Từ vết ngứa nhỏ, người phụ nữ ở Hà Nội bị hoại tử, phải tháo ngón tay
Xuất hiện vết ngứa nhỏ rồi nhanh chóng lan rộng, sưng đỏ, đau nhức dữ dội, người phụ nữ 44 tuổi ở Hà Nội phải tháo một ngón tay và chịu nhiều di chứng.
Chiều 9-12, theo tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, tại đây vừa tiếp nhận điều trị một bệnh nhân bị nhiễm tụ cầu vàng.
Bàn tay bị tổn thương, hoại tử một phần da và ngón út của nữ bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Trước đó, chị T. T. Y (44 tuổi, Hà Nội) xuất hiện một vết ngứa nhỏ ở bàn tay trái nhưng nhanh chóng lan rộng, sưng đỏ và đau nhức dữ dội. Khi tổn thương đã lan khắp bàn tay, chị Y đến khám tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương và nhập viện điều trị tại khoa Chấn thương chỉnh hình và thần kinh cột sống.
Tại đây, một phần da tay và ngón út của chị đã bị hoại tử và buộc phải tháo bỏ. Chị Y được chẩn đoán viêm mô bào bàn tay do nhiễm tụ cầu vàng. Đây là loại vi khuẩn nguy hiểm thường gặp trong các ca nhiễm trùng da.
Với ca bệnh này, các bác sĩ đã điều trị phối hợp phẫu thuật làm sạch nhiễm trùng và kiểm soát đường huyết của bệnh nhân. Các bác sĩ cũng tiến hành phẫu thuật cắt lọc hoại tử 2 lần để loại bỏ mô chết, đồng thời đặt hệ thống hút áp lực âm nhằm thúc đẩy tái tạo mô.
Khi vết thương sạch, tổ chức hạt tốt, bác sĩ đã thực hiện chuyển vạt che phủ khuyết hổng và vá da dày cho bệnh nhân. Quá trình điều trị kéo dài hơn một tháng, bao gồm việc phẫu thuật, chăm sóc hậu phẫu, cùng với vật lý trị liệu nhằm phục hồi chức năng vận động bàn ngón tay.
Theo Thạc sĩ-bác sĩ Hoàng Mạnh Hà, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và Thần kinh cột sống, nữ bệnh nhân có tiền sử tiểu đường tuýp 2, thiểu năng trí tuệ, không được kiểm soát tốt đường huyết và không khám định kỳ. Trên nền bệnh tiểu đường, tình trạng nhiễm trùng lan rộng nhanh chóng.
Cũng theo bác sĩ, điều trị viêm mô bào trong trường hợp này rất phức tạp và đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa. Hiện nay, bệnh nhân vẫn phải đối mặt với nhiều biến chứng, hậu quả lâu dài. Bệnh nhân giảm khả năng vận động ở bàn tay, không thể nắm hoặc duỗi hết các ngón tay. Cảm giác ở bàn tay cũng giảm, đặc biệt ở vùng da ghép.
“Viêm mô bào là một bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt đối với bệnh nhân có bệnh nền như tiểu đường. Để phòng ngừa, người bệnh cần kiểm soát tốt các bệnh lý nền, thường xuyên khám sức khỏe định kỳ và đặc biệt lưu ý các tổn thương trên da. Nếu phát hiện các dấu hiệu như sưng đỏ, đau nhức hoặc viêm tấy lan rộng, cần đến cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”, bác sĩ Hoàng Mạnh Hà khuyến cáo.
- Hà Nội: Có thêm 50 ca mắc sởi/tuần, nhiều trẻ phải thở máy
- Nhiều bệnh nhân ung thư sống thêm 10-20 năm
- Phát hiện ung thư giai đoạn cuối từ dấu hiệu ăn không ngon miệng
- Lao động nữ được khám sàng lọc ung thư vú, cổ tử cung như thế nào?
- Lao động nữ được khám sàng lọc ung thư vú, cổ tử cung như thế nào?
- Phát hiện ung thư giai đoạn cuối từ dấu hiệu ăn không ngon miệng
- Người đàn ông phát hiện khối u ác tính từ dấu hiệu đơn giản
- Cực hiếm: Bé gái 'vượt ngàn chông gai' chào đời với 9 vòng dây rốn quấn cổ
- Bệnh tiểu đường ngày càng trẻ hóa, bác sĩ tiết lộ dấu hiệu ‘3 tăng 1 giảm’