế đã yêu cầu tất cả bệnh viện nghiêm túc triển khai khuyến cáo đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ.
Bác sĩ trực tiếp phẫu thuật có giấy chứng nhận đào tạo liên tục về an toàn người bệnh trong phẫu thuật. Các thành viên trong ê kíp đều được tập huấn về hồi sức ngưng tim, ngưng thở cơ bản, nâng cao hoặc chứng nhận đào tạo về hồi sức cấp cứu tối thiểu 3 tháng.
Trang bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ, thiết bị y tế, thuốc phục vụ cho phẫu thuật và gây mê - hồi sức; luôn có máy khử rung sẵn sàng trong phòng mổ. Vật liệu cấy ghép dùng cho người bệnh phải vô khuẩn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Đặc biệt, không kết hợp cùng lúc các kỹ thuật ở vùng ngực, bụng, căng da mặt trong cùng cuộc mổ.
- Hai điểm lạ của cơn đau đầu cảnh báo u não
- Ai mắc sốt xuất huyết sẽ có nguy cơ cao gặp nguy hiểm?
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Nhiều loại ký sinh trùng tưởng tuyệt chủng bất ngờ xuất hiện lại ở Việt Nam
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Người bệnh tiểu đường bất ngờ khi nhân viên y tế đưa suất ăn có bát cơm đầy