Từ ngày 01/01/2024, một người bệnh chỉ có một người đại diện tại một thời điểm

Thứ ba, ngày 26 tháng 12 năm 2023 | 15:44

Cho tôi hỏi từ ngày 01/01/2024, một người bệnh sẽ có bao nhiêu người đại diện tại một thời điểm? – Hoàng Quân (Đồng Tháp)

Từ ngày 01/01/2024, một người bệnh chỉ có một người đại diện tại một thời điểm

Từ ngày 01/01/2024, một người bệnh chỉ có một người đại diện tại một thời điểm (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ai là người đại diện của người bệnh?

Người đại diện của người bệnh được xem là một trong những thân nhân của người bệnh được quy định tại khoản 11 Điều 2 Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023.

Trong đó, người đại diện của người bệnh là người thay thế cho người bệnh thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bệnh theo quy định Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023 trong phạm vi đại diện.

Cụ thể các quyền và nghĩa vụ mà người đại diện của người bệnh sẽ có thể thay thế cho người bệnh thực hiện bao gồm:

- Về quyền:

+ Quyền được khám bệnh, chữa bệnh;

+ Quyền được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe và tôn trọng bí mật riêng tư trong khám bệnh, chữa bệnh;

+ Quyền được lựa chọn trong khám bệnh, chữa bệnh;

+ Quyền được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án và chi phí khám bệnh, chữa bệnh;

+ Quyền được từ chối khám bệnh, chữa bệnh và rời khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

+ Quyền kiến nghị và bồi thường;

+ Việc thực hiện quyền của người bệnh bị mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế năng lực hành vi dân sự, người bệnh là người chưa thành niên và người bệnh không có thân nhân.

- Về nghĩa vụ:

+ Nghĩa vụ tôn trọng người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

+ Nghĩa vụ chấp hành các quy định trong khám bệnh, chữa bệnh;

+ Nghĩa vụ chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Từ ngày 01/01/2024, một người bệnh chỉ có một người đại diện tại một thời điểm

Theo đó khi Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023, một người bệnh chỉ có một người đại diện tại một thời điểm.

Tuy nhiên để trở thành người đại diện của người bệnh thì người này phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, bao gồm:

(i) Người do người bệnh là người thành niên tự lựa chọn;

(ii) Người do thành viên gia đình của người bệnh lựa chọn trong trường hợp người bệnh là người thành niên không thể tự lựa chọn và không có ủy quyền trước khi rơi vào tình trạng không thể hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

(iii) Người đại diện theo ủy quyền và người đại diện theo pháp luật của người bệnh theo quy định của Bộ luật Dân sự;

(iv) Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự hoặc người được pháp nhân phân công mà pháp nhân đó chịu trách nhiệm quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh theo quy định của Bộ luật Dân sự;

(v) Người không thuộc đối tượng trên nhưng tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của người bệnh theo quy định của Bộ luật Dân sự.

(Khoản 1, 2 Điều 8 Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023)

Khi nào sẽ thay thế người đại diện của người bệnh?

Việc thay thế người đại diện của người bệnh được thực hiện như sau:

- Trường hợp thay thế người đại diện quy định tại (i) này thì phải có xác nhận của người bệnh;

- Trường hợp thay thế người đại diện quy định tại (ii) thì phải có xác nhận của người bệnh hoặc thành viên gia đình của người bệnh;

- Trường hợp người đại diện là cha mẹ đối với con chưa thành niên thì khi thay thế người đại diện không phải có xác nhận của người bệnh;

- Trường hợp người đại diện là người giám hộ, người do Tòa án chỉ định, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hoặc người được pháp nhân phân công thì việc thay thế người đại diện phải được thực hiện bằng quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;

- Trường hợp người đại diện là người đại diện theo ủy quyền thì việc thay thế người đại diện phải được thực hiện bằng văn bản ủy quyền theo quy định.

(Khoản 3 Điều 8 Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].