Tuổi trẻ của những tỷ phú hàng đầu Việt Nam thế nào?
Nhiều người tò mò về tuổi trẻ và con đường lập nghiệp của những tỷ phú nức tiếng Việt Nam cũng như quốc tế.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Chủ tịch HĐQT tập đoàn Vingroup - Phạm Nhật Vượng sinh ngày 5/8/1968, quê gốc tại tỉnh Hà Tĩnh. Hiện tại, ông là người dẫn đầu trong danh sách tỷ phú USD của Việt Nam.
Năm 1987, sau khi thi đỗ vào trường Đại học Mỏ Địa chất Hà Nội với thành tích Toán học vượt trội, vừa tròn 18 tuổi, ông Phạm Nhật Vượng đã được Chính phủ cử sang nước Nga để tiếp tục nghiên cứu về ngành Địa chất học.
Chủ tịch HĐQT tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng. (Ảnh: Internet)
Sau khi tốt nghiệp trường kinh tế địa chất tại Moscow vào năm 1992, ông Vượng đã đầu tư khoảng 10.000 USD và mở một nhà hàng tại Kharkov. Sau đó, ông về Việt Nam và mua một dây chuyền mỳ ăn liền hai vắt thô sơ và bắt đầu sản xuất mì ăn liền hiệu Miniva, bán cho dân bản địa. Với khởi đầu chỉ với 30 nhân công nhân làm việc, "Mivina" đã trở thành thương hiệu đặc biệt hấp dẫn được thị trường Kharkov nhanh chóng đón nhận và sau này nổi tiếng trên toàn Ukraine. Những năm sau đó, nhà máy của ông Phạm Nhật kinh doanh thuận lợi thậm chí thương hiệu mì ăn liền Mivina còn bán được rộng rãi trên 30 quốc gia.
Đầu những năm 2000 khi việc làm ăn đang thuận lợi, ông Phạm Nhật Vượng đã quyết định bán lại doanh nghiệp của mình tại Kharkov và trở về Việt Nam lập nghiệp. Năm 2001, ông thành lập tiếp Công ty Vincom, chuyên xây dựng các trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp. Sau đó, hai công ty trên được sáp nhập trở thành Tập đoàn Vingroup, tập trung hẳn nguồn lực đầu tư trong nước. Ông Phạm Nhật Vượng lần đầu tiên được Forbes vinh danh vào năm 2013 với tổng tài sản lên tới 1,5 tỷ USD.
Theo Forbets, hiện tại ông Phạm Nhật Vượng đứng thứ 411 trên bảng xếp hạng chung những người giàu nhất thế giới với khối tài sản khoảng 6,2 tỷ USD.
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970, hiện là Tổng Giám đốc hãng hàng không Vietjet, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng HDBank.
Với tuổi đời còn quá trẻ bà đã sớm thành công trong công việc, sở hữu lượng tài sản khổng lồ mà nhiều người mơ ước. Không chỉ vậy bà còn là một trong 10 nữ doanh nhân thành công nhất được Forbes Việt Nam. Năm 2020, bà Nguyễn Thị Hương Thảo góp mặt trong 100 nhân vật thay đổi kinh tế Châu Á.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970, hiện là Tổng Giám đốc hãng hàng không Vietjet. (Ảnh internet)
Theo số liệu từ Forbes, tài sản của bà Thảo hiện đạt 3,1 tỷ USD, tăng 300 triệu USD so với năm 2021 và trở thành người giàu thứ 987 hành tinh. Bà Thảo hiện là người giàu thứ 3 Việt Nam.
Trước khi về Việt Nam lập nghiệp, bà Thảo có gần 20 năm kinh doanh ở nước ngoài. Bà Phương Thảo từng khởi nghiệp với vai trò đại lý phân phối hàng điện tử, máy văn phòng, hàng tiêu dùng, cao su tự nhiên...để tích lũy số vốn ban đầu.
Trở về quê hương, bà xây dựng VietJet Air với mong muốn vừa mang Việt Nam ra thế giới, vừa kéo thế giới lại gần hơn với Việt Nam. Chuyến bay đầu tiên của hãng cất cánh vào ngày 24/12/2011, từ TP.HCM đi Hà Nội. Đến nay, Vietjet Air nắm giữ thị phần lớn trong vận chuyển hàng không nội địa và đang phát triển mạnh mạng bay quốc tế.
Trong những doanh nhân Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo là một trong số ít người nhiều lần được vinh danh trên phạm vi toàn cầu.
Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ
Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ, người sáng lập thương hiệu cà phê Trung Nguyên sinh ngày 10/2/1971 tại Nha Trang, Khánh Hòa trong một gia đình nông dân nghèo, sau đó họ chuyển đến sinh sống ở huyện miền núi M’drak, tỉnh Đắk Lắk. Tuổi thơ của ông Vũ gắn liền với những những ngày bẻ ngô, chăm lợn, giúp mẹ đóng gạch và đi bộ tới trường suốt 15 km trên con đường đất đỏ.
Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ. (Ảnh internet)
Năm 1990, Đặng Lê Nguyên Vũ thi đỗ vào trường Đại học Y Tây Nguyên, thời điểm này gia cảnh nhà ông chẳng khấm khá hơn. Cái đói, cái nghèo vẫn luôn đeo đẳng, thôi thúc chàng thanh niên 20 tuổi khi ấy phải tích cực suy nghĩ để tìm ra lối thoát.
Năm 1996, ông Vũ cùng 3 người bạn của mình thành lập "Hãng cà phê Trung Nguyên" khai trương bảng hiệu ở cây số 3, thành phố Buôn Ma Thuột, là cột mốc quan trọng trong sự phát triển của cả tập đoàn Trung Nguyên sau này.
Ngày 20/8/1998, ông Vũ cùng những người bạn khai trương quán cà phê đầu tiên tại 587 Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận, TPHCM). Quán lựa chọn chiến lược tiếp cận khách hàng chưa từng có trong lịch sử ngành cà phê thời đó: Phục vụ đồ uống miễn phí trong vòng 10 ngày. Nhờ chiến lược này, Trung Nguyên đã bước đầu thành công trong việc chạm tới từng ngõ ngách của Sài Gòn.
Xác định phát triển mô hình theo hướng nhượng quyền, trong hơn 1 năm sau đó, từ 1999 đến 2000, Trung Nguyên có khoảng 500 quán cà phê trên toàn quốc. Thương hiệu cà phê này thành công tới nỗi có một thời người ta đã gọi tất cả các loại cà phê ngon, có gu là cà phê Trung Nguyên; như cách mà người Việt vẫn gọi xe máy là Honda…
Sang đến 2001, Trung Nguyên bắt đầu kế hoạch phát triển cà phê hòa tan, tiến đánh vào mảng thị trường trước nay chỉ thuộc về 2 tay chơi là Nestle và Vinacafe. Năm 2003, Trunng Nguyên tung ra sản phẩm cà phê hòa tan G7, và nhanh chóng định hình thế chân vạc trên thị trường gồm Nestle – Vinacafe – Trung Nguyên.
Với ước mong vươn ra thế giới, năm 2008, Trung Nguyên thành lập văn phòng tại Singapore nhằm mục tiêu phát triển thị trường này thành một cứ điểm để mở rộng ra khối Asean và toàn cầu. Tính đến nay, cà phê Trung Nguyên đã có mặt tại 60 quốc gia, và có sản phẩm bán trên hàng loạt các trang thương mại điện tử cũng như chuỗi siêu thị lớn của thế giới.
Tháng 2/2012, ông Đặng Lê Nguyên Vũ lần đầu tiên được vinh danh là "Vua Cà phê Việt" một cách chính thức trên tạp chí uy tín National Geographic Traveller. Cùng năm đó, tạp chí Forbes nhắc lại danh hiệu này với lời ca ngợi "zero to hero" (nhân vật từ vô danh trở thành anh hùng).
Doanh nhân Mai Kiều Liên
Bà Mai Kiều Liên sinh ngày 1/9/1953 tại Paris, Pháp trong một gia đình trí thức người Việt, cha mẹ bà đều là bác sĩ. Năm 1957, gia đình bà trở về Việt Nam cống hiến.
Bà Mai Kiều Liên học tại trường Trưng Vương - Hà Nội, vào những năm chiến tranh khốc liệt phải sơ tán về nông thôn, học giữa bãi sông Hồng. Sau khi tốt nghiệp cấp III, bà sang Liên Xô học khoa chế biến sữa và thịt tại Moskva.
Doanh nhân Mai Kiều Liên. (Ảnh internet)
Trở về nước, bà Mai Kiều Liên được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) năm 31 tuổi. Khi lên vị trí lãnh đạo của doanh nghiệp này vào năm 2003, bà xuất sắc đưa thương hiệu sữa Vinamilk đến gần hơn với người tiêu dùngtrong nước và 23 quốc gia khác nhau.
Với những cống hiến hết mình cùng tài năng kinh doanh, lãnh đạo xuất chúng, bà Liên được bầu chọn là một trong những CEO xuất sắc của châu Á trong lĩnh vực quan hệ với nhà đầu tư. Không chỉ nằm trong top những doanh nhân nữ thành đạt nhất Việt Nam, bà còn được Tạp chí Forbes 4 lần liên tiếp vinh danh trong top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.
Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức
Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) sinh ngày 6/12/1962 trong gia đình 10 người con tại xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông là doanh nhân, chủ tịch công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, đồng thời là người thành lập Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai – trường đào tạo bóng đá đầu tiên của Việt Nam. Năm 2011, ông Đoàn Nguyên Đức được Wall Street Journal đánh giá là một trong 30 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á.
Khi ông mới 3 tuổi, cả gia đình chuyển lên An Phú, Pleiku, Gia Lai sinh sống. Vì nhà nghèo nên từ nhỏ việc gì vất vả ông đã đều làm qua. Gia đình ông chuyên làm ruộng rẫy, làm thuê. Bầu Đức đam mê bóng đá từ nhỏ, còn là tiền đạo xuất sắc, người khởi xướng các trận đấu cho các bạn cùng lứa. Chính niềm đam mê đó đã trở thành động lực cống hiến cho nền bóng đá Việt Nam sau này.
Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức.
Đoàn Nguyên Đức đã từng lên TP.HCM thi đại học sau khi tốt nghiệp cấp 3 hệ 12 năm (năm 1982). Tuy nhiên, cả 4 lần ông đều trượt.
Khi con đường học vấn không "mỉm cười" với mình thì, bầu Đức quyết tâm khởi nghiệp sau đó vài năm với công việc ban đầu là điều hành một phân xưởng mộc.
Năm 1993, ông Đoàn Nguyên Đức mở xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku. Năm 2006, cơ sở này chính thức đổi tên thành Công ty Cổ Phần Hoàng Anh Gia Lai kinh doanh đa ngành với nhiều lĩnh vực khác nhau như: khai thác khoáng sản, gỗ, cao su, thủy điện, kinh doanh địa ốc và bóng đá.
Năm 2008, Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu niêm yết chứng khoán Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) với mã HAG.
Đầu năm 2020 ông Đoàn Nguyên Đức thông báo những thông tin tích cực từ chuỗi các ngành đầu tư nông nghiệp cũng như tham vọng trở thành công ty xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp lớn trong khu vực.
Nguồn https://vietnamnet.vn/tuoi-tre-cua-nhung-ty-phu-hang-dau-viet-nam-the-nao-2022042.html
- Thư Chúc tết Giáp Thìn năm 2024
- Con đường lập nghiệp thăng trầm của nữ tướng quyền lực nhất Facebook
- CEO Nokia dự báo 6G sẽ khiến con người rời bỏ smartphone vào năm 2030
- CSI 2022 giúp môi trường kinh doanh ổn định, bền vững cho doanh nghiệp
- Tài sản các tỷ phú Việt giảm gần 2 tỷ USD
- Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo với những chương trình bảo vệ môi trường cùng Đại học Harvard