Từng xin được chết, chàng trai hồi sinh kỳ diệu khiến bác sĩ bất ngờ
Đa phần những bệnh nhân bị tai nạn như Thịnh có nguy cơ tử vong cao, nếu sống sót, họ cũng chỉ nằm một chỗ. Sau 3 năm nỗ lực từng ngày, sự hồi sinh kỳ diệu của anh đã khiến bác sĩ đánh giá "ngoạn mục, kỳ tích".
"Mẹ cho con về đi, chết ở nhà cũng được"
Tháng 6/2021, Nguyễn Văn Thịnh (sinh năm 1994, trú tại Gia Bình, Bắc Ninh) đến Bắc Giang chơi. Khi cùng bạn đi xe đạp điện, họ bất ngờ bị một xe máy tông ngã ra đường. Vụ tai nạn khiến đôi chân của anh không còn cảm giác.
“Lúc ấy, tay tôi vẫn cầm nắm được điện thoại nhưng chân không nhấc lên được. Tôi gọi về cho mẹ. Bắc Giang đang là tâm dịch Covid-19 nên mẹ phải làm giấy tờ cùng sự hỗ trợ của Bệnh viện tỉnh Bắc Giang để đưa tôi về Bắc Ninh”, anh Thịnh nhớ lại.
Anh Nguyễn Văn Thịnh trước khi bị tai nạn. Ảnh: NVCC.
Đúng thời điểm căng thẳng của đại dịch Covid-19, việc khám chữa bệnh vô cùng khó khăn. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, các bác sĩ chẩn đoán Thịnh bị dập tủy đốt sống C3-4 và giới thiệu lên tuyến trên phẫu thuật.
Tuy nhiên, đi tới đâu, bệnh nhân cũng bị từ chối vì từ vùng dịch, không thể mổ ngay. Nằm ở hành lang một bệnh viện, anh và mẹ nghe rõ cuộc trò chuyện của bác sĩ: "Nếu tiếp nhận mổ, sau đó cả bệnh viện phong tỏa vì có người mắc Covid-19 thì nguy to".
Ba ngày sau, hai tay của anh liệt nốt, ngực như bị bóp nghẹt không thể lấy oxy. “Lúc đó, tôi như con cá mắc cạn, ngáp chết. Từng chủ quan cho rằng dập đốt sống chắc nhẹ nhưng khi biết bệnh nặng như thế nào, tôi hoang mang và bắt đầu khóc”, anh Thịnh nhớ lại.
Sau đó, bệnh nhân được một bác sĩ giới thiệu chuyển sang Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để mổ.
Sau 3 năm, anh Thịnh đã phục hồi ngoạn mục, đang tập đi lại. Ảnh: NVCC.
Bác sĩ Trần Trung Kiên - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - nhớ lại các trường hợp cấp cứu có chỉ định phẫu thuật chỉ cần test nhanh Covid-19 âm tính là được nhận vào chờ mổ. Nhìn tổn thương của Thịnh, bác sĩ Kiên biết cơ hội phục hồi cho anh là "vô cùng mong manh".
Bà Hoàng Thị Minh (mẹ bệnh nhân) không thể quên khoảnh khắc bác sĩ cho biết xác suất "sống - chết" của ca mổ là 50/50. Dù vậy, người mẹ này vẫn quyết tâm nhờ bác sĩ phẫu thuật cho con.
Tuy nhiên, lúc đó, Thịnh liên tục xin: “Mẹ cho con về đi, chết ở nhà cũng được, mổ rồi vẫn liệt, tốn kém tiền của”.
Nghe con nói vậy, người mẹ với mái tóc đã điểm bạc gạt hết tiêu cực, động viên: “Mẹ mua bảo hiểm y tế cho con rồi, cứ yên tâm mổ, bảo hiểm y tế thanh toán hết, không lo”.
Trước ca mổ, bệnh nhân liên tục đưa mắt nhìn mẹ khóc, tự nhận mình là đứa con bất hiếu, không lo được cho cha mẹ tuổi già, không sinh được con. Người mẹ quay đi giấu giọt nước mắt. Ê-kíp bác sĩ cũng động viên anh: "Dù nằm một chỗ nhưng còn sống là báo hiếu cha mẹ, đừng để người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh".
“Con cố gắng, sống đã rồi tính tiếp” - đó là câu cuối cùng Thịnh nghe được từ mẹ, trước khi bước vào cuộc mổ.
Đếm từng ngón tay cử động
Ca mổ thành công, Thịnh đã "vượt qua cửa tử" và được chuyển về tuyến dưới. Suốt 6 tháng, người đàn ông vạm vỡ chỉ ăn, nằm một chỗ, được mẹ chăm sóc hoàn toàn. Mỗi lần nhìn thân hình mẹ nhỏ bé lật người cho con, lo tiền nong chạy chữa bệnh, anh lại khóc xin bố mẹ: "Để con chết đi". Gia đình bệnh nhân cũng xác định quá trình hồi phục lâu dài, chờ vào phép màu.
Theo nhận định của bác sĩ, từ 6 tháng đến 1 năm, nếu ngón tay của anh cử động được là có hy vọng. Mỗi ngày, bà Minh đều xoa bóp chân tay con để khỏi teo cơ. Bà chằm chằm nhìn vào ngón tay của con xem có cử động không.
Hằng ngày, mọi sinh hoạt của anh Thịnh đều diễn ra trên giường. Mẹ lau người, thay quần áo, bón cháo cho anh. Mỗi tuần 2 lần, người cùng phòng bệnh giúp bà Minh khiêng anh vào nhà vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ. Đến lịch phải di chuyển xuống khoa phục hồi, bà Minh lại đứng ở cửa phòng bệnh chờ đợi có người nào đi qua, nhờ giúp đưa con xuống xe đẩy.
“Thịnh 76kg, tôi chỉ còn 37-38kg nên không thể dịch chuyển được. Chân tay con mềm nhũn, khiêng vô cùng vất vả. Những ngày nắng, mưa, gió rét, tôi đều giấu nỗi buồn vào trong, chỉ cười động viên con chấp nhận hoàn cảnh, cố gắng chữa trị”, bà Minh nói.
Ba tháng sau cuộc mổ, một buổi sáng, người mẹ thấy một ngón tay của con trai ngọ nguậy. Bà bật khóc, mừng tới ngộp thở, chân tay run lên và gọi điện về báo cho chồng, anh em, họ hàng ở quê.
Từng ngón tay rồi đến chân của Thịnh đều dần dần khẽ cử động. Trước kia, bà Minh chỉ thấy hình ảnh chờ đợi này ở trên tivi. Khi tận mắt chứng kiến, người phụ nữ này trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc. Bà luôn động viên con trai không từ bỏ, được sống đã là hạnh phúc.
Anh Thịnh đi kiểm tra lại sức khỏe vào cuối tuần qua. Ảnh: BSCC.
Hơn 3 năm kiên trì tập luyện ở Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh, tập đi ở nhà, đến nay, anh Thịnh đã tự đứng được trên đôi chân của mình.
Cuối tuần qua, anh tới Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tái khám. Kết quả phục hồi của bệnh nhân được bác sĩ đánh giá “ngoạn mục, kỳ tích". Bác sĩ Kiên cho biết những người chấn thương như nam bệnh nhân này có tỷ lệ tử vong do suy hô hấp rất cao, người may mắn sống sót thì đa số nằm liệt môt chỗ. Hiện tại, bác sĩ đánh giá chân của anh Thịnh có cảm giác, phổi không viêm xơ, các cơ quan nội tạng khác đều hoạt động tốt.
Nói về tương lai của con, bà Minh chỉ hy vọng anh có thể tự đẩy xe lăn đi lại, vệ sinh cá nhân. “Nếu một ngày tôi già đi, mong con tự lo được cho mình”, bà nói.
Clip anh Thịnh tập đi tại bệnh viện:
- Hai điểm lạ của cơn đau đầu cảnh báo u não
- Ai mắc sốt xuất huyết sẽ có nguy cơ cao gặp nguy hiểm?
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Nhiều loại ký sinh trùng tưởng tuyệt chủng bất ngờ xuất hiện lại ở Việt Nam
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Người bệnh tiểu đường bất ngờ khi nhân viên y tế đưa suất ăn có bát cơm đầy