Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam 2022: Cơ hội hợp tác số giữa các nước ASEAN

Thứ ba, ngày 11 tháng 10 năm 2022 | 14:18

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, hợp tác đối tác số là một kiểu hợp tác mới. Chúng ta sẽ có các diễn đàn Việt Nam - Ấn Độ, Việt Nam - Nhật Bản và Việt Nam - Hàn Quốc để bàn về phát triển đối tác số.

Phiên toàn thể Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam 2022 sáng 11/10.
Phiên toàn thể Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam 2022 sáng 11/10.

Sáng 11/10, Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam 2022 (Vietnam International Digital WeekmVIDW2022) với chủ đề “Đối tác toàn cầu vì tương lai số bền vững” (Global Partnership for the Sustainable Digital Future) do Bộ thông tin và Truyền thông Việt Nam tổ chức đã chính thức khai mạc.

Tham dự khai mạc VIDW2022 có hơn 350 đại biểu là lãnh đạo các bộ chuyên ngành, các cơ quan quản lý, hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp công nghệ số của các nước ASEAN và các nước đối thoại, đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Phát biểu tại phiên khai mạc, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: "Cuộc di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số là công cuộc di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, và cũng là thách thức nhất đối với nhân loại. Chuyển đổi số là nội dung chính trong Tuần lễ số quốc tế 2022 được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội, Việt Nam".

Sáng kiếnTuần lễ Số quốc tế lần đầu được tổ chức tại Việt Nam và chúng ta sẽ duy trì để nó trở thành thường niên của các nước ASEAN.

(Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chủ đề được lựa chọn cho Tuần lễ Số quốc tế đầu tiên là: Đối tác toàn cầu vì một tương lai số bền vững. Sáng kiến này lần đầu được tổ chức tại Việt Nam và chúng ta sẽ duy trì để nó trở thành thường niên của các nước ASEAN. Chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi về chuyển đổi số, thể chế số, hạ tầng số, công nghệ số, nền tảng số, ứng dụng số, nhân lực số, an toàn số và hợp tác số.

5G là một cú huých lớn để nhân loại chuyển lên môi trường số. Di động và băng rộng vẫn là chủ đề chính của viễn thông. Công nghệ số muốn phát huy thì cần hạ tầng số, đó là 5G, là điện toán đám mây. Các nước ASEAN, từ năm 2019, đã tổ chức hội nghị thường niên về 5G. ASEAN cam kết đi cùng nhịp với thế giới về công nghệ mới. Không có lý do gì mà chúng ta lại đi sau. Cái mới luôn là cơ hội cho những nước đi sau vượt lên phía trước.

Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam 2022: Cơ hội hợp tác số giữa các nước ASEAN ảnh 1
350 đại biểu là lãnh đạo các bộ chuyên ngành, các cơ quan quản lý, hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp công nghệ số của các nước ASEAN và các nước đối thoại tham dự Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam 2022.

Hợp tác số giữa các nước ASEAN là để tạo ra một ASEAN số. Để thực hiện One ASEAN thì chuyển đổi số và hợp tác số là lời giải tốt nhất. Việt Nam mong muốn ký kết hợp tác đối tác số với các nước ASEAN và các nước khác.

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hợp tác đối tác số là một kiểu hợp tác mới. Chúng ta sẽ có các diễn đàn Việt Nam - Ấn Độ, Việt Nam - Nhật Bản và Việt Nam - Hàn Quốc để bàn về phát triển đối tác số.

Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam-VIDW2022 diễn ra từ ngày 11-14/10, tập trung thúc đẩy và mở rộng các quan hệ đối tác số, với các ưu tiên: hoàn thiện thể chế và môi trường quản lý, đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển công nghiệp công nghệ số, hạ tầng số; xây dựng không gian mạng an toàn và tin cậy; nâng cao kỹ năng số cho người dân.

Phiên toàn thể là dịp để cơ quan hoạch định chính sách của các nước chia sẻ các chiến lược, tầm nhìn, định hướng và lộ trình phát triển số, kinh nghiệm quản lý và đo lường kinh tế số, các ưu tiên trong việc xây dựng và thiết lập quan hệ đối tác số với Việt Nam và khu vực.

Hội nghị ASEAN về 5G diễn ra ngay sau phiên toàn thể, là sáng kiến của Việt Nam, được Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thông báo tại Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và CNTT ASEAN 2018, nhằm đẩy mạnh phối hợp trong khu vực về chính sách, đầu tư, phát triển công nghệ, dịch vụ và ứng dụng 5G. Mục tiêu của Hội nghị lần này là nhằm thảo luận về phương hướng thúc đẩy triển khai 5G và trao đổi các khuyến nghị về Lộ trình thực hiện 5G cho ASEAN trong giai đoạn từ nay đến 2025.

Việc thành lập Nhóm chuyên trách ASEAN về phòng chống tin giả (TFFN) cũng là một sáng kiến của Việt Nam, được các nước ASEAN ủng hộ và đánh giá cao. Tại cuộc họp lần này của TFFN, các nước sẽ trao đối về cơ chế, chính sách, kinh nghiệm xử lý tin giả, thảo luận về việc xây dựng cơ chế hợp tác đặc trách giữa các nước ASEAN để xử lý và giảm thiểu tác hại về tín giả trong khu vực.

Bên cạnh các hoạt động với chủ đề “Đối tác toàn cầu vì tương lai số bền vững”, trong các ngày từ 12-14/10, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và các tổ chức quốc tế tổ chức như Unesco, ITU, WB tổ chức các diễn đàn chuyên môn với các chủ đề khác nhau: Diễn đàn Chuyển đổi số vì một xã hội số mở rộng, Chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp và sản xuất thông minh, Phát triển kết nối số hướng đến Quan hệ đối tác số, Diễn đàn Kỹ năng số cho cộng đồng...