Tử vong do Covid-19 vẫn ở mức cao
So với thời điểm tháng 8-9/2021, số ca tử vong do Covid-19 có giảm nhưng vẫn ở mức cao (trên 200 ca/ ngày). Nếu để Omicron lan tràn sẽ dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống y tế.
Theo báo cáo tổng kết công tác y tế năm 2021 và nhiệm vụ năm 2022 của Bộ Y tế, số ca nhiễm Covid-19 trong giai đoạn vừa qua tăng rất nhanh do biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh và đột ngột, gây quá tải cho hệ thống y tế một số địa phương. So với thời điểm tháng 8 và tháng 9/2021, số người chết tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao (trên 200 ca/ ngày).
Hầu hết các trường hợp tử vong là người cao tuổi, người mắc bệnh tiềm ẩn, trong đó phần lớn chưa được tiêm chủng. Tại TPHCM, An Giang.., 85% số trường hợp tử vong chưa được tiêm chủng hoặc mới tiêm một liều vaccine.
Hai năm chống dịch Covid-19, nhiều nhân viên y tế đã rất mệt mỏi (Ảnh minh họa: H.F).
Ngoài ra, còn một số tồn tại và hạn chế khác là tại một số địa phương phía Nam, nhân lực điều trị cho bệnh nhân nặng chuyển viện rất khó, do bệnh nhân nặng phụ thuộc nhiều vào lực lượng hỗ trợ của Trung ương nên khi lực lượng hỗ trợ rút đi họ gặp khó khăn, lúng túng.
Sau hai năm chống chọi với dịch, nhiều nhân viên y tế đã rất mệt mỏi do phải thường xuyên làm việc trong môi trường áp lực cao, thời gian dài, trực tiếp đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng, thương tật cao, tâm lý, công việc quá tải... Theo Bộ Y tế, đã ghi nhận hàng nghìn trường hợp xin nghỉ việc, thôi việc dẫn đến nguy cơ thiếu nhân lực y tế ngày càng tăng.
Nhiều địa phương chưa thực hiện chặt chẽ hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2. Việc quản lý F0 tại nhà chưa tốt, một số trường hợp F0 tự phát hiện nhưng không báo cơ sở y tế, một số trường hợp F0 báo cáo nhưng không được can thiệp kịp thời.
Sử dụng thuốc chữa bệnh tại nhà cũng không theo hướng dẫn như dùng thuốc chống đông máu, kháng viêm quá sớm.
Chống dịch vẫn là ưu tiên hàng đầu trong năm 2022
Bộ Y tế nhận định trong thời gian tới, dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trong năm 2022, có thể xuất hiện các biến chủng mới làm cho dịch diễn biến phức tạp hơn, khó lường hơn. Số mắc có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vaccine nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Với sự xâm nhập của biến chủng Omicron và có thể sẽ còn xuất hiện thêm những biến chủng mới khác, tiếp tục đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn nữa trong công tác phòng chống dịch.
Trong năm 2022, ngành y tế xác định nhiệm vụ thứ nhất, trước mắt và ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Theo Bộ, cuộc chiến phòng Covid-19 vẫn còn trước mắt, mỗi ngày nước ta vẫn có hơn 200 người tử vong do dịch bệnh, nếu để Omicron lan tràn sẽ dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống y tế. Tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng và gấp 3 lần với nhóm đã tiêm chủng đầy đủ nên dẫn đến tăng rất nhanh số mắc, gây quá tải hệ thống y tế vì vậy vẫn phải đặt trọng tâm cho công tác phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, ngành cũng tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng và trình các dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật dược sửa đổi…; tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của y tế dự phòng và y tế cơ sở; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, triển khai kết luận của Bộ Chính trị tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%...
Theo Dân Trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/tu-vong-do-covid19-van-o-muc-cao-20220117154624756.htm
- Bé gái 7 tuổi tử vong sau vài tiếng nhập viện ở Thanh Hóa
- Phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm sau khi vô tình đọc báo
- Bé 4 tuổi đi cấp cứu với tiên lượng tử vong do biến chứng đái tháo đường
- 4 triệu chứng ở chân cảnh báo bệnh tiểu đường đã nghiêm trọng
- Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng
- 4 thực phẩm giúp giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư
- Ngứa cảnh báo tình trạng nguy hiểm không chỉ là bệnh ngoài da khi trời hanh khô
- Căn bệnh khiến nhiều người không bao giờ tỉnh lại vào ngày hôm sau
- Bác sĩ trẻ phát hiện mắc ung thư giai đoạn cuối từ 2 dấu hiệu mờ nhạt